(Tổ Quốc) - Chiều tối 15/3, ngày chính thức công bố mở cửa du lịch Việt Nam trong điều kiện bình thường mới, Bộ Ngoại giao phối hợp với Bộ VHTTDL tổ chức Hội nghị triển khai mở cửa du lịch quốc tế an toàn, hiệu quả. Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam dự và chỉ đạo Hội nghị.
- 15.03.2022 Hà Nội tăng cường công tác truyền thông, giới thiệu các hoạt động du lịch trong điều kiện bình thường mới
- 15.03.2022 Thừa Thiên Huế đón đoàn khách gần 600 người theo hình thức Team building
- 15.03.2022 Tổng cục Du lịch tổ chức chương trình công bố thông tin mở cửa lại hoạt động du lịch trong điều kiện bình thường mới
Phục hồi du lịch để thực hiện các mục tiêu phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội
Đây là Hội nghị về du lịch lần đầu tiên có sự tham dự của tất cả 94 Đại sứ, Trưởng Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài, lãnh đạo các tỉnh, thành phố và đông đảo lãnh đạo các hiệp hội, doanh nghiệp du lịch, khách sạn, hãng hàng không. Qua đó cho thấy sự quan tâm, kỳ vọng lớn và quyết tâm cao của các cơ quan, địa phương và doanh nghiệp trong việc triển khai và cụ thể hóa chủ trương mở cửa du lịch đã được Chính phủ thông qua.
Phát biểu khai mạc Hội nghị, Thứ trưởng Thường trực Bộ Ngoại giao Nguyễn Minh Vũ cho biết, sau hơn hai năm phải gồng mình ứng phó với đại dịch COVID-19, đến thời điểm hiện nay, thế giới đã bước sang một giai đoạn mới trong ứng phó với dịch bệnh.
Điều này thể hiện rất rõ trong tư duy và chính sách ứng phó với dịch bệnh của các nước. Rất nhiều nước đã và đang triển khai mạnh mẽ chính sách nới lỏng các biện pháp phòng dịch, mở cửa đi lại và thúc đẩy du lịch quốc tế, đưa cuộc sống trở lại trạng thái bình thường mới. Hiện nay có khoảng 50 nước trên thế giới, trong đó có các nước Đông Nam Á như: Indonesia, Singapore, Malaysia, Thái Lan…, đã nới lỏng các quy định về nhập cảnh, miễn xét nghiệm RT-PCR, miễn cách ly đối với khách quốc tế để kích cầu du lịch.
Đối với Việt Nam, Thứ trưởng Nguyễn Minh Vũ cho biết, quyết định mở cửa trở lại du lịch quốc tế với các biện pháp mạnh mẽ được triển khai từ ngày 15/3/2022 là hết sức quan trọng, đúng thời điểm, được đưa ra trên cơ sở những nền tảng vững chắc và những kết quả quan trọng trong quá trình chúng ta ứng phó với dịch bệnh. Việt Nam có tỉ lệ tiêm chủng cao, có các biện pháp kịp thời trong tiếp cận thuốc và các phương pháp điều trị. Bên cạnh đó là sự đồng lòng và ý thức của người dân.
"Chúng ta đã bước sang một giai đoạn mới trong ứng phó với dịch bệnh, có thể có khả năng và tự tin mở cửa, đón du khách quốc tế đến Việt Nam", Thứ trưởng Nguyễn Minh Vũ nhấn mạnh.
Với vai trò và tầm quan trọng của ngành du lịch đối với nền kinh tế, Thứ trưởng Nguyễn Minh Vũ cho rằng việc mở cửa để phục hồi, "vực dậy" ngành du lịch sau giai đoạn hết sức khó khăn hơn hai năm qua, đồng thời tạo đà bứt phá trong thời gian tới, có ý nghĩa cấp thiết hơn bao giờ hết. Hỗ trợ phục hồi và đẩy mạnh du lịch chính là góp phần thiết thực thực hiện các mục tiêu phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội trong giai đoạn hiện nay và sắp tới.
