• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam: “Phải tiếp tục phát huy truyền thống văn hóa tốt đẹp của con người Việt Nam như lúc khó khăn, dịch bệnh”

Thực hiện: Thế Công - Ảnh: Minh Khánh | 06/01/2022

(Tổ Quốc) - Sáng nay (6/1), tại Hà Nội, Bộ VHTTDL đã tổ chức Hội nghị Tổng kết công tác Văn hóa, Thể thao và Du lịch năm 2021, phương hướng, nhiệm vụ trọng tâm năm 2022. Hội nghị được tổ chức trực tuyến đến 63 điểm cầu của các tỉnh, TP trong cả nước.

Phó Thủ tướng: “Phải tiếp tục phát huy được truyền thống văn hóa tốt đẹp của con người Việt Nam như lúc khó khăn, dịch bệnh” - Ảnh 1.

Dự Hội nghị có các Ủy viên BCH Trung ương Đảng: Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam; Bí thư Đảng ủy Khối các cơ quan Trung ương Huỳnh Tấn Việt; Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng; Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Huỳnh Thành Đạt. Về phía Bộ VHTTDL có: Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng cùng các Thứ trưởng: Tạ Quang Đông, Trịnh Thị Thủy, Hoàng Đạo Cương, Đoàn Văn Việt.

Ngành VHTTDL nỗ lực vượt khó, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ

Báo cáo tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ VHTTDL Tạ Quang Đông cho biết, quán triệt phương châm hành động của Chính phủ "Đoàn kết, kỷ cương, đổi mới, sáng tạo, khát vọng phát triển", với tinh thần "Quyết liệt hành động - Khát vọng cống hiến", Ngành văn hóa, thể thao và du lịch đã nỗ lực cố gắng, hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ đề ra, góp phần cùng cả nước thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội theo Nghị quyết số 01/NQ-CP của Chính phủ.

Phó Thủ tướng: “Phải tiếp tục phát huy được truyền thống văn hóa tốt đẹp của con người Việt Nam như lúc khó khăn, dịch bệnh” - Ảnh 2.

Thứ trưởng Bộ VHTTDL Tạ Quang Đông báo cáo tại Hội nghị.

Trong năm qua, các mô hình hoạt động mới như nhà hát online, triển lãm online, tuyên truyền, cổ động qua hình thức online, số hóa tài liệu và phục vụ bạn đọc qua không gian mạng, phát hành phim qua nền tảng số... lần đầu tiên được các đơn vị, địa phương triển khai thực hiện, mang đến "Liều vắc xin tinh thần" phục vụ, cổ vũ nhân dân cùng nhau đoàn kết, vượt qua đại dịch.

Thể thao Việt Nam tiếp tục giành được những thành tích ấn tượng, có ý nghĩa lịch sử tại các Đại hội và các giải thể thao cấp khu vực, châu lục và thế giới như: Lần đầu tiên trong lịch sử Đội tuyển Bóng đá nam Việt Nam lọt vào vòng loại thứ ba FIFA World Cup 2022; VĐV cử tạ khuyết tật Lê Văn Công giành Huy chương Bạc tại Paralympic 2020 Nhật Bản…

Về Du lịch, Bộ cũng đã tham mưu, trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chủ trương, lộ trình đón khách du lịch quốc tế. Chỉ trong hơn 1 tháng thí điểm mở cửa đón khách quốc tế có hộ chiếu vắc xin, Việt Nam đã đón 3.500 khách du lịch từ các nước đến Phú Quốc (Kiên Giang).

Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ đồng hành trong cuộc cách mạng chuyển đổi số ngành VHTTDL

Lần đầu tiên tham dự và phát biểu tại Hội nghị tổng kết của ngành VHTTDL, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng cho rằng, năm 2022 và những năm tiếp theo chính là cơ hội để Việt Nam bứt phá bằng chuyển đổi số. Chuyển đổi số chính là cuộc cách mạng đối với ngành VHTTDL. Để làm được điều đó, người đứng đầu của ngành VHTTDL đã cam kết và quyết liệt thực hiện.

Phó Thủ tướng: “Phải tiếp tục phát huy được truyền thống văn hóa tốt đẹp của con người Việt Nam như lúc khó khăn, dịch bệnh” - Ảnh 3.

Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng: "Chuyển đổi số chính là cuộc cách mạng đối với ngành VHTTDL".

Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, Thủ tướng đã công bố 35 nền tảng số, trong đó có 2 nền tảng số thuộc lĩnh vực ngành VHTTDL. Ông cho rằng, thời gian tới, Bộ VHTTDL nên đề xuất công bố thêm nền tảng số. "Bộ TTTT sẽ đồng hành với Bộ VHTTDL trong cuộc cách mạng chuyển đổi số" - Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng khẳng định.

Phát biểu với chủ đề Văn hóa đối ngoại, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Tô Anh Dũng khẳng định, kết quả hợp tác giữa Bộ VHTTDl và Bộ Ngoại giao thời gian qua được Đảng, Nhà nước và nhân dân ghi nhận. Chính phủ đã ban hành Chiến lược phát triển Văn hóa đến năm 2030 và Chiến lược Ngoại giao văn hóa đến năm 2030. Hai chiến lược này có ý nghĩa rất quan trọng, tuy hai nhưng là một.

Phó Thủ tướng: “Phải tiếp tục phát huy được truyền thống văn hóa tốt đẹp của con người Việt Nam như lúc khó khăn, dịch bệnh” - Ảnh 4.

Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Tô Anh Dũng: "Văn hóa chính là công cụ quan trọng để ngoại giao giữa các quốc gia. Ở chiều ngược lại, ngoại giao cũng chính là công cụ để nâng tầm văn hóa Việt Nam"

Thứ trưởng Tô Anh Dũng cho rằng, văn hóa chính là công cụ quan trọng trong ngoại giao giữa các quốc gia. Ở chiều ngược lại, ngoại giao cũng chính là công cụ để nâng tầm văn hóa Việt Nam. Ông bày tỏ mong muốn thời gian tới công tác phối hợp giữa hai Bộ sẽ ngày càng được thắt chặt và hiệu quả hơn nữa.

Rà soát, chuẩn bị tốt nhất cho việc tổ chức sự kiện SEA Games 31

Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam cho rằng, Hội nghị tổng kết năm nay của Ngành VHTTDL có nhiều điểm mới. Thứ nhất là lần đầu tiên được trực tuyến đến tất cả các địa phương. Đây cũng là lần đầu tiên có nhiều Bộ trưởng của ngành khác đến dự Hội nghị tổng kết Bộ VHTTDL.

Phó Thủ tướng cho biết, năm 2021, Chính phủ ban hành nhiều Chiến lược mang tính dài hơi trong đó có Văn hóa. Đây cũng là năm mà Bộ VHTTDL đã làm tốt vai trò tham mưu để tổ chức thành công Hội nghị Văn hóa toàn quốc năm 2021. Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đánh giá đây là sự kiện đặc biệt quan trọng.

Đặc biệt, trong đại dịch vừa qua chúng ta đã khơi dậy được truyền thống văn hóa, con người Việt Nam bằng việc truyền cảm hứng cho Nhân dân thông qua các hoạt động sáng tác, biểu diễn. "Tôi rất cảm động với hình ảnh nghệ sĩ đến tận nơi điều trị F0 để biểu diễn, đó như một liều vắc xin tinh thần giúp người dân vượt qua dịch bệnh". Lĩnh vực Du lịch cũng đang có dấu hiệu phục hồi sau những tổn thất lớn trong 2 năm diễn ra dịch bệnh.

Phó Thủ tướng: “Phải tiếp tục phát huy được truyền thống văn hóa tốt đẹp của con người Việt Nam như lúc khó khăn, dịch bệnh” - Ảnh 5.

Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam: "Hội nghị tổng kết năm nay của Ngành VHTTDL có nhiều điểm mới"

Về nhiệm vụ thời gian tới, Phó Thủ tướng đề nghị Bộ VHTTDL cần đẩy mạnh số hóa trong lĩnh vực của ngành. "Ví dụ như số hóa một bảo tàng với toàn bộ hiện vật, bảo vật. Hay như Du lịch gắn với số hóa từng sản phẩm du lịch, ứng dụng tất cả dữ liệu hiện đại, phiên dịch ra nhiều ngôn ngữ. Số hóa trong những lĩnh vực này có số lượng lớn nhưng vẫn phải nỗ lực để làm. Bộ VHTTDL và Bộ Thông tin và Truyền thông cần phải phối hợp để làm tốt việc này" - Ông yêu cầu.

