Chúng tôi đã có một cuộc ở chơi và trò chuyện cùng ông suốt nửa ngày tại làng. Trong ba gian nhà ngoài của ngôi nhà ngói cũ, cao rộng, thấy chủ nhà bày đặt vừa phải những “hiện vật” minh chứng cho cuộc đời hoạt động văn chương và báo chí đậm đà - sôi nổi.
Chúng tôi đã có một cuộc ở chơi và trò chuyện cùng ông suốt nửa ngày tại làng. Trong ba gian nhà ngoài của ngôi nhà ngói cũ, cao rộng, thấy chủ nhà bày đặt vừa phải những “hiện vật” minh chứng cho cuộc đời hoạt động văn chương và báo chí đậm đà - sôi nổi.
Gian chính giữa nhà kê ban thờ gia tiên. Trên nền gạch hoa trải hai tấm chiếu rộng để ngồi xếp vòng nói chuyện và cơm rượu. Một gian kề bên đông kê tủ sách và bộ bàn trà. Một gian kế bên tây kê một kệ sách báo nhỏ cùng một bàn viết và một chiếc giường đôi để khách có thể nằm nghỉ. Tôi không biết lâu nay đã có bạn văn nào tìm đến thăm ông, nhưng chắc chắn với cách trình bày nhà cửa thế này là ông hay giành thời gian vui đùa cùng các cháu nhỏ ở làng và bà con lối xóm...
Làng văn Việt
Mấy người trong đoàn chúng tôi ngày đêm thăm ông đều thốt lên nhận xét: Thánh, thánh thật. Cụ là nhà văn, nhà biên tập báo Văn nghệ uy thế, sức lực thế, như bậc đạo sĩ thế ... thế mà chẳng đăng đàn, chẳng thỉnh giáo, chẳng nhắn anh này- gọi anh kia gì cả. Riêng tôi, kẻ hậu sinh bên phía đông bờ sông Thao vì sở thích cầm bút nên có được biết thấp thoáng về ông. Ông còn là “cha đẻ” của các tác phẩm: Tình cát sỏi - giải nhất Bút ký - Phóng sự của đài TNVN năm 1987; Ao làng - giải thưởng tiểu thuyết của Uỷ ban Nông nghiệp TW năm 1976; Ác mộng - giải thưởng văn học Hùng Vương năm 1991 của tỉnh Vĩnh Phú (Phú Thọ); và nhiều tác phẩm khác. Tôi rất biết và ngưỡng mộ miền quê phía tây sông Thao. Ở phía ấy, giáp làng của nhà văn NNB là quê hương bản quán của nhà thơ Bút Tre kì lạ của nước Việt một thủa. Dịch vào núi Thanh Sơn một đoạn là “sào huyệt cắm bản” của nhà văn lão làng Sao Mai - Tân Khải Minh. Cũng loanh quanh rộng ra có các hàng xóm văn chương như Hoàng Quý, Trần Quang Quý, Văn Chinh, Nguyễn Tham Thiện Kế, Hà Văn Thể, Nguyễn Hưng Hải, Đỗ Quý Bông, Đỗ Thị Thu Hiên ... Cũng lại có cả các hàng xóm là những tác giả trẻ đang triển vọng như: Nguyễn Thị Kim Uyên, Phạm Việt Đức, Phùng Kim Trọng...
Tôi còn nhớ, trong tiểu thuyết Mênh mang cổng trời (NXB Thanh niên - 1996) Ngô Ngọc Bội có dựng một nhân vật văn học mang bóng dáng chính một phần cuộc đời - con người tác giả. Nhưng chưa kết thúc thiên truyện, đã là cảnh một đám tang “hoành tráng” nói về sự ra đi vĩnh viễn, mau mắn và êm đẹp của nhân vật ưu tú đó. Ngày ấy, đọc được như vậy tôi mơ hồ nghĩ ngợi: sao nhà văn lại lẩn thẩn, khiêm nhường, dành về mình sự ưu ái của tạo hoá lạ thế. Bây giờ nghĩ lại, tôi nhận ra thêm giá trị về cái đẹp, về sự mạc khải của trời - đất và những điều khác nữa đã có ở nơi ông. Ông đã nhận thấy cuộc đời là một “đường trường” cứ thế mà đi thôi, đừng đứng lại, đừng quay lại, cũng đừng quá vội vàng - hãy đi đi và đừng tính toán hơn thiệt. Tính chẵn, trong 45 năm (năm 1960-2005) nghiệp cầm bút, nhà văn NNB đã cho xuất bản 15 tập truyện ngắn và tiểu thuyết, cùng khoảng 80 bài bút kí - phóng sự - ghi chép văn học, in trên các báo có uy tín. Phần lớn nội dung các tác phẩm đó đều hướng về số phận người nông dân và đời sống nông thôn, những hoạt động đời sống tình cảm và sản xuất trong nông dân - nông nghiệp. Không gian và thời gian nghệ thuật trong các tác phẩm văn chương của Ngô Ngọc Bội thường cách điệu từ không gian và thời gian đời thật của chính miền quê trung du Phú Thọ. Điều ấy nói lên tác giả là nhà văn luôn đau đáu, trăn trở về sự vận động và phát triển từ trên chính quê hương máu thịt của mình nói riêng, sau đó là rộng ra cả nước nói chung. Nếu đọc các tác phẩm văn chương của nhà văn NNB, tôi nghĩ rằng chúng ta sẽ nhận được thoả đáng, bao quát một cách nhìn, một cách đánh giá, một kiến giải chuyển dịch tích cực cho vận động đi lên của làng quê, của địa phương chúng ta mỗi chặng đường. Tôi dám nghĩ như vậy vì tin tưởng ông, thế hệ ông. Thế hệ ông, ít có nhà văn nào trưởng thành mà lại thoát ly tính nhân văn và tính giai cấp. Thái độ chính trị trọng dân và phẩm cách công dân chân chính là lý tưởng, là lẽ sống của ông, thời đại ông.
