(Tổ Quốc) - Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ nhận định, các tác phẩm phản ánh khá đa dạng các lĩnh vực kinh tế - xã hội gắn với thực tiễn giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới, nhất là ở cấp cơ sở.
Chiều 12/10, tại Bộ Thông tin và Truyền thông đã diễn ra Lễ trao giải Cuộc thi các tác phẩm báo chí về công tác giảm nghèo giai đoạn 2016-2020, lần thứ nhất năm 2017. Cuộc thi các tác phẩm báo chí về công tác giảm nghèo giai đoạn 2016 – 2020 do Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông, Hội Nhà báo Việt Nam tổ chức.
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ phát biểu tại Lễ trao giải. |
Lễ trao giải lần thứ nhất này là một sự kiện quan trọng trong chuỗi hoạt động Tháng cao điểm Vì người nghèo (17/10/2017 đến 18/11/2017) do Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam phát động.
Phát biểu tại buổi Lễ, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, Trưởng ban Chỉ đạo Trung ương các Chương trình Mục tiêu Quốc gia cho rằng, giảm nghèo, nâng cao đời sống nhân dân là một chủ trương, chính sách lớn của Đảng và Nhà nước, luôn được cả hệ thống chính trị, các ngành, các cấp và nhân dân cả nước đặc biệt quan tâm và tập trung thực hiện.
Trong suốt 30 năm đổi mới, phát triển và hội nhập, đất nước ta đã đạt được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử, trong đó có thành tích nổi bật về xóa đói giảm nghèo. Tỷ lệ hộ nghèo của Việt Nam đã giảm mạnh từ trên 58% năm 1993 xuống còn khoảng 7% theo chuẩn đa chiều vào năm 2017 (nếu theo chuẩn cũ thì năm 2015 đã giảm còn khoảng 4,5%). Đây là một trong những chỉ tiêu quan trọng trong Mục tiêu Thiên niên kỷ chúng ta hoàn thành trước thời hạn, được Liên Hợp quốc ghi nhận và cộng đồng quốc tế đánh giá cao, coi Việt Nam là một điểm sáng trong thực hiện mục tiêu giảm nghèo trên toàn cầu.
Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Trương Minh Tuấn và Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh - Xã hội Đào Ngọc Dung trao giải cho các tác giả đạt giải. |
Phó Thủ tướng nhấn mạnh, trong điều kiện đất nước còn khó khăn, chúng ta đặc biệt quan tâm đến công tác giảm nghèo, thường xuyên hoàn thiện cơ chế, chính sách, pháp luật và tập trung nguồn lực triển khai thực hiện, trong đó có Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững.
Giai đoạn 2011-2015 có 16 Chương trình mục tiêu quốc gia nhưng bước sang giai đoạn 2016-2020 chỉ còn 2 Chương trình mục tiêu quốc gia là Giảm nghèo bền vững và Xây dựng nông thôn mới. Đồng thời chúng ta cũng có 21 chương trình mục tiêu. Tất cả các chương trình này về cơ bản đều nhằm mục đích giảm nghèo, phát triển bền vững. Đặc biệt, từ năm 2017 chúng ta triển khai chính sách giảm nghèo theo hướng tiếp cận đa chiều, chú trọng bảo đảm người nghèo được tiếp cận đầy đủ các dịch vụ xã hội cơ bản như y tế, giáo dục, nhà ở, nước sinh hoạt, vệ sinh, thông tin. Tập trung ưu tiên nguồn lực cho các địa bàn khó khăn, vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số; khuyến khích cộng đồng cùng tham gia, lồng ghép các nguồn lực để thực hiện; chú trọng các giải pháp để người nghèo tự vươn lên thoát nghèo.
Trong quá trình thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững theo tinh thần Nghị quyết của Đảng, Quốc hội, Chính phủ, cùng với sự nỗ lực của toàn xã hội, các cấp, các ngành, nhân dân cả nước, nhất là người nghèo, có sự đóng góp to lớn của các cơ quan báo chí, đội ngũ phóng viên, biên tập viên - những người thường xuyên, trực tiếp đưa thông tin về chủ trương, đường lối, chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước, những mô hình tốt, cách làm hay, tấm gương điển hình tiên tiến cũng như những vấn đề bức xúc về công tác giảm nghèo, góp phần tạo sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và đồng thuận xã hội theo chủ trương “Cả nước chung tay vì người nghèo – Không để ai bị bỏ lại phía sau”.
Trên tinh thần đó, ngay từ đầu năm 2017, Ban Chỉ đạo Trung ương các Chương trình mục tiêu quốc gia đã chỉ đạo tổ chức Lễ phát động Cuộc thi các tác phẩm báo chí về công tác giảm nghèo giai đoạn 2016-2020 nhằm cổ vũ, động viên các phóng viên, biên tập viên, tập thể, cá nhân tích cực tham gia, góp phần đẩy mạnh công tác thông tin truyền thông về nhiệm vụ quan trọng này, trong đó tập trung đưa tin, phổ biến kinh nghiệm, sáng kiến, mô hình, tấm gương giảm nghèo bền vững của các địa phương, tập thể, cá nhân, hộ gia đình để phát huy và nhân rộng.
