(Tổ Quốc) - Sáng 28/2, đại diện UBND TP. Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa cho biết, TP. Nha Trang vừa có văn bản thông báo về việc dừng tổ chức Lễ hội Cầu ngư diễn ra tại phường Vĩnh Trường, TP Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa.
- 23.02.2020 Tạm ngưng tổ chức Lễ hội Văn hóa dân gian tỉnh Khánh Hòa năm 2020
- 31.01.2020 Bộ VHTTDL: Trường hợp cần thiết sẽ tạm ngừng tổ chức lễ hội
- 31.01.2020 Bộ VHTTDL đề nghị tạm ngừng tổ chức Lễ hội Chọi trâu Phù Ninh năm 2020, phòng chống dịch bệnh Corona
- 04.09.2018 Nghị định quy định về quản lý và tổ chức lễ hội: Lần đầu tiên có quy định tạm ngừng tổ chức lễ hội
Theo đó, căn cứ vào chỉ đạo của Bộ VHTTDL và của UBND tỉnh Khánh Hòa về việc tăng cường phòng, chống dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do virus corona chủng mới (Covid-19) gây ra, trong hoạt động lễ hội, di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh, lãnh đạo TP. Nha Trang đề nghị dừng việc tổ chức Lễ hội Cầu ngư nói trên để bảo đảm công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19.
Lễ hội Cầu ngư được ngư dân tổ chức vào khoảng thời gian sau Tết Nguyên đán hàng năm, khi bước vào mùa biển mới, nhằm tạ ơn vị Thần Nam Hải (cá voi) và các bậc tiền nhân đã phù trợ cho ngư dân trong những chuyến ra khơi, được mùa trong vụ biển mới. Phần quan trọng nhất của Lễ hội Cầu ngư là nghi thức cúng tế tại lăng thờ Thần Nam Hải. Chủ trì nghi thức này gồm có 4 ông: Chánh tế, Bồi tế, Tả ban và Hữu ban cùng 4 học trò lễ dâng rượu và đèn. Lễ hội Cầu ngư mở đầu bằng rước Thần Nam Hải về lăng. Kết thúc lễ hội là lễ cúng Tống na, tức tiễn thần đi.
Lễ hội Cầu Ngư, thờ cúng Cá Ông là một hiện tượng văn hóa dân gian tiêu biểu của ngư dân ven biển, đặc biệt là ven biển Nam Trung bộ. Lễ hội cúng Cá Ông có vị trí đặc biệt trong đời sống tâm linh và tín ngưỡng của cộng đồng ngư dân, đặc biệt là ngư dân các làng vạn chài. Qua thời gian, lễ hội càng được củng cố trong cộng đồng ngư dân ven biển và trở thành lễ hội truyền thống của bà con ngư dân.
Lễ hội Cầu ngư đã được Bộ VHTTDL công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia vào tháng 6/2014./.