"Ngô Ngọc Bội là một hiện tượng khá độc đáo trong văn học. Nhà văn Xuân Cang cho rằng: "Ngô Ngọc Bội là một kiểu Võ Huy Tâm trong văn học đề tài nông thôn, không có cách mạng, không có văn học cách mạng thì không khám phá, phát hiện và đào tạo ra anh". Bạn bè thân thiết vừa cảm mến, vừa thấu hiểu gọi anh là "người chỉ đi một chân": chỉ làm văn chương; chỉ viết một thể loại (văn xuôi), chỉ viết về nông thôn, về người nông dân và cũng chỉ dành ngòi bút mình cho một vùng quê đồi trung du...". Và ông, "Khác với nhiều cây bút viết về nông thô, Ngô Ngọc Bội không chú tâm về nông nghiệp. Đối tượng của ngòi bút của ông là người nông dân. Anh không sa đà trong việc minh hoạ chính sách nông nghiệp...". (Trích bài viết về chân dung nhà văn NNB của tiến sĩ văn học Mai Hương, rút trong cuốn Nhà văn hiện đại Vĩnh Phú- xuất bản năm 1995).
Viết mấy dòng nhỏ này về ông, tôi vẫn chưa hết áy náy và ngại ngùng (là tự nghĩ thế chứ ông đâu biết) rằng: vì sao mấy bận gặp, hẹn ở Việt Trì mà mãi vừa rồi tôi mới cùng nhóm bạn ở Hà Nội lên quê thăm ông; và "ra làm sao" mà Đường trường khuất khúc (tiểu thuyết mới nhất của ông - NXB.QĐND 2003) lại không được giải A, mà chỉ là giải B - giải thưởng VH 5 năm 2001 - 2005 của tỉnh Phú Thọ. Khi ngồi nâng chén rượu (Tây xịn của Thọ Muối cho đấy - lời nhà văn giải thích) sáng như mầu mật ong quê đồi đã lưu cữu trong nhà ông đến cả chục năm, tôi mới ngà ngà mấy lần định "kiếm chuyện thanh minh". Thưa nhà văn NNB, cái hồi xét giải VH ấy mà, trong "hội đồng của chúng tôi" có ý kiến phát ra: "Ông này có trung ương lo rồi, ta nhắm sang người khác". Đôi khi ở phố, người ta "xếp cỗ" đơn giản thế thôi.
Tôi đọc tập tự truyện Bản nháp ghi bằng máy chữ mà ông tin tưởng giao cho mượn. Khi đưa, ông nói vui: "Đọc xem có biết thêm được gì thì viết hoặc trích ra đăng ở đâu đó cũng được". Tôi chưa biết bắt đầu với lời dặn xuề xoà mà tín nghĩa ấy của ông sao đây. Nhưng tôi đã tâm đắc với câu ông tự hào giới thiệu Cụ Tổ tám đời của mình là Tráng sĩ. Xin kính trọng được gọi ông một cách tâm can - thưa nhà văn NNB - ông là một tráng sĩ nhân văn trong các nhà văn Việt
Dòng Thao suốt năm ngàu đỏ phù sa, mải miết xuôi xuôi cách làng cổ Phú Khê một quãng ruộng đồi. Sông có hay, trong ngôi làng khuất bên sông ấy, có một Người Văn thật tráng trí, cùng miên man thao thức, sống đầy đặn với đời người, đời văn!
Nhà văn Ngô Ngọc Bội, sinh ngày 7 tháng 11 năm 1929 tại quê gốc: xã Phú Khê, huyện Sông Thao, tỉnh Phú Thọ. Hiện thường trú tại quê nhà. Ngô Ngọc Bội đã tham gia thanh niên Cứu quốc tại xã từ 1945-1948. Cán sự huyện đội Cẩm Khê (1948-1949). Cán bộ thông tin tuyên truyền huyện Đà Bắc rồi tỉnh Hoà Bình (1949-1957). Công tác tại Ty Văn hoá Phú Thọ rồi Vĩnh Phúc (1957-1958). Từ 1968-1993 ông là cán bộ biên tập Tuần báo Văn nghệ. Hiện ông đã nghỉ hưu. Tác phẩm đã xuất bản: Chị Cả Phây (truyện ngắn, 1963), Ao làng (tiểu thuyết, 1975); Lá non (tiểu thuyết, 1987) Ác mộng (tiểu thuyết, 1990); Gió đưa cành trúc (tiểu thuyết, 1992); Mênh mang cổng trời (tiểu thuyết, 1996); Những mảnh vụn (truyện ngắn, 1996); Tơ vương (tiểu thuyết, 2000); Đường trường (tiểu thuyết, 2001;) Đường trường khuất khúc (tiểu thuyết, 2003); Ẩm ương đi lấy chồng (truyện ngắn, 2005). |
NGÔ KIM ĐỈNH
(Văn nghệ)