(Tổ Quốc) - Trung tâm Doping – Y học Thể thao Việt Nam đã cử các cán bộ đồng hành cùng các Trung tâm Huấn luyện Thể thao quốc gia để tuyên truyền, kiểm soát trong việc triển khai nhiệm vụ liên quan tới Doping tới từng VĐV, HLV.
Để chuẩn bị cho kỳ Đại hội Thể thao Đông Nam Á lần thứ 32 (SEA Games 32) được tổ chức tại Campuchia vào tháng 5 tới đây, ở thời điểm hiện tại, các đội tuyển đều đã tập trung tập luyện tại các trung tâm, một số môn đã đi tập huấn. Bên cạnh đó, các bộ môn tiếp tục triển khai hai nhiệm vụ liên thông từ SEA Games đến ASIAD. Ngay sau SEA Games, các môn, các VĐV trọng điểm tham dự ASIAD sẽ khẩn trương trở lại tập luyện chuẩn bị.
Ngoài công tác về chuyên môn, trong các buổi làm việc của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Tổng cục TDTT, vấn đề phòng, chống Doping là một trong những trọng tâm được đặt lên hàng đầu. Rút kinh nghiệm từ SEA Games 31, ở kỳ SEA Games 32 lần này công tác Doping được lãnh đạo Bộ và ngành TDTT đặc biệt quan tâm và đưa ra nhiều yêu cầu quản lý sát sao VĐV.
Trong tháng 3 vừa qua, VADA đã phối hợp với 4 Trung tâm Huấn luyện Thể thao quốc gia trên cả nước gồm Hà Nội, TP. HCM, Đà Nẵng và Cần Thơ tổ chức các lớp tập huấn kiến thức phòng, chống Doping cho hơn 500 VĐV, HLV; Đồng thời tổ chức truyền thông về phòng, chống Doping tại giải Vô địch quốc gia của một số môn thể thao; Tập huấn phòng, chống doping cho 2 đơn vị địa phương là Sở VHTTDL tỉnh Bình Dương và TP Cần Thơ.
Theo ông Nguyễn Văn Phú, Giám đốc Trung tâm Doping – Y học Thể thao Việt Nam (VADA), để có được sự kiểm soát chặt chẽ, định hướng tốt nhất cho các VĐV, bên cạnh công tác đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục, cập nhật liên tục danh sách các chất cấm, VADA đã cử các cán bộ đồng hành cùng các huấn luyện TTQG để tuyên truyền, kiểm soát trong việc triển khai nhiệm vụ liên quan tới Doping tới từng VĐV.
Bên cạnh đó, cơ quan chịu trách nhiệm về Doping của ngành cũng tiến hành tăng cường lực lượng y, bác sĩ về phục hồi, dinh dưỡng cho các vận động viên, qua đó, hạn chế tới mức tối đa việc VĐV Việt Nam vi phạm sử dụng các chất Doping nằm trong danh mục cấm.
“Ý thức sử dụng thuốc và thực phẩm chức năng của các VĐV cần được nâng cao. Các loại thuốc, thực phẩm chức năng chỉ được phép sử dụng khi có ý kiến của bác sĩ, BHL. Mọi trường hợp chấn thương, nếu phải sử dụng thuốc cần được xem xét làm hồ sơ miễn trừ, đảm bảo an toàn khi sử dụng các biện pháp điều trị" - ông Nguyễn Văn Phú nhấn mạnh.
Theo kế hoạch của VADA trong tháng 4, đơn vị sẽ tiếp tục tổ chức truyền thông về phòng, chống Doping tại giải vô địch cho các VĐV người khuyết tật tại Đồng Nai, TP Hồ Chí Minh.
Bên cạnh đó, nội dung tuyên truyền cũng sẽ được định hướng tập trung vào các mục chính như quy trình kiểm tra Doping; Khai báo hồ sơ nơi ở, tập luyện, thi đấu của các VĐV... đối với từng đối tượng cụ thể gồm các HLV, VĐV đội tuyển quốc gia, các HLV, VĐV đội trẻ, các cán bộ quản lý, y tế...
Đối với HLV đội tuyển quốc gia và đội tuyển trẻ quốc gia, VADA sẽ tập trung vào các nội dung tuyên truyền về các quy định về kiểm tra Doping, quy trình kiểm tra Doping và những điểm cần lưu ý. Với cán bộ quản lý và y tế gồm các nội dung quy định về miễn trừ do điều trị và quy trình khi nộp hồ sơ xin miễn trừ do điều trị cho VĐV.
Truyền thông tại các địa phương với đối tượng là các VĐV tuyến 1, tuyến trẻ và tuyến năng khiếu; HLV và cán bộ quản lý sẽ được phổ biến về kiến thức chung trong phòng chống doping; Những lưu ý khi được yêu cầu kiểm tra doping trong và ngoài thi đấu.
Truyền thông những kiến thức và những quy định về phòng, chống doping; Những lưu ý khi được yêu cầu kiểm tra doping trong thi đấu tại các giải thể thao và liên đoàn đối với các VĐV và HLV tham dự giải.
Nội dung truyền thông đối với nhóm VĐV đăng ký kiểm tra (RTP) và Nhóm kiểm tra (TP) sẽ gồm việc Khai báo hồ sơ nơi ở, nơi tập luyện và thi đấu của VĐV (Whereabouts); Quy trình lấy mẫu kiểm tra và những điểm cần lưu ý khi được yêu cầu kiểm tra Doping; Các Quy định kiểm tra doping trong và ngoài thi đấu./.