• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Phòng trị bệnh tụ huyết trùng ở vịt

Sức khỏe 18/04/2017 21:22

Vào thời điểm giao mùa, bệnh tụ huyết trùng khiến đàn vịt chết nhanh, tỷ lệ tử vong cao, thiệt hại lớn cho người chăn nuôi, do đó cần tìm hiểu các biện pháp hữu hiệu để phòng và trị bệnh hiệu quả.

Tác nhân gây bệnh

Tụ huyết trùng là bệnh truyền nhiễm cấp tính, nhiễm trùng máu, thường xảy ra ở các loại gia cầm, động vật hoang dại, do vi khuẩn Pasteurella multocida gây ra. Bệnh xảy ra trên toàn thế giới, phổ biến ở vùng nhiệt đới và trầm trọng hơn ở vùng ôn đới. Bệnh có thể xảy ra ở tất cả loại gia cầm, nhưng gà, vịt thường mắc bệnh nghiêm trọng nhất và có thể tạo nên các trận dịch lớn, gây thiệt hại nặng nề. Bệnh xảy ra ở mọi lứa tuổi, lúc gia cầm bị stress hoặc lúc giao mùa, bệnh diễn biến nhanh và gây tỷ lệ tử vong cao.

Tiêm phòng vaccine cho vịt - Ảnh: Alamy.com

 Triệu chứng

Tùy vào độc lực của mầm bệnh mà vịt có thể mắc bệnh nặng hay nhẹ.

- Thể quá cấp tính: Vịt chết rất nhanh nên không kịp quan sát triệu chứng bệnh. Tỷ lệ chết có khi lên tới hơn 50% tổng số đàn. Vịt đẻ thường vỡ trứng và chết.

- Thể cấp tính: Vịt ủ rũ, xiêu vẹo, bỏ ăn, xù lông, đi lại chậm chạp hoặc bị liệt chân; Mũi, miệng chảy nhiều nhớt, sủi bọt và có lẫn máu. Khi bệnh nặng, vịt bị ỉa chảy, phân loãng có màu đen xám, xanh hoặc vàng, vịt sốt 43 - 44oC, khát, nằm bẹp; Mặt tụ máu, không có triệu chứng thần kinh. Vịt thường chết sau 2 - 5 ngày, tỷ lệ chết thường cao về đêm. Bệnh xảy ra trên vịt đẻ làm trứng non méo mó.

- Thể mãn tính: Vịt có triệu chứng chảy nước mắt, mũi, tiêu chảy, lông xung quanh hậu môn dính bết, gầy ốm rất nhanh và không đứng vững, thường rớt lại phía sau đàn. Nếu bị xua đuổi, vịt thường loạng choạng đi không vững. Tỷ lệ chết 5 - 80% tùy vào độc lực của vi khuẩn và điều kiện môi trường.

 Bệnh tích

Khi mổ khám, thấy vịt có những bệnh tích sau:

- Trường hợp cấp tính: Màng tim bị viêm có dịch vàng; Màng gan bị viêm có lớp dịch fibrin mỏng; Túi khí thường hơi đục hoặc dày lên ở một số điểm; Xuất hiện tụ máu và xuất huyết ở các tổ chức liên kết dưới da, các xoang và cơ quan trong cơ thể; Phổi tụ máu.

- Trường hợp mãn tính: Màng tim, màng gan, túi khí viêm nặng và dai, chắc và khó cắt, lớp bã đậu trắng bao phủ toàn bộ mặt trước của phổi; Ở xoang mắt cũng xuất hiện chất bã đậu trắng; Buồng trứng, ống dẫn trứng bị viêm, sưng to, màu vàng nhạt, chứa đầy nước.

Phòng bệnh

Có thể phòng bệnh cho vịt bằng cách tiêm phòng vaccine hoặc kháng huyết thanh. Tuy nhiên, đảm bảo đầy đủ các điều kiện vệ sinh và dinh dưỡng cho vịt là yếu tố cần thiết. Xây dựng chuồng trại phải khô ráo, thoáng mát; Diện tích chuồng nuôi phải phù hợp; Phải có chuồng nuôi cách ly đàn vịt mới nuôi hoặc đàn vịt ốm; Thường xuyên vệ sinh, tiêu độc khử trùng khu vực chuồng nuôi, dụng cụ chuồng nuôi; Định kỳ tiến hành sát trùng toàn bộ chuồng nuôi, ngâm dụng cụ chăn nuôi bằng thuốc sát trùng như Povidine 10%, Chlorine… Nuôi vịt với mật độ thích hợp; Cho vịt ăn uống đầy đủ dưỡng chất đảm bảo vệ sinh; Thường xuyên bổ sung vitamin, men tiêu hóa, khoáng chất… để tăng cường sức đề kháng cho vịt nuôi. Cần phải thu gom, tiêu hủy ngay các con vịt ốm, chết; Tiến hành vệ sinh chuồng trại, thu gom phân rác để ủ hoặc chôn; Phun thuốc sát trùng chuồng trại, tẩy uế, sát trùng toàn bộ dụng cụ chăn nuôi; Báo cho cơ quan thú y địa phương được biết để tìm biện pháp phòng chống. Người nuôi không nên tự ý sử dụng kháng sinh để phòng bệnh cho vịt, bởi như vậy sẽ gây ra tình trạng kháng thuốc, lạm dụng kháng sinh và việc điều trị bệnh sẽ trở nên khó khăn hơn.

 Trị bệnh

Bệnh do vi khuẩn gây ra nên có thể điều trị có kết quả với kháng sinh. Điều trị bằng cách sử dụng thông qua tiêm và cho vịt uống hoặc thức ăn. Khi phát hiện vịt bị bệnh, tiến hành tiêm kháng sinh Streptomixin cho toàn đàn với lượng 1g/10 vịt lớn, tiêm liên tục 3 - 5 ngày; Hoặc sử dụng Penicillin để tiêm với lượng 30.000 đơn vị/kg thể trọng liên tục trong 3 - 5 ngày. Hay cho vịt uống Sunfametazin 120 mg/kg thể trọng trong 3 - 5 ngày. Kết hợp với việc sử dụng kháng sinh để điều trị bệnh, cần bổ sung thêm các chất tăng sức đề kháng cho vịt như gluco-KC, điện giải… Đồng thời, phải tiến hành sát trùng, diệt khuẩn chuồng trại cũng như dụng cụ cho ăn uống của vịt để tránh lưu lại mầm bệnh hoặc lây lan ổ dịch.

Theo nguoichanuoi.vn

 

NỔI BẬT TRANG CHỦ