(Tổ Quốc) - Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh, lãnh đạo tỉnh Khánh Hòa, các sở ngành, người dân cần có nhận thức rất sâu sắc, thậm chí là sự thôi thúc để có tầm nhìn dài hạn, dành sự quan tâm, chỉ đạo, dành nguồn lực tương xứng đối với lĩnh vực văn hóa, xã hội.
Ngày 14/9, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam và đoàn công tác làm việc với lãnh đạo tỉnh Khánh Hòa về kết quả đạt được và những khó khăn, vướng mắc cần tháo gỡ trong lĩnh vực văn hóa, xã hội thời gian qua.
Phát triển văn hóa, xã hội là lĩnh vực rất khó khăn
Tại cuộc làm việc, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đánh giá cao nỗ lực, cách làm mạnh dạn, sáng tạo, hiệu quả của Đảng bộ, chính quyền, nhân dân Khánh Hòa trong phòng, chống dịch COVID-19, triển khai tiêm vaccine phòng COVID-19. Từ đó, Khánh Hòa đã góp phần cùng cả nước chuyển sang trạng thái "Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19" theo Nghị quyết 128/NQ-CP ngày 11/10/2021 của Chính phủ.
Về định hướng phát triển văn hóa, xã hội tại địa phương, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng "đây là lĩnh vực rất khó khăn, trong ngắn hạn không làm ra tiền mà chỉ tiêu tiền nên dường như bị lép vế, không được đặt ngang với kinh tế".
Theo Phó Thủ tướng, không như làm một cây cầu, một đoạn đường cao tốc hay xây một tòa cao ốc, sau một số năm là thấy ngay thành quả, còn văn hóa, xã hội có những việc dù rất nhỏ nhưng cũng phải nhiều năm, nhiều chục năm mới có kết quả.
Ngược lại có những vấn đề về kinh tế, kỹ thuật, một quyết định sai thì thấy ngay hậu quả và trách nhiệm tập thể hay cá nhân lãnh đạo, nhưng nhiều vấn đề về văn hóa, xã hội thì dù không chú ý, chưa làm tròn trách nhiệm thì cũng phải nhiều năm sau mới bộc lộ ra và để khắc phục được cũng mất rất nhiều thời gian.
Trong lĩnh vực văn hóa, xã hội, giáo dục, dường như ai cũng cảm thấy mình biết nên nhiều khi ý kiến của các chuyên gia, của những người hoạt động thực tiễn có kinh nghiệm lại không được tôn trọng, trọng dụng, dần dần bị mai một và dẫn đến bị hụt hẫng lực lượng.
Sự không chú ý đúng mực về văn hóa còn thể hiện ở lượng thời gian mà lãnh đạo dành cho công tác này, ở nguồn lực phân bổ cho văn hóa, phân công cán bộ làm văn hóa.
Vì vậy, lãnh đạo tỉnh Khánh Hòa, các sở ngành, người dân cần có nhận thức rất sâu sắc, thậm chí là sự thôi thúc để có tầm nhìn dài hạn, dành sự quan tâm, chỉ đạo, dành nguồn lực tương xứng đối với lĩnh vực văn hóa, xã hội.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cũng dành thời gian làm rõ, gợi mở thêm một số vấn đề cụ thể tại cuộc họp như việc tinh giản biên chế giáo viên, phát triển hệ thống y tế cơ sở, phát triển du lịch, khoa học...
Phát triển du lịch cộng đồng góp phần giảm nghèo bền vững
Trao đổi về một số vấn đề cụ thể, Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Y tế khẩn trương ban hành các gói dịch vụ cho y tế cơ sở (dự phòng, điều trị các bệnh ở cấp cơ sở, kiểm tra sức khỏe định kỳ). Đây là nhiệm vụ rất quan trọng.
"Sở Y tế phải tham mưu để mọi người dân đều được kiểm tra sức khỏe định kỳ, phát hiện sàng lọc sớm ngay từ lúc chưa ốm, chưa phát bệnh, từ đó sẽ giúp giảm gánh nặng chi phí điều trị", Phó Thủ tướng lưu ý thêm.
Về du lịch, Phó Thủ tướng mong muốn Khánh Hòa đẩy mạnh hỗ trợ phát triển du lịch cộng đồng ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số, góp phần phát triển văn hóa, xã hội, giảm nghèo bền vững; nghiên cứu các mô hình làm các lễ hội đường phố, tổ chức các sự kiện văn hóa, nghệ thuật liên tục để thu hút, hấp dẫn du khách trong nước, quốc tế, từ đó, trở thành trung tâm du lịch có thương hiệu riêng.
