(Tổ Quốc) - Serbia có kế hoạch gia nhập một liên minh kinh tế do Nga đứng đầu- điều dấy lên sự phản đối từ Liên minh châu Âu – nơi quốc gia này cũng muốn trở thành thành viên.
Ủy ban điều hành EU đã tuyên bố rõ ràng rằng Serbia sẽ phải hủy bỏ bất kỳ hiệp định thương mại song phương nào với các quốc gia khác nếu và khi họ được gia nhập EU và khối này cũng nói rằng họ muốn thấy các chính sách của Belgrade bám sát EU hơn.
Các quan chức Serbia đã bỏ qua những lời chỉ trích này và sẽ ký một thỏa thuận gia nhập Liên minh kinh tế Á-Âu vào ngày 25/10. Khối do Nga dẫn đầu này cũng bao gồm Armenia, Belarus, Kazakhstan và Kyrgyzstan.
Serbia sắp gia nhập Liên minh kinh tế Á-Âu bất chấp sự không hài lòng của EU. Ảnh: Bloomberg.
Kế hoạch này là không phải là một trở ngại cho hội nhập châu Âu, Bộ trưởng Thương mại Serbia Serbia Rasim Ljajic cho biết qua email tuần trước. Cảnh báo của Ủy ban Châu Âu không ảnh hưởng đến quyết định của Serbia khi tiến tới thỏa thuận này tại Moscow, ông nói.
Một số đại diện của EU cho biết họ muốn thấy Serbia thể hiện cam kết lớn hơn về việc muốn có tư cách thành viên EU, đặc biệt là sau khi một báo cáo của EU hồi đầu năm cho thấy Serbia chỉ điều chỉnh một phần các chính sách đối ngoại và an ninh của họ theo EU.
Các nhà lãnh đạo Serbia nói rằng tư cách thành viên EU đối với họ là một ưu tiên, một mục tiêu mà họ hy vọng sẽ đạt được vào khoảng giữa thập kỷ tới. Đồng thời, Serbia vẫn có mối quan hệ lịch sử và tôn giáo với Nga. Ngoài ra, Nga đã tặng các máy bay chiến đấu và xe tăng cho Serbia và các nhà lãnh đạo Serb, bao gồm cả Tổng thống Aleksandar Vucic.
"Các ông không thể di chuyển theo vài định hướng trong cùng một thời điểm", Bộ trưởng Ngoại giao Slovakia Miroslav Lajcak, người đã dành nhiều năm làm việc về Balkans, cho biết hồi tháng trước tại Helsinki. "Nếu các ông nghiêm túc với định hướng châu Âu của mình thì rõ ràng các ông sẽ đưa ra quyết định chính trị đưa mình đến gần hơn với điều đó. Còn quyết định này không phải là một trong số chúng."
Liên minh kinh tế Á-Âu do Tổng thống Nga Vladimir Putin thành lập để cạnh tranh vị thế với thị trường mở của EU và giúp xây dựng lại phạm vi ảnh hưởng của Moscow ở các nước Liên Xô cũ.
Một số nhà kinh tế ở Belgrade cũng đã đặt câu hỏi về lợi ích từ tư cách thành viên khối này đối với Serbia, nơi có thị trường xuất khẩu chính ở Tây Âu, chứ không phải ở phía đông.
"Nga chỉ chiếm một phần tư những gì chúng tôi xuất khẩu sang Đức và Ý", nhà kinh tế Ivan Nikolic cho hay.