Thứ trưởng Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch Huỳnh Vĩnh Ái trao giải cho cá nhân đạt giải. |
Mặc dù đây là năm đầu tiên triển khai, với thời gian không dài (8 tháng) nhưng Cuộc thi đã thu hút được sự quan tâm lớn của cộng đồng báo chí và xã hội, với 300 tác phẩm dự thi của rất nhiều nhà báo, cây bút chuyên nghiệp từ các cơ quan thông tấn, báo chí trung ương và địa phương, cũng như cán bộ quản lý về công tác giảm nghèo, bảo trợ xã hội, bảo đảm an sinh xã hội.
“Các tác phẩm phản ánh khá đa dạng các lĩnh vực kinh tế - xã hội gắn với thực tiễn giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới, nhất là ở cấp cơ sở. Nhiều mô hình giảm nghèo bền vững, những tâm gương điển hình vươn lên thoát nghèo đã được các tác giả tìm kiếm, phát hiện và đưa tin đến công chúng dưới nhiều hình thức khác nhau. Một số tác phẩm nổi bật trên báo in, báo điện tử, phát thanh, truyền hình, phóng sự ảnh… đã thể hiện sự đầu tư, tìm tòi, đổi mới sáng tạo của các tác giả, nhóm tác giả - những người luôn tâm huyết, trăn trở vì công cuộc giảm nghèo, vì đời sống của người dân. Đồng thời, nhiều tác phẩm thể hiện những điểm mới, mang tính thời sự về những tồn tại hạn chế trong cơ chế chính sách, những sai phạm trong triển khai thực hiện, góp phần quan trọng để các cơ quan quản lý vào cuộc chấn chỉnh, xử lý, nâng cao hiệu quả công tác giảm nghèo trên phạm vi cả nước”, Phó Thủ tướng nhấn mạnh.
Trưởng ban Chỉ đạo Trung ương các Chương trình Mục tiêu Quốc gia cũng đánh giá cao tinh thần nhiệt huyết của tất cả các tác giả, tập thể tác giả dự thi, góp phần nâng cao nhận thức, trách nhiệm của nhân dân, các cấp chính quyền, đoàn thể trong việc tổ chức thực hiện các chủ trương, chính sách, chương trình giảm nghèo; huy động sự tham gia của cộng đồng, đặc biệt là người nghèo, khơi dậy ý thức tự lực vươn lên thoát nghèo.
Phát biểu tại buổi Lễ, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Trương Minh Tuấn cũng cho hay: “Lễ Tổng kết và trao giải lần thứ nhất năm 2017 diễn ra trong Tháng cao điểm vì người nghèo, hướng tới ngày 17/10 “Ngày vì người nghèo Việt Nam”. Nhân dịp này, tôi đề nghị chúng ta hãy thực hiện thông điệp “Chung tay vì người nghèo – Không để ai bị bỏ lại phía sau”, hãy tiếp tục cống hiến và viết tiếp những tác phẩm báo chí chất lượng góp phần quan trọng vào sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội nhằm giữ vững an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội; cải thiện đời sống nhân dân, củng cố niềm tin của các tầng lớp nhân dân vào công cuộc đổi mới, đặc biệt quảng bá hình ảnh đất nước, con người và văn hoá Việt Nam đến với mọi người, qua đó nâng cao vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế”.
Chia sẻ về tác phẩm đoạt giải A “Chính sách giảm nghèo: “Vì sao vẫn như muối bỏ bể”, phóng viên Hoàng Thu Thuỳ - đại diện nhóm tác giả Đài Tiếng nói Việt Nam biết, không phải cho đến khi tổ chức cuộc thi nhóm tác giả này mới thực hiện tác phẩm, mà tác phẩm dự thi là một bài trong vệt bài viết mà Đài Tiếng nói Việt Nam đã thực hiện từ trước.
Nhiều tác phẩm đoạt giải có nội dung sâu sắc và ý nghĩa. |
“Là phóng viên chuyên viết về công tác giảm nghèo và vùng đồng bào dân tộc thiểu số, để viết những tác phẩm về xoá đói giảm nghèo, chúng tôi phải trèo đèo lội suối đến với đồng bào dân tộc. Thông điệp của chúng tôi qua tác phẩm này là làm thế nào để các chính sách cho công tác xoá đói giảm nghèo được thực thi có hiệu quả. Tôi xin dẫn lời của đồng bào rằng “làm thế nào để chính sách gọn nhất và dễ thực hiện. Hãy làm thế nào để đồng bào là chủ thể xoá đói giảm nghèo chứ không phải là người đón nhận chính sách”, phóng viên Hoàng Thu Thuỳ bày tỏ thông điệp.
Trong 24 tác giả có tác phẩm đã đạt giải, có 02 tập thể có nhiều bài dự thi trong Cuộc thi năm 2017, trong đó có nhiều tác phẩm ấn tượng như: Phát triển kinh tế tập thể - đưa nông dân vào sản xuất lớn (nhóm tác giả Trần Phước, Thảo Ly); Đột phá để giảm nghèo bền vững (tác giả Vân Khánh); Chính sách giảm nghèo: vì sao vẫn như muối bỏ bể (nhóm tác giả Hoàng Thu Thùy, Thanh Phương, Giàng Seo Phùa, Thu Hà); Tốt nghiệp đại học để làm nông dân (nhóm tác giả Thanh Tâm, Hồng Nhung); Nghèo giữa rừng vàng (nhóm tác giả Hữu Đại, Cao Tùng, Thanh Tùng, Minh Sơn, Khánh Linh); Đào tạo nghề lao động nông thôn: “Cần câu để giảm nghèo” (tác giả Anh Tuấn)… và những tác phẩm có giá trị khác./.
Hà Giang
Ảnh: Minh Khánh