Tiếp thu các ý kiến làm cơ sở đề xuất chính sách phục hồi ngành du lịch
Phát biểu tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ VHTTDL Đoàn Văn Việt cảm ơn sự tham gia tích cực và chia sẻ quý báu của các Đại sứ quán, các Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài, các địa phương, hiệp hội, doanh nghiệp du lịch và các hãng hàng không tại Phiên thảo luận.
Bộ VHTTDL sẽ tổng hợp, tiếp thu tất cả các ý kiến chỉ đạo và góp ý, làm cơ sở đề xuất chính sách phục hồi ngành du lịch cũng như thực hiện thành công chủ trương mở cửa lại hoạt động du lịch trong điều kiện bình thường mới, đảm bảo thích ứng linh hoạt, an toàn, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh COVID-19.
Theo Thứ trưởng, mở cửa du lịch quốc tế là một xu hướng tất yếu hiện nay của thế giới. Chia sẻ của các Đại sứ Việt Nam tại nước ngoài trong phiên thảo luận đã cho thấy mức độ sẵn sàng của một số điểm đến trong và ngoài khu vực, những điểm đến có chính sách mở cửa thông thoáng và thủ tục đơn giản sẽ được nhiều du khách hoan nghênh hơn.
Thứ trưởng cho biết, trong thời gian tới, Bộ sẽ tập trung một số nhiệm vụ trọng tâm như: Tăng cường liên kết, hợp tác liên ngành và với các địa phương; Hỗ trợ doanh nghiệp du lịch; Đẩy mạnh hoạt động truyền thông và xúc tiến, quảng bá du lịch; Phục hồi và phát triển nguồn nhân lực du lịch; Phát triển và nâng cao chất lượng sản phẩm, nâng cấp cơ sở hạ tầng, cơ sở vật chất du lịch; Đẩy mạnh chuyển đổi số và ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động du lịch.
Các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài cần tích cực đấu nối, xúc tiến mở lại các hoạt động du lịch
Sau khi nghe các ý kiến tại Hội nghị, phát biểu chỉ đạo, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh, thông điệp lớn nhất của Hội nghị là Việt Nam chính thức mở lại giao lưu, giao thương quốc tế từ ngày 15/3 như trước khi có dịch COVID-19, nhưng kèm theo đó là một số giải pháp quản lý kiểm soát rủi ro, có biện pháp tối thiểu để giữ an toàn cho tất cả mọi người, không phân biệt người Việt Nam và người nước ngoài trong chống dịch.
Nói về thời điểm mở lại hoàn toàn các hoạt động du lịch, Phó Thủ tướng cho biết, Việt Nam cũng như các nước khác, mở cửa du lịch không có nghĩa là khách đến ngay mà đây là một quá trình phục hồi tính bằng nhiều tháng.
Cũng theo Phó Thủ tướng, sau khi dịch bệnh được khống chế, Chính phủ đã có Nghị quyết 128/NQ-CP về thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh, không vượt ngưỡng đáp ứng của hệ thống y tế, giảm thiểu số ca nhập viện, số tử vong. Đây là cơ sở để Việt Nam thực hiện chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.
Về một số nội dung được các doanh nghiệp du lịch, hàng không, cơ quan đại diện nước ngoài nêu lên tại Hội nghị, Phó Thủ tướng khẳng định, chính sách cấp thị thực nhập cảnh cho khách nước ngoài được áp dụng như khi chưa có dịch. Việc kiểm soát y tế đối với du khách nhập cảnh không có sự phân biệt với người Việt Nam. Thời gian tới, các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài cần tích cực đấu nối, xúc tiến mở lại các hoạt động du lịch như trước khi có dịch.
Chia sẻ với những khó khăn chưa từng có của các doanh nghiệp du lịch, nhất là những hộ dân tham gia làm du lịch trong 2 năm dịch bệnh vừa qua, Phó Thủ tướng mong muốn, cơ quan quản lý nhà nước, doanh nghiệp du lịch, nhất là những doanh nghiệp lớn, cùng với người dân cùng nhau khơi lại tinh thần sáng tạo để làm tốt hơn nữa các khâu xúc tiến, quảng bá sản phẩm, tạo môi trường du lịch./.