• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Phổng rộp toàn thân vì mẹ tắm lá khi con bị thủy đậu

Sức khỏe 29/03/2017 21:53

(Tổ Quốc) - Một bé trai 4 tháng tuổi ở Phúc Thọ (Hà Nội) bị nhiễm độc da toàn thân do mẹ tắm lá chữa thủy đậu.

Chiều 29/3, khoa Truyền nhiễm BV Nhi Trung ương cho biết, đã tiếp nhận một bé trai 4 tháng tuổi tên Nguyễn Trung Đức ở Phúc Thọ - Hà Nội trong tình trạng toàn thân ở loét, các nốt phát ban chảy nước, bốc mùi tanh và không thể bú mẹ do tổn thương vùng miệng.

Qua thăm khám, xét nghiệm, các bác sĩ cho biết bệnh nhi bị nhiễm trùng- nhiễm độc da rất nặng. Bé lập tức được đưa vào phòng điều trị cách ly vô trùng. Chỉ một ngày sau, các tổn thương trên da của bé đã bắt đầu se lại. Đến nay, sau 5 ngày nhập viện, bé bú tốt, ngủ ngoan, vết thương toàn thân đã khô và bắt đầu bong vảy.

Trước đó, ngày 23/3 bé Đức được gia đình đưa đến Khoa Truyền nhiễm - BV Nhi Trung ương trong tình trạng cơ thể lở loét, các nốt phát ban chảy nước, bốc mùi hôi tanh, cháu khóc liên tục do tổn thương vùng miệng khiến bé không thể bú mẹ.

Mẹ cháu bé cho biết, cách đó 4 hôm, khi thấy trên người con xuất hiện các nốt phỏng thủy đậu, muốn con nhanh khỏi chị đã lấy lá thuốc nam nấu nước tắm cho con. Chị không ngờ sau khi tắm, các nốt phỏng càng phồng rộp, lở loét và chảy nước.

Ths.BS Đỗ Thiện Hải, Phó trưởng khoa Truyền nhiễm, Bệnh viện Nhi Trung ương cho biết, hiện vẫn còn nhiều người dân, đặc biệt ở vùng nông thôn, vùng sâu vùng xa giữ thói quen dùng các loại thuốc nam không rõ nguồn gốc để tự chữa bệnh ngoài da cho trẻ. Việc tắm cho trẻ bằng nước lá cây khi trẻ bị thủy đậu dễ gây ra tình trạng nhiễm độc da toàn thân như trường hợp bé Đ.

Theo bác sỹ Hải, thủy đậu là một bệnh lành tính, khi phát hiện trẻ bị thủy đậu, nếu vệ sinh da đúng cách, bệnh sẽ nhanh hồi phục. Tuyệt đối không kiêng tắm, mà cần tắm rửa sạch sẽ. Khi tắm xong, cần dùng khăn xô mềm lau người nhẹ nhàng cho trẻ nhưng tuyệt đối không được làm vỡ mụn. Không mặc cho trẻ quần áo dày, cứng tránh cọ xát gây vỡ mụn... Sau tắm cần bôi sát trùng, không được cậy vỡ các nốt trên da vì dưới nền các mụn nước đó lớp da mới chưa đầy đủ chức năng ngăn chặn nhiễm khuẩn.

Bs cũng lưu ý các bậc phụ huynh, khi trẻ xuất hiện vài ba nốt thủy đậu, cần cách ly với tất cả các trẻ khác, kể cả người lớn chưa bị bệnh này, nếu không nguy cơ lây lan rất nhanh. Trong suốt thời gian bị bệnh, cần cho trẻ ăn uống đầy đủ dinh dưỡng, ăn những đồ dễ tiêu, không nhất thiết phải kiêng khem trừ khi trẻ bị dị ứng với loại thực phẩm nào đó. Cắt móng tay để ngăn trẻ gãi trầy vết phỏng. Trong trường hợp phỏng nước vỡ nhiều nên đưa trẻ đi khám để được hướng dẫn điều trị, tránh nguy cơ nhiễm trùng./.

Tuấn Minh (t/h)

NỔI BẬT TRANG CHỦ