• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ chỉ đạo Bộ Tài chính thực hiện nhiều giải pháp trọng tâm

Kinh tế 12/07/2019 12:28

(Tổ Quốc) - Đến hết tháng 6/2019, Bộ Tài chính thu ngân sách nhà nước (NSNN) đạt 745,4 nghìn tỷ đồng, bằng 52,8% dự toán, tăng 13,2% so với cùng kỳ năm 2018.

a Pho TTg Vuong Dinh Hue

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ chỉ đạo tại Hội nghị sơ kết công tác tài chính - ngân sách Nhà nước 6 tháng đầu năm, triển khai nhiệm vụ tài chính - ngân sách Nhà nước 6 tháng cuối năm 2019. Ảnh: Thành Chung

Ngày 12/7, Bộ Tài chính tổ chức Hội nghị sơ kết công tác tài chính - ngân sách Nhà nước 6 tháng đầu năm, triển khai nhiệm vụ tài chính - ngân sách Nhà nước 6 tháng cuối năm 2019.

Báo cáo tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ Tài chính Đỗ Hoàng Anh Tuấn cho biết, sáu tháng đầu năm 2019, Bộ Tài chính đã chủ động tham mưu cho Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trong chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ thu, chi NSNN. Thực hiện các giải pháp của Nghị quyết số 01/NQ-CP, 02/NQ-CP của Chính phủ nhằm hoàn thành cao nhất nhiệm vụ NSNN năm 2019, đảm bảo cân đối ngân sách các cấp, giữ bội chi và tổng mức vay của NSNN trong phạm vi Quốc hội cho phép.

Đến hết tháng 6/2019, tổng thu NSNN đạt 745,4 nghìn tỷ đồng, bằng 52,8% dự toán, tăng 13,2% so với cùng kỳ năm 2018; trong đó: (i) thu nội địa đạt 51,1% dự toán (cùng kỳ năm 2018 đạt 47,6%), tăng 13,6%; (ii) thu dầu thô đạt 68% dự toán, bằng 100,7% so với cùng kỳ; (iii) thu cân đối từ hoạt động XNK đạt 59,8% dự toán, tăng 13,7% so cùng kỳ năm 2018.

Cả thu NSTW và NSĐP đều đạt khá; trong đó, thu NSTW đạt 51,5% dự toán (cùng kỳ năm 2018 đạt 46,7%), mức cao nhất trong 5 năm trở lại đây; thu NSĐP đạt 54,3% dự toán (cùng kỳ năm 2018 đạt 54%), với 50/63 địa phương thu đạt trên 50% dự toán.

Trong tổ chức thực hiện, ngay từ đầu năm Bộ Tài chính đã tập trung chỉ đạo triển khai tốt các luật thuế, giao chỉ tiêu phấn đấu thu, chỉ tiêu xử lý nợ đọng thuế, trên cơ sở yêu cầu các cơ quan Thuế, Hải quan phải phối hợp chặt chẽ với cấp ủy, chính quyền địa phương quản lý chặt chẽ các khoản thu, mở rộng cơ sở thuế; đẩy mạnh chống thất thu, buôn lậu, gian lận thương mại; tăng cường thanh tra, kiểm tra thuế; quyết liệt xử lý nợ thuế, phấn đấu giảm số thuế nợ đọng xuống dưới 5% tổng thu NSNN.

Bên cạnh đó, Bộ Tài chính cũng đã tiếp tục rà soát, trình cấp có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung, ban hành mới các chính sách về tài chính, thuế, phí phù hợp với tình hình thực tế và cam kết hội nhập quốc tế; tạo môi trường kinh doanh bình đẳng cho doanh nghiệp.

Về chi NSNN, 6 tháng đạt 666,1 nghìn tỷ đồng, bằng 40,8% dự toán, tăng 2,6% so cùng kỳ năm 2018. Công tác quản lý chi NSNN chặt chẽ, theo đúng dự toán; yêu cầu các bộ, ngành và địa phương chủ động rà soát, sắp xếp, thực hiện chi, mua sắm tài sản công theo đúng tiêu chuẩn, định mức, chế độ quy định, đảm bảo tiết kiệm, hiệu quả. Tăng cường thanh tra, kiểm tra, kiểm soát chi NSNN, góp phần nâng cao kỷ luật tài chính và hiệu quả sử dụng NSNN.

Trong 6 tháng đầu năm, NSTW đã sử dụng dự phòng khoảng 2,9 nghìn tỷ đồng, để hỗ trợ một số địa phương khắc phục hậu quả thiên tai, mưa lũ và phòng chống dịch, dập dịch tả lợn Châu Phi; đã xuất cấp 59,1 nghìn tấn gạo dự trữ quốc gia cho các địa phương để hỗ trợ cho nhân dân và học sinh vùng khó khăn.

a TT Tuan bao cao

Thứ trưởng Bộ Tài chính Đỗ Hoàng Anh Tuấn trình bày báo cáo tại Hội nghị. Ảnh: Thành Chung

Theo Bộ Tài chính, tình hình trong nước và quốc tế từ nay đến hết năm 2019 dự báo còn có nhiều khó khăn, thách thức. Để hoàn thành thắng lợi nhiệm vụ tài chính - NSNN năm 2019, sẽ quyết liệt hơn nữa trong việc triển khai thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu chỉ đạo, điều hành thực hiện kế hoạch KT-XH và dự toán NSNN năm 2019 theo các Nghị quyết của Chính phủ số 01/NQ-CP, 02/NQ-CP và các Nghị quyết phiên họp thường kỳ của Chính phủ và chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.

