(Tổ Quốc) - Chiều 15/6, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ được đề nghị giải trình thêm về những vấn đề liên quan đến tăng trưởng, thu chi ngân sách mà Phó Thủ tướng phụ trách.
Trả lời chất vấn của ĐB Trần Văn Minh (đoàn Quảng Ninh) về việc gần đây, GDP không đạt nhưng chi ngân sách lại tăng cao và việc chi ngân sách có cần phải tương thích với GDP? Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho rằng, GDP và thu - chi ngân sách có liên quan đến nhau nhưng không có nghĩa GDP giảm thì thu ngân sách cũng giảm.
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ (Ảnh: Nam Nguyễn) |
Phó Thủ tướng ví dụ, trong quý 1/2017, GDP tăng thấp, nhưng thu ngân sách lại cao và lý do là bởi cách tính giá dầu thô đối với GDP và ngân sách được áp dụng khác nhau.
Giải thích rõ hơn về thu – chi ngân sách, Phó Thủ tướng nói, thực tế, thu và chi ngân sách có mối quan hệ rất chặt chẽ với nhau. Thu và chi ngân sách đều được lập dự toán và do cấp có thẩm quyền quyết định. Một số địa phương, trên cơ sở dự toán do Quốc hội giao thì Hội đồng nhân dân thường giao thu tăng thêm để có thể chi tiêu nhiều hơn.
“Từ trước tới nay, khi có dấu hiệu giảm thu thì các địa phương đều nỗ lực giảm bớt chi, nhất là phần chi do Hội đồng nhân dân cấp tỉnh giao. Nhưng trong rất nhiều trường hợp thu ngân sách thấp trong khi chi vẫn theo dự toán, thậm chí còn cao hơn dự toán, do đó tình trạng bội chi tăng lên. Đây là một thực tế và quan ngại của đại biểu nêu là có cơ sở”, Phó Thủ tướng nói.
Đề cập đến giải pháp, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho biết, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết 07 về cơ cấu lại thu – chi ngân sách và đảm bảo bền vững an toàn nợ công.
“Theo đó, chúng ta phải cơ cấu lại thu – chi ngân sách. Phải triệt để tiết kiệm chi. Chỉ vay trong khả năng mà chúng ta trả được nợ và chi tiêu trong phạm vi của nền kinh tế. Khi thu không đạt dự toán thì phải chủ động đề xuất để có giảm chi tương ứng. Tất nhiên, trong một số trường hợp có lý do bất khả kháng như: thiên tai, dịch bệnh... khiến các địa phương giảm thu thì Trung ương vẫn phải hỗ trợ để đảm bảo các khoản chi cần thiết về an sinh, quốc phòng, phát triển kinh tế xã hội. Và những khoản chi không cần thiết như: lễ tân, tiếp khách, hội nghị, kể cả đi nước ngoài thì hoãn..”, Phó Thủ tướng cho hay.
Phó Thủ tướng cũng cho biết thêm, Chính phủ sẽ tiếp tục rà soát để hoàn thiện thể chế, tránh trường hợp ngân sách Trung ương giảm thu nhưng vẫn phải bù cho địa phương vì địa phương tăng chi cao hơn so với dự toán.
Trả lời câu hỏi của ĐBQH về việc quý I/2017 tín dụng tăng cao nhưng lại tăng trưởng thấp, vậy tín dụng đi đâu? Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho biết, tăng trưởng GDP phụ thuộc vào các yếu tố: vốn, lao động...Trong đó, vốn bao gồm cả vốn ngân sách, vốn tín dụng và vốn đầu tư của các thành phần kinh tế xã hội. Do vậy, ở đây không chỉ có vốn tín dụng tác động đến tăng trưởng.
“Thời gian trước đây, khi chúng ta tăng trưởng 7%, tín dụng phải tăng bình quân 33%/năm, cá biệt có năm tăng hơn 50%/năm. Nhưng gần đây chúng ta chúng ta chỉ tăng trưởng tín dụng ở mức 16% - 18% mà vẫn có mức tăng trưởng hơn 6%. Như vậy, chất lượng tăng trưởng vẫn thấy tương đối rõ”, Phó Thủ tướng lý giải.
Phó Thủ tướng cũng cho biết, Chính phủ chỉ đạo trong điều kiện hiện nay thì phải đảm bảo tăng trưởng tín dụng khoảng 18% nhưng hết sức coi trọng về chất lượng, đồng thời kiểm soát chặt chẽ cơ cấu về tín dụng./.
Hà Giang