• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam: "Ngành y tế có một núi việc, toàn những việc cấp bách"

Thời sự 21/08/2022 14:51

(Tổ Quốc) - Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam nhấn mạnh, ngành y tế đang có "một núi việc" và đều là những việc cấp bách, phải giải quyết ngay.

Sáng 21/8, tại Hà Nội, Bộ Y tế tổ chức tổ chức Hội nghị Nâng cao công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân; chủ động thích ứng linh hoạt, góp phần phục hồi nhanh, phát triển bền vững. Hội nghị được kết nối trực tuyến tới các tỉnh, thành phố trên cả nước. Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính dự và phát biểu chỉ đạo Hội nghị.

Tham dự Hội nghị tại điểm cầu Hà Nội có Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan, các lãnh đạo Bộ Y tế, các Bộ: Tài chính, Quốc phòng, Tư pháp, KH&ĐT, LĐTB&XH, Văn phòng Chính phủ..., Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội, và các đơn vị thuộc Bộ Y tế.

Giải quyết những tồn tại trước mắt của ngành y tế

Báo cáo về việc thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước trong lĩnh vực y tế, Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan cho biết: Thời gian tới, ngành y tế tập trung giải quyết những tồn tại trước mắt như đẩy mạnh tiến độ tiêm chủng, tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trong mua sắm, đấu thầu; đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công; đẩy mạnh cấp phép thuốc, trang thiết bị y tế…; song song với đó là giải quyết các vấn đề mang tính lâu dài như hoàn thiện thể chế, chính sách; đổi mới tài chính y tế; đầu tư phát triển y tế dự phòng, y tế cơ sở.

Trong đó, ngành y tế bảo đảm an ninh y tế, tăng cường và nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống dịch bệnh, đặc biệt là phòng, chống dịch bệnh truyền nhiễm mới xuất hiện; ứng phó kịp thời các tình huống khẩn cấp về y tế. Tiếp tục tập trung kiểm soát dịch COVID-19 và các bệnh truyền nhiễm lưu hành có hiệu quả để góp phần thúc đẩy phục hồi nhanh và phát triển bền vững kinh tế - xã hội. 

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam: "Ngành y tế có một núi việc, toàn những việc cấp bách" - Ảnh 1.

Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế nói về những bất cập trong ngành y tế. (Ảnh: Nhật Bắc)

Quyền Bộ trưởng Y tế cho biết, ngành y tế khẩn trương triển khai các giải pháp nâng cao chế độ chính sách đãi ngộ, cải thiện môi trường làm việc, biểu dương khen thưởng để động viên tinh thần lực lượng ngành Y tế yên tâm công tác. Tập trung công tác xây dựng, hoàn thiện hành lang pháp lý, kịp thời tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc về mua sắm, đấu thầu, bảo đảm thuốc, vật tư, trang thiết bị y tế đáp ứng yêu cầu; xã hội hóa, quản trị đơn vị sự nghiệp công.

Bên cạnh đó, đổi mới mạnh mẽ tài chính y tế và bảo hiểm y tế. Nâng cao năng lực quản trị hệ thống y tế, nâng cao kỷ luật, kỷ cương hành chính trong thực thi công vụ, đẩy mạnh phân công, phân cấp, phân quyền theo quy định, cải cách thủ tục hành chính. 

Đồng thời siết chặt quản lý nhà nước về cấp phép, quản lý chất lượng, mua sắm đấu thầu thuốc và trang thiết bị y tế. Đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra, phòng chống tiêu cực, tham nhũng, lợi ích nhóm, xử lý nghiêm các vi phạm.

Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế cũng nêu 10 nội dung đề xuất, kiến nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ quan tâm xem xét, chỉ đạo. Trong đó, về phòng, chống dịch COVID-19, Bộ Y tế đề nghị Chính phủ, Thủ tướng chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương quán triệt, tổ chức thực hiện hiệu quả các mục tiêu, quan điểm, nhiệm vụ, giải pháp phòng, chống dịch COVID-19 của Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo Quốc gia tại các công điện và thông báo kết luận của Ban Chỉ đạo Quốc gia. 

Về nâng cao chế độ đãi ngộ, thu hút nguồn nhân lực y tế. Bộ Y tế đề nghị Chính phủ có chính sách quy định hỗ trợ tiền đóng học phí cho học viên, sinh viên các ngành thuộc lĩnh vực sức khỏe, đặc biệt các ngành, chuyên ngành khó tuyển, các ngành phục vụ cho hệ thống y tế dự phòng, y tế cơ sở (như sinh viên ngành Sư phạm). Đề nghị công nhận liệt sĩ đối với các cán bộ, nhân viên y tế hy sinh do mắc COVID-19 trong khi trực tiếp thực hiện nhiệm vụ phòng, chống dịch. 

Về hoàn thiện hệ thống thể chế, chính sách y tế. Bộ Y tế  đề nghị cho phép chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan liên quan thực hiện đánh giá, đề xuất Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ xem xét, báo cáo Quốc hội một số nội dung của luật đang bất cập, vấn đề nảy sinh trong thực tiễn chưa có cơ chế pháp lý để giải quyết, sớm khắc phục.

