• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam làm việc với Hà Nội về triển khai 2 nhóm thủ tục hành chính liên thông và số hóa dữ liệu

Thời sự 22/11/2022 15:51

(Tổ Quốc) - Sáng 22/11, Đoàn công tác của Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam làm việc với UBND TP Hà Nội về việc triển khai thí điểm 2 nhóm thủ tục hành chính liên thông và số hóa dữ liệu đất đai, nhà ở, thực hiện an sinh xã hội tại TP Hà Nội.

Cuộc làm việc được kết nối trực tuyến đến 30 điểm cầu tại trụ sở UBND 30 quận, huyện, thị xã của TP. Hà Nội.

Tại buổi làm việc, Phó Thủ tướng nhấn mạnh tinh thần triển khai, cung cấp dịch vụ công trực tuyến không phân biệt ít người dùng hay nhiều người dùng mà để thấy rằng phải thay đổi cách làm việc, đặc biệt là phối hợp giữa các cơ quan.

"Chúng ta bắt tay làm những dịch vụ ít người để sau đó làm những dịch vụ lớn, phức tạp sẽ ít bị lỗi hơn", Phó Thủ tướng nói.

Hiện nay, hệ thống hành chính các cấp có khoảng trên 6.000 dịch vụ công, trong đó hơn 4.000 dịch vụ công trực tuyến. Đề án 06 đặt mục tiêu cung cấp 25 dịch vụ công trực tuyến thiết yếu, trong đó 4 dịch vụ liên bộ ngành gặp nhiều khó khăn, vướng mắc trong thực hiện do vừa khó kết nối, chia sẻ vừa thiếu dữ liệu.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam làm việc với Hà Nội về triển khai 2 nhóm thủ tục hành chính liên thông và số hóa dữ liệu - Ảnh 1.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam phát biểu tại buổi làm việc. - Ảnh: Đình Nam

Với việc thí điểm cung cấp 2 dịch vụ công liên thông "Đăng ký khai sinh – Đăng ký thường trú – Cấp thẻ BHYT cho trẻ em dưới 6 tuổi" và "Đăng ký khai tử - Xóa đăng ký thường trú – Trợ cấp mai táng phí" tại TP. Hà Nội, tỉnh Hà Nam, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng Đề án 06 bắt đầu bước vào giai đoạn thiết lập cơ sở dữ liệu dùng chung của cả bộ máy hành chính và các cơ quan, đoàn thể trong hệ thống chính trị nhằm khắc phục tình trạng cơ sở dữ liệu của các bộ, ngành, địa phương còn rời rạc, manh mún, chưa đầy đủ, nằm ở nhiều bộ phận khác nhau.

Theo Phó Thủ tướng, có 3 nhóm cơ sở dữ liệu quốc gia quan trọng nhất liên quan đến người dân; doanh nghiệp; tài nguyên, quan trọng nhất là đất đai, Đề án 06 bắt đầu từ con người, từ đó kết nối với 2 nhóm cơ sở dữ liệu còn lại.

Trong suốt cuộc đời của một người cần khoảng 200 trường dữ liệu để phục vụ cho công tác quản lý, vì vậy, các bộ, ngành cần thống nhất về danh mục các trường dữ liệu cần thiết cho công tác quản lý của ngành mình, lĩnh vực mình. Trên cơ sở đó, các địa phương lập tổ công tác đến tận xã, phường, nòng cốt là lực lượng công an, để thu thập dữ liệu theo hộ gia đình, gắn với cơ chế thiết lập, cập nhật, chỉnh sửa thông tin; thực hiện giao ban hàng ngày, hàng tuần.

"Các bộ, ngành phải cử người tham gia ngay từ đầu có ý kiến xử lý ngay những vấn đề phát sinh", Phó Thủ tướng chỉ đạo.

Trong thời gian tới, Phó Thủ tướng đề nghị TP. Hà Nội tập trung thu thập, rà soát, cập nhật 3 nhóm dữ liệu phục vụ cho các thủ tục hành chính liên quan rất nhiều đến người dân: Đất đai, xây dựng, nhà ở; lao động, thương binh, xã hội (đối tượng bảo trợ xã hội, người có công); y tế (tích hợp sổ sức khỏe điện tử vào ứng dụng định danh điện tử - VneID, quản lý các nhà thuốc trên địa bàn…).

Đến thời điểm hiện tại, TP. Hà Nội đã sẵn sàng các điều kiện liên quan đến việc tổ chức triển khai thí điểm 2 dịch vụ công liên thông "Đăng ký khai sinh – Đăng ký thường trú – Cấp thẻ BHYT cho trẻ em dưới 6 tuổi" và "Đăng ký khai tử - Xóa đăng ký thường trú – Trợ cấp mai táng phí" (về công tác chỉ đạo, cơ sở vật chất, trang thiết bị, nhân lực, đội ngũ tình nguyện viên hướng dẫn, công tác thông tin và truyền thông…).

Tại buổi tập huấn ngày 20/11 do Văn phòng Chính phủ, Bộ Công an tổ chức, các đơn vị của Thành phố đã tìm hiểu và thử nghiệm trực tiếp trên Hệ thống theo hướng dẫn (một số đơn vị đã thử thành công như Nam Từ Liêm, Hoàn Kiếm, Cầu Giấy, Đan Phượng, Thanh Trì, Hoài Đức...).

Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính thử nghiệm của Thành phố đã kết nối với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và thực hiện 3 thủ tục hành chính (khai sinh – khai tử - kết hôn); thực hiện các giải pháp kỹ thuật đồng bộ kết nối theo đúng kế hoạch.

Về nội dung triển khai thí điểm số hóa, đồng bộ, chia sẻ dữ liệu về đất đai, xây dựng, thuế, y tế, an sinh xã hội và dân cư trên địa bàn thành phố Hà Nội, các hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu trong các ngành, lĩnh vực: Giáo dục, giao thông - vận tải, xây dựng, tài nguyên môi trường, nông nghiệp, đầu tư, tài chính, thuế,... được triển khai theo hướng tập trung, phục vụ yêu cầu nghiệp vụ, chia sẻ, khai thác thông tin theo quy định.

Tuy nhiên, hiện nay, ngành y tế Hà Nội chưa triển khai phần mềm Quản lý Hồ sơ sức khoẻ, và phần mềm liên thông kết quả khám sức khỏe lái xe, giấy chứng sinh và chứng tử điện tử.

UBND Thành phố kiến nghị, đề xuất Bộ Y tế hỗ trợ triển khai phần mềm liên thông kết quả khám sức khỏe lái xe cho các cơ sở khám, chữa bệnh trên địa bàn TP. Hà Nội đáp ứng yêu cầu cung cấp dịch vụ công trực tuyến cấp độ 4 đối với thủ tục đổi giấp phép lái xe trên Cổng dịch vụ công Quốc gia; sớm có hướng dẫn, chỉ đạo các bệnh viện, cơ sở khám chữa bệnh số hoá, cung cấp dữ liệu về Giấy chứng sinh, Giấy chứng tử hoặc thực hiện "Chứng sinh điện tử", "Báo tử điện tử" kết nối với cơ sở dữ liệu hộ tịch hoặc kết nối dữ liệu với Cổng dịch vụ công Quốc gia/ Cổng dịch vụ công các địa phương để thực hiện thủ tục "Đăng ký khai sinh", "Đăng ký khai tử" được thuận tiện; xây dựng phần mềm liên thông dữ liệu chứng sinh, chứng tử thống nhất triển khai trên toàn quốc.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam làm việc với Hà Nội về triển khai 2 nhóm thủ tục hành chính liên thông và số hóa dữ liệu - Ảnh 2.

Quang cảnh buổi làm việc - Ảnh: Đình Nam

Trong lĩnh vực đất đai, Thành phố đang triển khai thu thập, bổ sung các trường dữ liệu về đất đai của 30 quận, huyện theo hướng dẫn của Bộ Tài nguyên và Môi trường. Dự kiến, sau khi hoàn thiện toàn bộ cơ sở dữ liệu đất đai và xây dựng tổng thể hệ thống hồ sơ địa chính, sẽ thực hiện ngay việc chia sẻ dữ liệu này.

Sở Xây dựng TP. Hà Nội bước đầu triển khai các hệ thống phần mềm và cơ sở dữ liệu chuyên ngành như: Quản lý số liệu về quỹ nhà phục vụ tái định cư, nhà ở xã hội trên địa bàn Thành phố; quản lý hệ thống cây xanh; quản lý nhà ở và công sở.

Trong lĩnh vực lao động, thương binh và xã hội, TP. Hà Nội đã hoàn thành công tác thu thập số căn cước công dân của đối tượng bảo trợ xã hội để cập nhật vào danh sách chuẩn hóa, nhằm đối chiếu thông tin, sẵn sàng kết nối, chia sẻ dữ liệu khi đảm bảo các yêu cầu.

Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP. Hà Nội Lê Hồng Sơn đề nghị ngay sau buổi làm việc, các bộ, ngành ban hành chính thức các tài liệu hướng dẫn nghiệp vụ, phục vụ công tác truyền thông cơ sở; thống nhất đầu mối triển khai chung để kịp thời trao đổi, tháo gỡ các vấn đề phát sinh trong quá trình tổ chức triển khai thực hiện; bố trí và phối hợp cùng UBND Thành phố tập huấn chuyên sâu (theo hướng cầm tay chỉ việc) và trực tiếp đối với cán bộ, công chức các đơn vị trực tiếp tham gia thực hiện nhiệm vụ.

Trung tướng Nguyễn Duy Ngọc, Thứ trưởng Bộ Công an đề nghị các bộ, ngành, địa phương thống nhất nhận thức "phục vụ nhân dân, phục vụ xã hội và không có tư tưởng xin-cho"

Là địa bàn đông dân, rộng, đối tượng cư trú đa dạng nên Thứ trưởng Bộ Công an nhấn mạnh TP. Hà Nội cần có bước đi thận trọng, lực lượng công an Thành phố được quán triệt đảm bảo "đúng-đủ-sạch-sống" với các dữ liệu để phục vụ tốt nhất các xác thực định danh đối với các dịch vụ công cũng như hỗ trợ người dân nắm được các thủ tục dịch vụ công, trên tinh thần "hỗ trợ tối đa để người dân quen dần môi trường điện tử, sử dụng ứng dụng định danh điện tử - VNeID".

Xuân Trường

NỔI BẬT TRANG CHỦ