• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ lý giải nguyên nhân không đẩy mục tiêu tăng trưởng GDP năm 2020 lên 7%

Kinh tế 22/10/2019 19:23

(Tổ Quốc) - Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho rằng, tinh thần của Chính phủ là phấn đấu tăng trưởng GDP lên cao hơn vào năm 2020, tuy nhiên, vẫn phải để ở mức 6,8% là bởi theo kế hoạch "cái này móc xích cái kia". Nếu để GDP ở mức 6,8% thì tổng thu ngân sách sẽ khác với để GDP ở mức 7%.

Chiều 22/10, Quốc hội thảo luận tại tổ về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2019; kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, dự toán ngân sách nhà nước, phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2020; Đề án tổng thể đầu tư phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số, miền núi và vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn giai đoạn 2021-2025.

Không đẩy mục tiêu tăng trưởng GDP năm 2020 lên 7%

Phát biểu tại buổi thảo luận, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho biết, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đã hạ dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu xuống rất thấp, đối với cả tăng trưởng GDP cũng như tăng trưởng thương mại.

DSC_1881

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ phát biểu tại buổi thảo luận ở tổ về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2019; kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, dự toán ngân sách nhà nước, phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2020. Ảnh: Hà Giang

Trước đây, IMF dự báo tăng trưởng cả năm 2019 ở mức 3,2 %, trong khi năm 2018 là 3,8%. Còn tổng mức lưu chuyển hàng hoá trên thế giới năm 2018 là 3,7% trong khi năm 2019 chỉ còn 2,5%.

"Các chỉ số này cho thấy sự suy giảm thế giới với mức giảm cao nhất kể từ khi xảy ra khủng hoảng kinh tế năm 2008", Phó Thủ tướng nói.

Tại các quốc gia khác, tăng trưởng kịnh tế cũng thấp hơn so với dự báo. Cụ thể, năm 2019 Mỹ dự kiến tăng GDP 2%, thấp hơn nhiều so với dự báo 3%. Nhật Bản tăng trưởng 0,6%, EU 1%, Ấn Độ năm ngoái trên 7% thì 2019 dự kiến chỉ tăng trưởng 5%. Singapore dự báo tăng trưởng 0%, Trung Quốc dự kiến cả năm 6% là rất khó...

"Vì vậy, việc Việt Nam đạt được mức tăng trưởng 6,8% trong năm 2019 và có thể hơn là một là cố gắng rất lớn, trong đó động lực chính là công nghiệp chế biến chế tạo và tổng tiêu dùng trong nước", Phó Thủ tướng nhấn mạnh.

Về nông nghiệp, Phó Thủ tướng nêu lên những thiệt hại lớn do dịch tả lợn châu Phi xảy ra ở cả 63 tỉnh thành, 642 huyện, 7.612 xã. Dịch tả lợn châu Phi đã khiến cả nước mất 5,5 triệu con lợn, chiếm gần 20% tổng đàn. Vì vậy, nông nghiệp chỉ tăng 2,02% trong 9 tháng trong khi Chính phủ phấn đấu tăng 3,5%. 

Tuy nhiên, công nghiệp chế biến chế tạo tăng mạnh và tiêu dùng trong nước tăng gần 12% đã bù đắp cho sự thiệt hại về nông nghiệp cũng như xuất khẩu.

Về xuất khẩu, 9 tháng đầu năm thì xuất khẩu và nhập khẩu đều tăng 8,4%, trong đó 6 tháng xuất sang Trung Quốc tăng 1% và 9 tháng giảm 2,4%. 

Còn CPTPP, thị trường đang trông đợi thì 9 tháng có tăng nhưng chỉ 3,5% xuất khẩu, lý do là Việt Nam mới thực hiện CPTPP và trong 11 thành viên chỉ có 3 nước mới triển khai là Peru, Mexico và Canada... . Do đó, thị trường CPTPP chỉ tăng 3,5%.

"Đánh giá về kết quả năm 2019, tôi cũng đồng tình với các ý kiến nhiều đại biểu đã nêu, đó là chúng ta đã vượt khó và có tăng trưởng ấn tượng, cùng với đó kinh tế vĩ mô ổn định và các nước đánh giá cao kết quả này của chúng ta", Phó Thủ tướng chia sẻ. 

Cụ thể, theo Phó Thủ tướng, tiền tệ, tỷ giá ổn định, lạm phát đến thời điểm này chỉ 2,5% trong khi điều chỉnh giá điện, giá thịt lợn thì tăng, nhiều các dịch vụ công khác (y tế, giáo dục) tăng theo lộ trình. 

Phó Thủ tướng nhận định, tình hình này của năm 2019 sẽ tiếp tục diễn biến trong năm 2020, thậm chí mâu thuẫn giữa các nền kinh tế lớn không xử lý được thì khả năng còn xấu hơn. Vì thế nên cân nhắc nhiều mặt để GDP 6,8% trong năm 2020 là ý như vậy. 

"Một số đại biểu cho rằng, nên đặt mức tăng GDP lên 7% để phấn đấu. Tinh thần Chính phủ là như vậy nhưng vẫn phải đưa ở mức 6,8% bởi theo kế hoạch "cái này móc xích cái kia". Nếu để GDP ở mức 6,8% ở tổng thu ngân sách sẽ khác với để GDP ở mức 7%.

