• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Phong vị Tết xưa cũ của người Hà Nội

Văn hoá 01/02/2024 16:42

(Tổ Quốc) - Nhân dịp Xuân Giáp Thìn 2024, ngày 1/2, Bảo tàng Hà Nội phối hợp với các tổ chức, cá nhân tổ chức nhiều hoạt động mừng Đảng, mừng Xuân, giới thiệu các giá trị văn hóa truyền thống, đặc biệt là phong vị Tết xưa Hà Nội.

Đầu tiên là trưng bày chuyên đề "Phong vị Tết xưa Hà Nội" với nhiều hoạt động hấp dẫn gợi lại các phong tục đẹp của Tết cổ truyền Hà Nội. Trưng bày giới thiệu phong tục gói bánh chưng; tục dựng cây nêu; chơi câu đối, chơi tranh, xin chữ ngày Tết; thú chơi cây cảnh ngày Tết; pháo Tết; chợ Tết (xưa và nay).

Phong vị Tết xưa cũ của người Hà Nội - Ảnh 1.

Các nội dung trưng bày chuyên đề "Phong vị Tết xưa Hà Nội" qua bộ ảnh sưu tầm trong nước và nước ngoài

Các nội dung trưng bày được thể hiện qua bộ ảnh sưu tầm trong nước và nước ngoài, kết hợp với nghệ thuật sắp đặt trong không gian trưng bày Nếp xưa đã gợi lại những phong tục, tập quán và nét đẹp văn hóa truyền thống gắn với Tết cổ truyền dân tộc.

Cùng với triển lãm, Bảo tàng tổ chức tọa đàm "Phong vị Tết xưa Hà Nội" nhằm giúp công chúng hiểu rõ hơn các câu chuyện xung quanh nội dung trưng bày "Phong vị Tết xưa Hà Nội". Các diễn giả đã trao đổi về chủ đề phong tục chuẩn bị Tết xưa người Hà Nội, tục lệ chúc Tết truyền thống.

Phong vị Tết xưa cũ của người Hà Nội - Ảnh 2.

Kết hợp với nghệ thuật sắp đặt trong không gian trưng bày Nếp xưa

Chia sẻ về phong tục chuẩn bị Tết xưa của người dân Hà Nội, PGS. TS Bùi Xuân Đính (ĐH Mở Hà Nội) cho biết: Tết Nguyên đán là một trong những ngày lễ đặc sắc nhất của người Việt Nam. Tết xưa diễn ra trong 3 ngày, nhưng để có được 3 ngày đó, các cụ, cha ông đã phải có hành trình chuẩn bị Tết rất lâu dài và chu đáo. Xưa kia cuộc sống của người Việt rất khó khó khăn, quanh năm phải ăn tiêu rất tiết kiệm để dồn cho mấy ngày tết no đủ. Hơn nữa, một số món ăn chỉ ngày Tết mới có như bánh chưng, thịt đông… Nồi bánh chưng gần như là tâm điểm của ngày Tết với đỗ xanh, thịt lợn.

Tết còn là sự lạ mới – trên nền cũ bởi nhà cửa, ngõ xóm đường làng đến Tết đều được trang hoàng lại, dọn dẹp sạch sẽ như đổi mới. Cảnh sắc làng xóm thay đổi cùng với bộ áo mới mà ngày xưa mỗi năm chỉ có ngày Tết mới mua. Cùng với niềm tin của mọi người thể hiện ở nét mặt hân hoan, tạo ra không khí rất Tết rất đầm ấm".

Phong vị Tết xưa cũ của người Hà Nội - Ảnh 3.

PGS. TS Bùi Xuân Đính chia sẻ tại tọa đàm

"Hành trình chuẩn bị Tết rất nhiều việc, mỗi việc có yêu cầu riêng, đều phải tỉ mỉ, chu đáo, đòi hỏi sự đồng tâm hiệp lực, lao động tích cực của các thành viên trong gia đình" - PGS. TS Bùi Xuân Đính cho biết thêm.