Về truyền thông và thi đua, khen thưởng, Bộ Y tế đề nghị Chính phủ, Thủ tướng chỉ đạo Bộ Thông tin và Truyền thông, Thông tấn xã Việt Nam, Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam phối hợp với Bộ Y tế tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền phù hợp, nhất là thông tin, phim, ảnh về những hy sinh, cống hiến của lực lượng y tế và các lực lượng tham gia phòng, chống dịch; không suy diễn gây ảnh hưởng đến tâm lý cán bộ, nhân viên y tế và thái độ, cách nhìn nhận của người dân đối với ngành Y tế. 

"Ngành y tế có một núi việc, toàn những việc cấp bách"

Phát biểu tại Hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam nhấn mạnh: Ngành y tế có "một núi việc", toàn những việc cấp bách, phải giải quyết ngay, trong đó, có rất nhiều vấn đề mà trong vòng một cuộc họp không thể giải quyết hết được.

Theo Phó Thủ tướng, nước ta là nước đang phát triển với thu nhập trung bình thấp, nhu cầu khám chữa bệnh cao. Mệnh giá bảo hiểm y tế của Việt Nam tính trung bình một người là 1 triệu VNĐ/người/năm, không bằng 1/10-1/30 của các nước phát triển. Muốn giải quyết vấn đề giữ biên chế cho ngành y nói chung, cần tăng thu nhập cho cán bộ, nhiên viên y tế thông qua việc tính đúng, tính đủ giá dịch vụ y tế. Nhưng muốn tính đúng, tính đủ thì chỉ có cách là người dân đóng góp, mua bảo hiểm y tế hoặc lấy ngân sách bù vào. Tuy nhiên, người dân thì nghèo, ngân sách thì khó.

"Về lâu dài, phải giải quyết được nút thắt trong việc tính đúng, tính đủ, có thể mức chưa được như các nước khác nhưng không thể như bây giờ. Chúng ta cũng phải tăng đầu tư ngân sách. Hiện nay, cứ 100 đồng tiền mua BHYT thì có 60 đồng của người dân và 40 đồng của NSNN, cần phải tăng mức này. Không thể nào đòi chữa bệnh như các nước tiên tiến nhất mà giá lại như nước nghèo nhất", Phó Thủ tướng nói.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam: "Ngành y tế có một núi việc, toàn những việc cấp bách" - Ảnh 2.

Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam phát biểu tại hội nghị. (Ảnh: Nhật Bắc)

Cũng theo Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, biên chế là câu chuyện dài. Chúng ta hiện nay có 8,8 bác sĩ/vạn dân, trong khi con số này ở Australia là 36, Pháp là 34, Trung Quốc là 22. 

Quan trọng hơn nữa là điều dưỡng viên. Nếu theo nguyên lý ngành y mong muốn hướng tới là chữa trị, chăm sóc, người bệnh, chứ không trị bệnh nhưng chúng tôi không có điều dưỡng viên. Trên thế giới, cứ 1 bác sĩ thì có 3-4 điều dưỡng viên, Nhật Bản thậm chí có đến 9-10 người, còn ở Việt Nam 1 bác sĩ chỉ có 1,5 điều dưỡng viên. Trong khi đó, yêu cầu về biên chế là giảm khoảng 10%. Như vậy, khoảng cách giữa yêu cầu đặt ra và điều kiện, mong muốn triển khai là quá xa. Cần phải giải quyết vấn đề trên yếu tố thực tế.

Ngay cả vấn đề tự chủ y tế cũng vậy, cần phải có cơ chế. Bộ Y tế phải khởi xướng, Bộ Tài chính đồng hành.

Vấn đề quan trọng là y tế cơ sở. Theo Nghị quyết Quốc hội, 30% chi cho dự phòng. Trung bình hiện nay chi chỉ có 17%. Muốn chi phải lên được danh mục dịch vụ y tế. Khái niệm y tế cơ sở trong Nghị quyết 20 cũng nói rất rõ, y tế cơ sở được hiểu là y tế huyện, y tế xã là cánh tay nối dài của y tế huyện. Không nên quá máy móc là xã nào cũng phải có bác sĩ, mà đặt vấn đề là chăm sóc sức khoẻ ban đầu cho mọi người dân trên khắp các địa bàn. Có nơi cần bác sĩ ở xã nhưng có nơi xã cách y tế huyện một khoảng cách không xa, thì có cần thiết hay không? Phải nhìn vào thực tế.

"Tôi tha thiết đề nghị các đồng chí Chủ tịch tỉnh chỉ đạo UBND huyện làm sao phải có chương trình chăm sóc sức khoẻ cho người dân trên mọi địa bàn. Từ đó, sẽ ra được các công việc, các mảng dịch vụ mà trạm y tế cơ sở buộc phải làm, nâng cao trình độ và tăng thu nhập. Khi có thu nhập tốt thì sẽ ngành y sẽ thu hút lao động nhiều hơn.

Đối với tháo gỡ tình trạng thiếu thuốc, vật tư y tế, Bộ Y tế hoàn thành dự thảo Nghị quyết về vấn đề này và trình Chính phủ. Khi Nghị quyết được ban hành, nếu vẫn không mua được trang thiết bị, vật tư y tế thì Bộ Y tế phải chịu trách nhiệm", Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nói.

Xuân Trường

NỔI BẬT TRANG CHỦ