• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Phòng chống sốt xuất huyết: Vẫn còn tình trạng “trên nóng, dưới lạnh”

Sức khỏe 26/07/2017 12:53

(Tổ Quốc) - Đó là khẳng định của PGS.TS Trần Đắc Phu - Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng, Bộ Y tế, trong cuộc họp báo về tình hình và các hoạt động phòng chống dịch bệnh sốt xuất huyết diễn ra vào sáng 26/7.

17 trường hợp tử vong do sốt xuất huyết

Theo tổ chức Y tế thế giới, bệnh sốt xuất huyết đang diễn biến phức tạp, gia tăng về phạm vi và số lượng người mắc bệnh qua từng năm tại nhiều quốc gia. Hiện bệnh lưu hành tại 128 quốc gia, hằng năm có khoảng 390 triệu người nhiễm bệnh.

Toàn cảnh họp báo.

Tại Việt Nam, bệnh sốt xuất huyết lưu hành ở hầu hết các tỉnh, thành phố nhưng tập trung chủ yếu ở các tỉnh miền Nam và miền Trung. Giai đoạn từ năm 1980 - 1999, trung bình mỗi năm có khoảng 300 - 400 trường hợp tử vong, có năm dịch bùng phát có trên 1.500 người tử vong do sốt xuất huyết (1983, 1987). Giai đoạn 2000 - 2015, con số tử vong mỗi năm đã giảm xuống gần 100 trường hợp.

Chỉ tính riêng 7 tháng đầu năm 2017, cả nước ghi nhận 58.888 trường hợp mắc (tăng 9,7% so với năm 2016), trong đó 17 trường hợp tử vong do sốt xuất huyết. Số ca mắc bệnh vẫn tập trung chủ yếu tại khu vực miền Nam (64,4%), miền Trung (19,9%). Khu vực miền Bắc có tỷ lệ mắc thấp hơn (12,4%), tuy nhiên gần đây số ca mắc lại có chiều hướng gia tăng tại Hà Nội.

Nguyên nhân do mùa hè đến sớm

Theo PGS.TS Trần Đắc Phu - Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng, Bộ Y tế: "Nguyên nhân của sự gia tăng dịch bệnh sốt xuất huyết trong thời gian qua là do mùa hè đến sớm, nhiệt độ trung bình tại hầu hết các khu vực cao hơn những năm trước dẫn đến véc tơ truyền bệnh phát triển mạnh."

PGS.TS Trần Đắc Phu - Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng, Bộ Y tế.

Cùng với đó, tập quán tích trữ nước của người dân chưa có thay đổi đáng kể, tốc độ đô thị hóa nhanh, môi trường tại các công trường xây dựng, nhà máy, xí nghiệp, lán trại không được quan tâm xử lý dẫn đến phát sinh các ổ loăng quăng, phát triển thành muỗi truyền bệnh.

Cũng theo PGS.TS Trần Đắc Phu, hiện công tác phòng chống sốt xuất huyết tại một số địa phương vẫn chưa đạt kết quả cao do người dân chưa chủ động phối hợp với các cơ quan chức năng. Đồng thời, việc triển khai biện pháp phun hóa chất và diệt loăng quăng, bọ gậy ở khu vực thành thị gặp nhiều khó khăn, chưa triệt để, nhiều địa phương gặp khó khăn về kinh phí.

PGS.TS Trần Đắc Phu khẳng định, hiện nay, công tác phòng chống dịch bệnh sốt xuất huyết tại một số tỉnh thành vẫn còn tình trạng “trên nóng dưới lạnh”.

Khuyến cáo của Bộ Y tế

Trước diễn biến phức tạp và nguy cơ của dịch bệnh, Bộ Y tế đã triển khai nhiều giải pháp đồng bộ cụ thể như: phát động chiến dịch diệt loăng quăng, bọ gậy bằng cách phun hóa chất trên diện rộng; tổ chức tập huấn cho cán bộ y tế dự phòng và điều trị từ Trung ương tới địa phương.

Để ngăn chặn dịch bệnh bùng phát, lan rộng và kéo dài trong thời gian tới, Bộ Y tế khuyến cáo mạnh mẽ mỗi cộng đồng thực hiện việc đậy kín tất cả các dụng cụ chứa nước để muỗi không đẻ trứng; Hàng tuần thực hiện các biện pháp diệt loăng quăng, bọ gậy bằng cách thả cá vào dụng cụ chứa nước. Loại bỏ các vật liệu phế thải, các hốc nước tự nhiên không cho muỗi đẻ trứng.

 Đồng thời, khi ngủ cần giăng màn, mặc quần áo dài phòng muỗi đốt ngay cả ban ngày. Tích cực phối hợp với ngành Y tế trong các đợt phun hóa chất phòng, chống dịch. Khi bị sốt đến ngay các cơ sở y tế để được khám và tư vấn điều trị. Đặc biệt là không được tự ý điều trị tại nhà.

Thế Công

Thế Công

NỔI BẬT TRANG CHỦ