Còn theo TS Trần Đoàn Lâm, nguyên Giám đốc Nhà xuất bản Thế giới, Tết là một quá trình đổi mới, vì theo nguyên tắc của thuyết học phương Đông: Xuân sinh, Hạ trưởng, Thu thu và Đông tàn. Khi bắt đầu sang năm mới, Tết chính là Tiết. Nguyên thủy hơn nữa chính là một đoạn tre, nối lại là một tiết. Chính vì vậy, Tết là thời gian chuyển mình giữa một mùa này sang mùa khác. Khi tất cả đều mới, người ta có xu hướng kiểm điểm những gì đã làm trong năm vừa qua và ước vọng năm mới. Nếu không thì xã hội loài người không tồn tại được.

Phong vị Tết xưa cũ của người Hà Nội - Ảnh 4.

Các diễn giả chia sẻ tại tọa đàm

"Ý nghĩa của lời chúc biểu hiện tình cảm, ước vọng của con người với những gì tốt đẹp năm cũ chưa làm được thì năm mới sẽ làm. Ước vọng đó là động lực để người ta sống, làm việc, hy vọng trong năm mới gặt hái được nhiều thành công mới. Cho nên bản thân con người rất phấn khởi. Con cháu chúc ông bà bố mẹ, mọi người chúc nhau cũng phản ánh sự phát triển của con người trong mùa xuân cũng như ước vọng của con người" - TS Trần Đoàn Lâm nhấn mạnh.

Trong khuôn khổ hoạt động, Bảo tàng Hà Nội cũng trưng bày chuyên đề "Năm Thìn kể chuyện Rồng", một linh vật của năm, đồng thời, cũng là linh vật gắn liền với đất Thăng Long - Hà Nội.

Phong vị Tết xưa cũ của người Hà Nội - Ảnh 5.

Phong vị Tết xưa cũ của người Hà Nội - Ảnh 6.

Các hình tượng rồng được trưng bày tại bảo tàng

Trưng bày giới thiệu hơn 100 tài liệu, hiện vật nhằm làm rõ biểu tượng rồng trong kiến trúc các công trình tôn giáo tín ngưỡng, qua bộ sưu tập hiện vật của Bảo tàng Hà Nội và ứng dụng rồng trong đời sống, mỹ thuật đương đại được thể hiện qua các sản phẩm làng nghề, sản phẩm thủ công đặc sắc. Nội dung trưng bày gồm 3 chủ đề: Hình tượng rồng trên kiến trúc tôn giáo, tín ngưỡng; hình tượng rồng trong đời sống sinh hoạt; hình tượng rồng trong đời sống đương đại.

Giám đốc Bảo tàng Hà Nội Nguyễn Tiến Đà cho biết: Qua trưng bày bày chuyên đề Năm Thìn kể chuyện Rồng, Bảo tàng mong muốn sẽ truyền tải đến công chúng những ý nghĩa tốt lành, mong ước năm mới Giáp Thìn may mắn, hạnh phúc, sung túc đến mọi nhà.

Phong vị Tết xưa cũ của người Hà Nội - Ảnh 7.

Hoạt động thu hút đông đảo đông chúng đến tham gia

Đồng thời, nhằm tiếp tục thực hiện Chương trình 06-CTr/TU ngày 17-3-2021 của Thành ủy Hà Nội về "Phát triển văn hóa, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh giai đoạn 2021 - 2025"; đồng thời đẩy mạnh truyền thông, tăng lượng tương tác trên trang fanpage của Bảo tàng Hà Nội, giao lưu với khách tham quan nhân dịp đầu xuân năm 2024, vào dịp này, Bảo tàng Hà Nội còn tổ chức hoạt động giao lưu, chia sẻ hình ảnh đẹp chụp tại Bảo tàng Hà Nội theo từng chủ đề./.

Thương Nguyễn

NỔI BẬT TRANG CHỦ