(Tổ Quốc) - Sáng nay (22/12), Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã tổ chức Hội nghị Tổng kết công tác VHTTDL năm 2022, phương hướng, nhiệm vụ trọng tâm năm 2023. Hội nghị được tổ chức theo hình thức trực tiếp và trực tuyến đến 65 điểm cầu khắp cả nước.
Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam dự và chỉ đạo Hội nghị. Cùng dự có các Ủy viên BCH Trung ương Đảng: Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Lê Minh Hoan, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa Giáo dục của Quốc hội Nguyễn Đắc Vinh.
Dự Hội nghị còn có: Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Trọng Thừa, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Thanh Tịnh, Thiếu tướng Phạm Trường Sơn - Phó Tổng Tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Nguyễn Sỹ Hiệp, Phó Chủ tịch Liên đoàn Lao động Việt Nam Trần Thanh Hải, Bí thư Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh Nguyễn Tường Lâm.
Lãnh đạo Bộ VHTTDL dự Hội nghị có Ủy viên BCH Trung ương Đảng - Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng; các Thứ trưởng: Tạ Quang Đông, Trịnh Thị Thủy, Hoàng Đạo Cương, Đoàn Văn Việt.
Phát biểu khai mạc Hội nghị, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng nhấn mạnh: "Hôm nay, ngành VHTTDL tổ chức Hội nghị tổng kết công tác năm 2022. Hội nghị đặc biệt phấn khởi được chào đón Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam cùng nhiều đồng chí Bộ trưởng, những người luôn đồng hành với Bộ trong thực hiện nhiệm vụ Chấn hưng phát triển văn hóa Việt Nam theo Kết luận của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc năm 2021".
Bộ trưởng chân thành cảm ơn sự quan tâm tham dự của hơn 50 lãnh đạo các tỉnh, thành phố, minh chứng cho sự lan tỏa của sức mạnh mềm văn hóa, cho thấy sự phát triển văn hóa là phát triển có tính chất bền vững nên ngày càng nhận được nhiều sự quan tâm hơn của các Bộ ngành, địa phương.
Cũng theo Bộ trưởng, Hội nghị tổng kết ngành VHTTDL diễn ra trong thời khắc hết sức ý nghĩa khi toàn Đảng, toàn quân và toàn dân đang long trọng tổ chức kỷ niệm 78 năm Ngày thành lập Quân đội Nhân dân Việt Nam. Từ diễn đàn Hội nghị này, Bộ trưởng thay mặt toàn ngành VHTTDL gửi lời chúc mừng tốt đẹp nhất đến Quân đội nhân dân Việt Nam, quân đội anh hùng của dân tộc anh hùng. Hy vọng, sự phối hợp giữa ngành VHTTDL và Bộ Quốc phòng tiếp tục đi vào chiều sâu trong thời gian tới.
Bộ trưởng chia sẻ, do tài liệu Hội nghị đã được cập nhật gửi đến các đại biểu bằng mã QR nên để tiết kiệm thời gian, Ban tổ chức Hội nghị sẽ lồng ghép ý kiến của các đại biểu vào phần tiếp thu, tổng hợp để dành thời lượng lắng nghe chia sẻ của các Bộ ngành, địa phương.
"Chúng ta đã có cách nhìn thực tiễn từ việc thực hiện nhiệm vụ của ngành ở các địa phương, đơn vị, qua xem phóng sự tổng hợp lại kết quả của ngành trong một năm, chúng ta có thể khẳng định rằng năm 2022 Ngành VHTTDL đã để lại nhiều dấu ấn, kết quả tích cực. Chưa bao giờ, ngành Văn hóa được BCH Trung ương Đảng đánh giá một cách sâu sắc, cả về kết quả và các tồn tại, vướng mắc như thời điểm này" - Bộ trưởng khẳng định, đồng thời mong muốn các địa phương, đơn vị thảo luận theo hướng thực chất hơn.
Bộ trưởng cho biết, sau khi Hội nghị buổi sáng kết thúc, ngay trong chiều nay, Lãnh đạo Bộ sẽ chủ trì cuộc họp với lãnh đạo các đơn vị để bàn sâu hơn những nhiệm vụ, giải pháp trong năm tiếp theo. Bên cạnh đó, Bộ cũng sẽ tiến hành ký kết trách nhiệm giữa thủ trưởng các đơn vị và Bộ trưởng nhằm đề cao trách nhiệm người đứng đầu trong công tác quản lý nhà nước. Việc này Bộ đã tiến hành trong 2 năm qua, đây là điểm nhấn nhằm tổ chức tốt hơn trách nhiệm nêu gương của lãnh đạo.
Báo cáo tại Hội nghị nêu rõ, năm 2022 là năm có ý nghĩa quan trọng, tạo nền tảng thực hiện các mục tiêu phát triển văn hóa, thể thao và du lịch theo Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021 - 2025 với những thuận lợi và thách thức đan xen. Nhìn chung, công tác văn hóa, thể thao và du lịch có xu hướng phục hồi tích cực sau 2 năm chịu tác động nặng nề của đại dịch Covid-19.
Tuy nhiên, năm 2022 cũng chứng kiến nhiều yếu tố rủi ro, bất định ngày càng gia tăng, những vấn đề mới phát sinh chưa có tiền lệ, khó khăn hơn so với dự báo (xung đột Nga - Ucraina, lạm phát tăng mạnh ở nhiều quốc gia, việc điều chỉnh chính sách của các nước lớn, thị trường khách du lịch quốc tế bị thu hẹp, thiếu hụt cục bộ nguồn nhân lực lao động trong lĩnh vực du lịch, các hoạt động giao lưu, hợp tác phát triển văn hóa còn hạn chế…) đã ảnh hưởng tới công tác triển khai nhiệm vụ của Ngành.
Bám sát chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc năm 2021, chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ngành VHTTDL đã triển khai hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp theo chủ đề công tác năm 2022: "Xây dựng môi trường văn hóa cơ sở và công tác tổ chức cán bộ".
Trong năm 2022, Bộ đã tham mưu Chính phủ trình Quốc hội khóa XV thông qua Luật Điện ảnh (sửa đổi) tại Kỳ họp thứ Ba; thông qua Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi) tại Kỳ họp thứ Tư; phối hợp trình dự án Luật Sở hữu trí tuệ (sửa đổi) phần quyền tác giả, quyền liên quan và dự án Luật Thi đua, Khen thưởng (sửa đổi); trình Chính phủ ban hành 03 Nghị định, Bộ trưởng ban hành theo thẩm quyền 11 Thông tư.
Công tác xây dựng môi trường văn hóa cơ sở được chú trọng, các sự kiện văn hóa, thể thao, nghệ thuật được tổ chức đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hóa của nhân dân.
SEA Games 31 được tổ chức thành công trên nhiều phương diện, qua đó nâng cao hình ảnh, vị thế của Việt Nam trong khu vực và quốc tế. Đại hội Thể thao toàn quốc lần thứ IX tại Quảng Ninh để lại nhiều dấu ấn về công tác tổ chức, chuyên môn.
Du lịch chính thức mở cửa lại hoàn toàn từ ngày 15/3/2022 và phục hồi nhanh tại các địa bàn trọng điểm, khách quốc tế đến Việt Nam trong năm 2022 ước đạt 3,5 triệu lượt khách, khách nội địa ước đạt 101 triệu lượt (vượt xa chỉ tiêu phục vụ 60 triệu lượt đặt ra từ đầu năm).
Báo điện tử Tổ Quốc sẽ tiếp tục thông tin về Hội nghị./.