Về giáo dục, Phó Thủ tướng yêu cầu Sở GD&ĐT Khánh Hòa đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin để nắm sát mọi nguồn lực từ trường, lớp, giáo viên đến cơ sở vật chất (bàn ghế, đồ dùng học tập, sách giáo khoa).... Tương tự, các sở, ngành khác cũng phải giúp lãnh đạo tỉnh nắm được nguồn lực của từng ngành, lĩnh vực trên địa bàn.
Phó Thủ tướng cũng "đặt hàng" Khánh Hòa huy động nguồn lực xã hội để thúc đẩy các hoạt động nghiên cứu hải dương; thành lập một số trung tâm công nghệ cao về công nghệ thông tin, khoa học sức khỏe.
Tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, xây dựng Khánh Hòa thành nơi đáng sống
Trước đó, báo cáo tại buổi làm việc, UBND tỉnh Khánh Hòa cho biết đến nay địa phương cơ bản khống chế được tình hình dịch bệnh, hỗ trợ tích cực cho các hoạt động thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19, sớm phục hồi phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh.
Theo Giám đốc Sở Y tế Khánh Hòa Bùi Xuân Minh, tại Khánh Hòa, tỉ lệ trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi tiêm vaccine phòng COVID-19 mũi 1 đạt 92,36%, mũi 2 đạt 45,49%; trẻ từ 12 đến dưới 18 tuổi tiêm đủ 2 mũi vaccine, trong đó mũi 1 đạt 105,44%, mũi 2 đạt 101,67%; mũi 3 đã đạt 49,3% tại thời điểm tiêm so với số trẻ được thống kê trên địa bàn; tỉ lệ người lớn thuộc đối tượng tiêm mũi 4 đạt 84,19%.
Việc cung ứng thuốc đã cơ bản đáp ứng đủ cho nhu cầu điều trị tại các cơ sở y tế. Tuy nhiên hiện nay tình hình sốt xuất huyết đang tăng cao, nhu cầu về dung dịch cao phân tử tăng, các đơn vị đang chủ động điều chuyển thuốc với nhau và đề nghị công ty nhanh chóng cung ứng thuốc.
Liên quan đến lĩnh vực văn hóa, Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao Khánh Hòa Nguyễn Văn Thiện cho biết tỉnh đang gặp khó khăn, vướng mắc trong thực hiện các dự án tu bổ di tích bằng nguồn vốn ngân sách tỉnh và nguồn vốn vận động xã hội hóa do chưa có sự thống nhất về thẩm quyền thẩm định hồ sơ báo cáo kinh tế kỹ thuật tu bổ di tích; chưa có hướng dẫn về quy trình thủ tục triển khai các bước đối với nguồn vận động xã hội hóa.
Về lĩnh vực giáo dục, Giám đốc Sở GD&ĐT Khánh Hòa Võ Hoàn Hải cho biết một số trường học trên địa bàn chưa được trang bị đầy đủ thiết bị giáo dục tối thiểu theo quy định của Bộ GD&ĐT, nhất là đối với các lớp thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018. Việc tổ chức dạy môn học tích hợp (môn Khoa học tự nhiên, môn Lịch sử và Địa lí ở cấp THCS) theo Chương trình giáo dục phổ thông mới gặp khó khăn trong việc sắp xếp giáo viên dạy (một môn học phải bố trí nhiều giáo viên đơn môn dạy).
Sở GD&ĐT Khánh Hòa kiến nghị thực hiện chủ trương tinh giảm biên chế trong ngành giáo dục cần bảo đảm nguyên tắc "Ở đâu có học sinh, ở đó phải có giáo viên".
Tại cuộc họp, lãnh đạo các bộ, ngành đánh giá cao những kết quả đã đạt được trong lĩnh vực khoa giáo, văn xã thời gian qua, trong bối cảnh chịu ảnh hưởng nặng nề của dịch bệnh COVID-19.
Đồng tình với quan điểm, định hướng của lãnh đạo tỉnh Khánh Hòa trong phát triển khoa giáo, văn xã, lãnh đạo các bộ, ngành cho biết sẽ phối hợp chặt chẽ với Khánh Hòa để tháo gỡ những kiến nghị, khó khăn, vướng mắc cụ thể, hướng tới xây dựng Khánh Hòa thành nơi đáng sống như tinh thần Nghị quyết số 09/NQ-TW của Bộ Chính trị về xây dựng, phát triển tỉnh Khánh Hòa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.