Về lĩnh vực Du lịch, Phó Thủ tướng cho rằng, trong những năm tới phải rất cảnh giác và tính đến trường hợp xấu nhất khi xuất hiện biến chủng Omicron. Cần áp dụng công nghệ để khi dịch bệnh được kiểm soát, chúng ta có thể quản lý khách du lịch bằng công nghệ khi mở cửa.

Đối với Thể thao, Phó Thủ tướng nhấn mạnh về sự kiện SEA Games 31. Ông yêu cầu ngành cần tiếp tục chuẩn bị tốt cho việc tổ chức sự kiện lớn này. "SEA Games lần này phải được tổ chức một cách gương mẫu, đàng hoàng. Không phải môn nào thế mạnh của mình thì mình mới đưa vào để giành huy chương" - Phó Thủ tướng yêu cầu.

Phó Thủ tướng cũng đề nghị, ngành Văn hóa có giải pháp để tiếp tục phát huy được truyền thống văn hóa, con người Việt Nam như lúc khó khăn, dịch bệnh. "Trong lúc dịch bệnh truyền thống văn hóa tốt đẹp của con người Việt Nam lại được phát huy, chúng ta thấy rất nhiều hành động đẹp. Phải làm sao giữ được điều đó chứ không phải đến lúc hết gian khó lại mất đi giá trị truyền thống. Việc này tuy khó nhưng chúng ta vẫn phải cố gắng để làm và phải làm từ tận cơ sở" - Phó Thủ tướng nói.

Năm điểm nhấn của ngành VHTTDL trong năm 2021

Phát biểu kết luận Hội nghị, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng nhấn mạnh về cách tiếp cận theo hướng "nhìn lại để thấy xa hơn", phải nhìn đúng và đánh giá khách quan. Theo đó, ông đã nhắc lại về 5 điểm nhấn của ngành trong năm 2021.

Phó Thủ tướng: “Phải tiếp tục phát huy được truyền thống văn hóa tốt đẹp của con người Việt Nam như lúc khó khăn, dịch bệnh” - Ảnh 6.

Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng phát biểu kết luận Hội nghị.

Trong năm qua, với phương châm "Quyết liệt hành động, khát vọng cống hiến", toàn ngành đã tập trung cụ thể hóa Nghị quyết Đại hội lần thứ 13 của Đảng về lĩnh vực VHTTDL. Với chủ đề của năm 2021 là "Năm Cơ chế chính sách", Bộ đã tập trung rà soát các văn bản quy phạm pháp luật, phát hiện những điểm nghẽn, đề xuất bổ sung những vấn đề mới, ban hành những văn bản thẩm quyền và đề xuất cấp thẩm quyền cao hơn ban hành các chủ trương, chính sách mới.

Cũng theo Bộ trưởng, tác động của dịch Covid-19 đã tạo nhiều khó khăn cho toàn ngành, có những vấn đề chưa có tiền lệ, nhưng từ định hướng của lãnh đạo Bộ, từ những Hội nghị mang tính chất "Diên Hồng" của ngành đã nghĩ ra phương án vừa thực hiện nhiệm vụ chính trị vừa tạo hiệu ứng vắc xin tinh thần để cùng nhân dân vượt qua dịch bệnh. Đó chính là những Nhà hát online, Nhà hát truyền hình, các chương trình livestream trực tiếp dưới sự dẫn dắt của các nghệ sĩ tên tuổi…

"Với Thể thao, các bài tập "Cả nhà tập ngay, đánh bay covid" được phổ cập trên mạng. Những căn hộ nhỏ bé trở thành sân tập. Đây là những biểu hiện vượt khó trong từng lĩnh vực, tạo những điểm sáng" - Bộ trưởng nhấn mạnh.

Đối với Du lịch, Bộ đã đồng hành với doanh nghiệp để kiến tạo chính sách, Qua đó có nhiều chính sách được Chính phủ, Quốc hội ban hành, gỡ khó cho doanh nghiệp. Bộ đã cố gắng tìm ra vùng xanh về du lịch, gợi mở ra hướng đi mới, chú ý du lịch nội địa, coi du lịch nội địa là cứu cánh cho du lịch khi chúng ta chưa mở cửa thị trường khách quốc tế.

Khi độ tiêm phủ vắc xin cho phép, Bộ cũng đã trình Chính phủ để Chính phủ báo cáo Bộ Chính trị cho phép thí điểm đón khách quốc tế. Chỉ với hơn 3.500 khách quốc tế trong tháng 11, 12 đã đưa tín hiệu Việt Nam đã thực hiện phương châm thích ứng an toàn, kiểm soát có hiệu quả.

