(Tổ Quốc) - “Năm 2019 phải hết sức nỗ lực cải cách thủ tục hành chính, cải thiện một cách thực chất môi trường đầu tư, kinh doanh, tạo thuận lợi thương mại cho các doanh nghiệp”, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ nói.
Theo Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, để đạt mục tiêu 1 triệu doanh nghiệp vào năm 2020 cần phải tăng nhanh số lượng doanh nghiệp thành lập mới....
Trong cuộc gặp gỡ báo chí cuối năm để nói về những kết quả và tồn tại của kinh tế Việt Nam năm 2018, trả lời câu hỏi của phóng viên về việc Ủy ban Kinh tế của Quốc hội từng cảnh báo mục tiêu thành lập 1 triệu doanh nghiệp vào năm 2020 của Chính phủ khó có thể hoàn thành - Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho biết, trong năm 2018, cả nước có 131,3 nghìn doanh nghiệp đăng ký thành lập mới với tổng vốn đăng ký là 1.478,1 nghìn tỷ đồng, tăng 3,5% về số doanh nghiệp và tăng 14,1% về số vốn đăng ký so với năm 2017. Số doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động là 90.651 doanh nghiệp, tăng 49,7% so với năm trước. 27.126 doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng kinh doanh có thời hạn, tăng 25,1% và 63.525 doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động không đăng ký hoặc chờ giải thể, tăng 63,4%. Số doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể là 16.314 doanh nghiệp, tăng 34,7%.
Mục tiêu có được 1 triệu doanh nghiệp hoạt động hiệu quả vào năm 2020 là một thách thức lớn".
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ
Theo Phó Thủ tướng, để đạt mục tiêu, cần phải tăng nhanh số lượng doanh nghiệp thành lập mới, đồng thời Chính phủ cũng đặt mục tiêu phải giảm 30- 40% số lượng doanh nghiệp ngừng và chờ giải thể. Chính phủ đã giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức thực hiện Đề án chuyển hộ kinh doanh cá thể thành doanh nghiệp với các hỗ trợ tiện ích về thủ tục đăng ký doanh nghiệp, đặc biệt chế độ kế toán đơn giản cho các doanh nghiệp nhỏ lẻ. Cho phép các đại lý thuế được tư vấn thuế cho doanh nghiệp siêu nhỏ và hộ kinh doanh.
Phó Thủ tướng nhấn mạnh, năm 2019 phải hết sức nỗ lực cải cách thủ tục hành chính, cải thiện một cách thực chất môi trường đầu tư, kinh doanh, tạo thuận lợi thương mại cho các doanh nghiệp. Hoàn thiện hệ sinh thái khởi nghiệp, triển khai mạnh mẽ đổi mới, sáng tạo đều khắp các vùng miền và địa phương trong cả nước. Chính phủ sẽ chỉ đạo công bố sách trắng doanh nghiệp Việt Nam để thúc đẩy chủ trương này.
Chính phủ cũng trình Quốc hội sửa đổi, bổ sung Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp với mức thuế suất rất ưu đãi cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa, các doanh nghiệp siêu nhỏ chuyển đổi từ hộ kinh doanh có đăng ký. Triển khai mạnh mẽ các quy định của Luật hỗ trợ Doanh nghiệp nhỏ và vừa.
"Hiện nước ta có 5,2 triệu hộ kinh doanh có đăng ký và nếu triển khai đồng bộ các giải pháp đều khắp các địa phương, tập trung vào chuyển đổi hộ kinh doanh thành doanh nghiệp thì mục tiêu 1 triệu doanh nghiệp vào năm 2020 là không bất khả thi", Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ nói.
Các doanh nghiệp phải khắc phục tình trạng "vốn mỏng"
Ảnh: Nam Nguyễn
Hiện nhiều doanh nghiệp cho rằng lãi suất vay vốn ngân hàng ở Việt Nam vẫn cao hơn nhiều các quốc gia khác trong khu vực, từ đó khiến họ khó cạnh tranh. Phó Thủ tướng cho rằng, lãi suất liên quan đến lạm phát, theo nguyên lý lãi suất thực dương.
"Như đã nói, điều hành lạm phát của chúng ta khác với các nước, vừa điều hành chỉ số giá này theo giá thị trường, vừa phải điều chỉnh giá dịch vụ công mà nhà nước quản lý theo sát với giá thị trường. Chúng ta đã phải mất một thời gian mới làm được việc này.
Các doanh nghiệp phải thay đổi và khắc phục tình trạng "vốn mỏng". Nhiều doanh nghiệp khi lập ra chủ yếu là "tay không bắt giặc", vốn tự có rất ít, chủ yếu đi vay".
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ
Tăng giá dịch vụ công để các đơn vị sự nghiệp tự chủ được, chúng ta phải tăng dần dần, vì cao quá thì người dân và ngân sách cũng không chịu được. Vấn đề về lạm phát như vậy nên lãi suất chưa thể thấp như các nước", Phó Thủ tướng cho hay.
Ngoài ra, theo Phó Thủ tướng, các doanh nghiệp cũng phải thay đổi và khắc phục tình trạng "vốn mỏng". Nhiều doanh nghiệp khi lập ra chủ yếu là "tay không bắt giặc", vốn tự có rất ít, chủ yếu đi vay. Đi vay nhiều dẫn đến chi phí tài chính quá lớn, làm giảm khả năng cạnh tranh và dẫn đến tình trạng lỗ.
"Một mặt chúng ta phải kiểm soát tốt lạm phát, kéo mặt bằng lãi suất cho vay xuống. Một mặt phải có quy định để giảm tình trạng "vốn mỏng" của các doanh nghiệp. Đầu tư, làm ăn mà chủ yếu bằng tiền của người khác, bằng vốn của ngân hàng thì không bền vững được", Phó Thủ tướng nói thêm.