(Tổ Quốc) - Phát biểu tại phiên thảo luận về tình hình kinh tế - xã hội chiều 13/6 của Quốc hội, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã khẳng định như vậy.
Hôm nay là ngày thứ 58 Việt Nam không có ca nhiễm COVID-19 trong cộng đồng. Cả nước ghi nhận 330 ca nhiễm, chỉ còn 10 người đang điều trị, không có ca tử vong.
Cũng trong khoảng thời gian 58 ngày này, số ca nhiễm COVID-19 trên thế giới tăng từ khoảng 2 triệu người lên 7,7 triệu người, số ca tử vong từ 135.000 lên 428.000.
“Cuộc sống, sinh hoạt bình thường của người Việt Nam hiện nay là mơ ước của nhiều nước trên thế giới” – Phó Thủ tướng nói.
Để đạt được thành công này, theo Phó Thủ tướng đó là nhờ sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị. Chúng ta có đội ngũ thầy thuốc, lực lượng quân đội nhân dân, công an nhân dân và nhiều lực lượng chức năng khác, nhưng đặc biệt là nhân dân Việt Nam rất tuyệt vời!
Với tất cả sự khiêm tốn của người Việt Nam, ngay khi có những thông tin đầu tiên về dịch bệnh, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo ngành y tế, từ tháng 12/2019 tham vấn với các tổ chức quốc tế, lên kế hoạch để chống dịch rất căn cơ, bài bản theo đúng nguyên lý đã được đúc kết kinh nghiệm từ các đợt chống dịch trước đây.
Việt Nam là nước đưa ra các giải pháp sớm hơn một bước và cao hơn một bước so với khuyến nghị của các tổ chức quốc tế. Ví dụ khi Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đưa ra mức độ căn bệnh này lây nhiễm hạn chế, chúng ta đã nâng lên mức lây nhiễm.
Việt Nam cũng là quốc gia đầu tiên trên thế giới áp dụng khai báo y tế bắt buộc với tất cả người nhập cảnh từ vùng dịch. Các tổ chức, bạn bè quốc tế sau này đã đánh giá những biện pháp của Việt Nam rất đúng, rất sớm, rất kiên quyết và hiệu quả kinh tế cao nhất bởi tổng chi phí cho chống dịch chúng ta đến ngày hôm nay là rất thấp so với nhiều nước trên thế giới.
Thay mặt Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch bệnh COVID-19, ngành y tế, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam gửi lời cảm ơn tới tất cả các tầng lớp nhân dân, các lực lượng tham gia phòng, chống dịch.
Đó là hàng ngàn thầy thuốc không quản ngày đêm, trong đó có những người thì lội rừng đi chống dịch, xa vợ mới cưới, xa con mới sinh hay những cặp vợ chồng cùng ở trong bệnh viện nhưng cả tháng không gặp mặt nhau.
Hàng ngàn những chiến sĩ đã nằm rừng, canh lối mòn dọc tuyến biên giới, nhường doanh trại cho người dân cách ly, từ những ngày Tết mưa dầm, gió rét đến những ngày hè nắng như đổ lửa.
Còn có biết bao cụ già, em nhỏ, người dân mang rau, mang gạo, lấy tiền tiết kiệm gửi vào quỹ chống dịch.
Hàng trăm, hàng nghìn doanh nghiệp, mặc dù vô cùng khó khăn nhưng cố gắng không sa thải, cố gắng trả lương cho người lao động dù không có doanh thu hoặc doanh thu giảm rất nhiều. Và rất nhiều doanh nghiệp đóng góp vật tư, thiết bị, kinh phí cho hoạt động phòng, chống dịch.
Hàng nghìn nhà báo không quản khó khăn, nguy hiểm, vào tận những ổ dịch, nơi đang điều trị cho bệnh nhân COVID-19, để phản ánh đầy đủ tình hình dịch bệnh, góp phần quan trọng để toàn dân đồng lòng, cùng toàn Đảng, toàn quân chống dịch.
Những lời động viên, sự ủng hộ của các tầng lớp nhân dân là động lực để các lực lượng phòng, chống dịch thêm quyết tâm giữ vững thành quả đã đạt được.
Phó Thủ tướng khẳng định: Qua thời gian như vừa rồi càng thấy nhân dân Việt Nam thật tuyệt vời! Mỗi khi đất nước đứng trước những thử thách lớn, thì lòng yêu nước, tinh thần tự hào dân tộc, cùng với những giá trị tốt đẹp nhất của mấy nghìn năm văn hiến, lại được bừng lên và giúp chúng ta chiến thắng được rất nhiều các cuộc chiến trước đây và bây giờ là cuộc chiến chống “giặc COVID”.
Theo Phó Thủ tướng: Tinh thần ấy cần tiếp tục được khơi dậy, được nhân lên để chúng ta tranh thủ cơ hội đã kiểm soát tốt dịch bệnh trước nhiều nước trên thế giới, tranh thủ thời cơ để cải thiện vị thế đất nước trên trường quốc tế ở tất cả các lĩnh vực.
Nói về tình hình dịch thời gian sắp tới, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho biết nguy cơ vẫn còn rất lớn. Việt Nam như “một cánh đồng trũng” nước ở ngoài sông cao hơn rất nhiều và vẫn tiếp tục mưa. Chúng ta buộc phải giữ thật chặt nhưng không thể đóng cửa cực đoan mà phải thực hiện mục tiêu kép nhưng phải đảm bảo an toàn.
Phó Thủ tướng nêu hai điểm cần tiếp tục thúc đẩy, phát huy, sau thời gian phòng, chống dịch vừa qua.
Đồng thời hết sức chú ý đến những đối tượng yếu thế, có nhiều chính sách để lo cho người dân bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh.../.