Tăng trưởng 6,8% thì tổng thu nội địa là khoảng 10,8%, để GDP mức 6,8% là nhằm cân đối vĩ mô... Mà trong cân đối vĩ mô thì cân đối ngân sách là quan trọng nhất", Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ nhấn mạnh. 

Trước một số ý kiến rằng năm nay lạm phát thấp nhưng vẫn để CPI dưới 4%, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho rằng, tình hình bất ổn, giá thịt lợn cũng đang tăng. Về vấn đề này, vừa qua Phó Thủ tướng cũng đã có văn bản hoả tốc yêu cầu tính toán cân đối cung - cầu, đồng thời phải tính toán phương án nhập khẩu thịt... Chính phủ cũng đã khuyến cáo Bộ NNPTNT tuyệt đối không được chủ quan, trong trường hợp cần thiết thì phải nhập khẩu thịt lợn để kỳ vọng lạm phát giảm xuống. Rồi còn yếu tố tăng lương và giá dịch vụ y tế...

"Vì đã lượng định được những khó khăn của năm 2020 nên chúng tôi đã để kiểm soát lạm phát dưới 4%", Phó Thủ tướng nói thêm.

NQP08711-01

Ảnh: Hà Giang


 Kiểm soát chặt chẽ tín dụng đối với bất động sản

Phó Thủ tướng cho biết, mấy năm nay chúng ta kiểm soát tín dụng rất chặt chẽ. Tỷ trọng tín dụng so với GDP đảo ngược nhiều. Tăng trưởng tín dụng trước đây là 33%/năm nhưng GDP chỉ 5% - 6%. Mấy năm nay chúng ta kiểm soát tăng trưởng tín dụng dưới mức 14%. Tín dụng đối với những lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro được kiểm soát rất chặt chẽ.

Giải thích lý do năm 2019 tín dụng bất động sản tăng đột biến so với năm trước, Phó Thủ tướng cho biết, vì năm trước thống kê riêng tín dụng cho các doanh nghiệp đầu tư kinh doanh bất động sản là 1 mục và 1 mục là tín dụng tiêu dùng cho người tự làm nhà hoặc vay tiền mua bất động sản. Nhưng từ năm vừa rồi Chính phủ yêu cầu cộng gộp 2 mục này vào để đừng chủ quan là tỷ lệ thấp. Ngoài ra, các tập đoàn, công ty con có số dư nợ tín dụng từ 5.000 tỷ trở lên thì Thống đốc 3 tháng phải báo cáo Chính phủ và Thủ tướng 1 lần và chịu trách nhiệm về báo cáo đó. Sau đó Thống đốc sẽ phải yêu cầu doanh nghiệp báo cáo lại nếu có mức 500 tỷ hoặc 1.000 tỷ trở lên thì phải báo cáo Thống đốc. Như vậy sẽ kiểm soát rất chặt chẽ.

Hiện tín dụng bất động sản của năm 2018 là chiếm 19,74% tổng dư nợ của nền kinh tế, tăng 14,58%. Tuy nhiên, tín dụng kinh doanh bất đông sản chỉ 32,7% dư nợ bất động sản, tăng 5,5% còn tín dụng tiêu dùng chiếm đến 68,3%, tăng 19,3%.

Phó Thủ tướng cho biết, Chính phủ đã chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước kiểm soát chặt chẽ đối với việc cấp tín dụng đối với lĩnh vực bất động sản, mức độ tập trung tín dụng vào một số khách hàng, nhóm khách hàng lớn, các dự án có quy mô lớn, phân khúc cao cấp, biệt thự, nghỉ dưỡng.

Chỉ xem xét cấp tín dụng đối với các dự án, phương án vay vốn khả thi, đảm bảo tính pháp lý, khách hàng có khả năng trả nợ đầy đủ và đúng hạn. Ngoài ra, thận trọng xem xét cho vay góp vốn đầu tư kinh doanh bất động sản, nhà đầu tư thứ cấp.

Bên cạnh đó, phải nâng cao chất lượng thẩm định, đánh giá đầy đủ các rủi ro về hồ sơ pháp lý liên quan đến quyền sử dụng đất, rủi ro về cung cầu thị trường.

Đầu tư công chậm khiến Chính phủ, Quốc hội "đau đầu"

Về đầu tư công chậm, nhất là một số công trình trọng điểm, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho biết, vấn đề này gây đau đầu cho cả Chính phủ và Quốc hội. Và chúng ta cũng đã khẳng định vấn đề này do vướng cả thể chế và tổ chức thực hiện.

Vướng Luật Đầu tư công thì đã trình Quốc hội sửa nhưng sang năm mới có hiệu lực. Ngoài ra còn lý do vướng mắc giữa các luật: Luật Đầu tư, Luật Xây dựng, Luật Nhà ở, Luật Đất đai...

"Tuy nhiên, chúng tôi đánh giá thể chế chỉ một phần, tổ chức thực hiện mới là nguyên nhân quan trọng nhất. Bằng chứng là tại sao cùng khung khổ pháp lý như vậy nhưng có nơi làm rất tốt, có nơi làm chậm. Nên phải siết chặt tổ chức thực hiện. Phải cột trách nhiệm của "anh" đứng đầu", Phó Thủ tướng nêu.


Hà Giang

NỔI BẬT TRANG CHỦ