Trong đó, sẽ tiếp tục hoàn thiện thể chế, nhất là trong các lĩnh vực thuế, tài chính doanh nghiệp, chứng khoán, bảo hiểm, đổi mới đơn vị sự nghiệp công; thúc đẩy cải cách hành chính, hiện đại hóa, góp phần tiếp tục cải thiện môi trường kinh doanh, phục vụ tốt hơn người dân và doanh nghiệp.

Đấu tranh quyết liệt đầu tư chui, núp bóng

Dự và chỉ đạo tại Hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ biểu dương sự nỗ lực phấn đấu, sự cố gắng của các bộ, ngành, các địa phương, cũng như của toàn thể cán bộ, công chức, viên chức ngành Tài chính trong 6 tháng qua. Mặc dù tình hình thế giới diễn biến phức tạp nhưng Việt Nam vẫn giữ được ổn định kinh tế vĩ mô, tăng trưởng 6 tháng đạt 6,76%, tổng cầu dịch vụ, tiêu dùng trên 11,5% cao nhất trong 5 năm qua, CPI bình quân tăng 2,64% thấp nhất trong 3 năm qua mặc dù điều chỉnh giá điện, thuế bảo vệ môi trường trong cơ cấu giá xăng dầu, thu ngân sách tăng cao hơn và chi ngân sách chặt chẽ, đủ tién độ nhất là chi cho an sinh xã hội, vai trò vị thế Việt Nam tăng cao trên cộng đồng quốc tế...

Thời gian qua, Bộ Tài chính cũng đã sắp xếp tinh gọn bộ máy, tiết giảm chi phí, tăng cường cải cách hành chính, đơn giản hoá thủ tục hành chính thuế, hải quan...

Dù vậy, theo Phó Thủ tướng, bên cạnh những kết quả đạt được, ngành Tài chính vẫn còn một số hạn chế, khó khăn phải đối mặt và giải quyết trong thời gian tới, trong đó có vấn đề về giải ngân chậm, cổ phần hoá tuy có thực chất và hiệu quả nhưng vẫn còn chậm...

"Xây dựng thể chế, ban hành văn bản không rõ ràng gây khó khăn cho doanh nghiệp, chưa kịp thời trình Thủ tướng bãi bỏ, bổ sung các văn bản vướng mắc. Ví dụ văn bản hướng dẫn cấp C/o của xăng dầu...", Phó Thủ tướng nói.

a Toan canh

Ảnh: Thành Chung

Về thu ngân sách, Phó Thủ tướng cho rằng, về dài hạn cần phải rà soát, có đường hướng dài hạn điều chỉnh chính sách thu để nuôi dưỡng và tăng tỷ lệ điều tiết trong một số lĩnh vực như tiêu thụ đặc biệt- vừa bảo đảm sản xuất, vừa bảo đảm nguồn thu, lộ trình điều chỉnh thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế VAT...

Theo đó, Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành liên quan, cấp ủy, chính quyền địa phương để làm tốt công tác quản lý thu NSNN; rà soát, nắm chắc nguồn thu; tiếp tục mở rộng cơ sở thuế (cả đối tượng và địa bàn); chủ động đề ra các giải pháp phù hợp với từng lĩnh vực, địa bàn, đối tượng thu. Giảm bớt phạm vi và tỷ lệ quản lý thuế theo phương pháp khoán; rà soát và xác định lại các mức thuế khoán để phù hợp với tình hình thực tế.


"Tinh thần là chặt chẽ  và thông thoáng để thúc đẩy sản xuất kinh doanh để thu chứ không chỉ đơn giản là thu thuế. Trước mắt chúng tôi đề nghị Bộ trình Chính phủ Nghị quyết giải pháp hỗ trợ thuế cho doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) và hộ kinh doanh để họ trở thành doanh nghiệp để có cơ sở thu thuế..." Phó Thủ tướng nhấn mạnh thêm.

Theo chỉ đạo của Phó Thủ tướng, thời gian tới, Bộ Tài chính cần tiếp tục siết chặt kỷ luật kỷ cương về ngân sách tài chính, chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ giải ngân đầu tư công, bảo đảm bội chi ngân sách trong phạm vi Quốc hội cho phép. Rà soát, sắp xếp các nhiệm vụ chi; cắt giảm tối đa các khoản chi chưa thực sự cần thiết, cấp bách theo đúng quy định; triển khai thực hiện tốt thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong các cơ quan nhà nước và toàn xã hội; chỉ đề xuất ban hành chính sách làm tăng chi NSNN khi thật sự cần thiết và có nguồn đảm bảo.


Cùng với đó là tăng cường kiểm soát tạm nhập tái xuất, thu hút FDI một cách chọn lọc, đấu tranh quyết liệt đầu tư chui, núp bóng, bảo vệ môi trường...Tiếp tục tăng cường kiểm soát thị trường, quản lý giá cả, tiếp tục tổ chức theo dõi chặt chẽ diễn biến giá cả thị trường thế giới và trong nước, dự báo sát cung - cầu, có tính tới các yếu tố ảnh hưởng do thiên tai.

"Bộ Tài chính, cơ quan thường trực của Ban Chỉ đạo giá cần quán triệt tinh thần là chúng ta quyết tâm thực hiện điều hành giá theo đúng mục tiêu đã đề ra từ đầu năm, kiểm soát lạm phát bình quân trong mức từ 3,3 – 3,9%, kiểm soát lạm phát cơ bản trong khoảng 1,8%. Tăng cường công tác truyền thông, cung cấp thông tin đầy đủ, kịp thời, minh bạch, nhất là trong việc thực hiện các chính sách lớn của Chính phủ để tạo sự đồng thuận trong xã hội", Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ chỉ đạo.

Hà Giang

NỔI BẬT TRANG CHỦ