Dấu ấn thứ năm là sự nỗ lực cao của các địa phương. Nếu thời gian trước, công tác giữa Bộ - Sở chưa chặt thì trong năm 2021 này, đặt trong mối quan hệ biện chứng "Bộ mạnh thì Sở phải mạnh, Sở mạnh chính là cánh tay nối dài của Bộ để triển khai", công tác phối hợp giữa Bộ - Sở đã có nhiều tín hiệu tốt đẹp.

Cán bộ ngành VHTTDL phải phấn đấu để có lối sống văn hóa tiêu biểu

Nhắc lại một số tồn tại của ngành trong thời gian qua, Bộ trưởng cũng nhấn mạnh về một số nhiệm vụ trong năm tới. Theo đó, Bộ sẽ tiếp tục quán triệt các quan điểm lớn của Đảng, Nhà nước về văn hóa, đặc biệt là bài phát biểu quan trọng của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.

Phó Thủ tướng: “Phải tiếp tục phát huy được truyền thống văn hóa tốt đẹp của con người Việt Nam như lúc khó khăn, dịch bệnh” - Ảnh 7.

Toàn cảnh Hội nghị.

"Tại Hội nghị của Chính phủ, Tổng Bí thư yêu cầu phải nghiên cứu để xây dựng thiết chế văn hóa, phải bảo vệ di tích và di sản; phải xây dựng môi trường văn hóa và văn hóa gia đình... Đó là những căn dặn rất đầy đủ, rõ nét, vì vậy phải đặt lên hàng đầu của năm 2022 là tập trung xây dựng hệ sinh thái văn hóa, làm môi trường văn hóa từ cơ sở. Trong đó, lấy địa bàn khu dân cư là địa bàn tác nghiệp" - Bộ trưởng nhấn mạnh.

Đối với công tác tổ chức sự kiện SEA Games 31, Bộ trưởng cho biết, với trách nhiệm nước chủ nhà, chúng ta phải tổ chức thành công và coi đây là dịp quảng bá hình ảnh, đất nước con người Việt Nam với bạn bè quốc tế, một đất nước thân thiện, văn hóa và văn hiến.

"Các địa phương liên quan phải cùng vào cuộc với Bộ tổ chức 40 môn thi đấu tại Đại hội Thể thao này. Đó là những bộ môn tiến tới thể thao thành tích cao, chứ không phải chỉ là môn Việt Nam có lợi thế. Gắn với đó là Thể thao quần chúng, thông qua đó bồi dưỡng, tạo nguồn cho Thể thao thành tích cao" - Bộ trưởng nhấn mạnh.

Đối với Du lịch, Bộ trưởng cho rằng không thể ngồi chờ hết đại dịch mà ngành phải thích ứng, an toàn, kiểm soát có hiệu quả. Trên cơ sở sơ kết thí điểm đón khách quốc tế để đề xuất với Chính phủ có lộ trình mở lại thị trường khách quốc tế phù hợp khi độ bao phủ vắc xin đảm bảo.

Theo Bộ trưởng, để tổ chức thực hiện, vấn đề quan trọng nhất vẫn là con người. Vì vậy, Bộ xác định chủ đề năm 2022 là Năm Văn hóa cơ sở và công tác cán bộ. Bộ trưởng đề nghị các Thường vụ Tỉnh ủy, Thành ủy HĐND, UBND các tỉnh, TP căn cứ thông tư của Bộ VHTTDL để xem xét, bố trí đội ngũ cán bộ phù hợp, có chất lượng, chuyên sâu để thực hiện nhiệm vụ của ngành, giúp địa phương phát triển.

Các Cục, Vụ thuộc Bộ thực hiện nghiêm Nghị quyết Ban Cán sự Đảng theo hướng đánh giá cán bộ sát, đúng, luân chuyển điều động, kiện toàn gắn với quy hoạch để đào tạo, xây dựng đội ngũ cán bộ có tâm huyết, cán bộ ngành VHTTDL trong toàn quốc phải phấn đấu để có lối sống văn hóa tiêu biểu, tác động lan tỏa đến vấn đề xây dựng đời sống văn hóa./.

NỔI BẬT TRANG CHỦ