(Tổ Quốc) -Không ít cha mẹ tỏ ra phàn nàn, mệt mỏi trước kỳ nghỉ hè của con, vì bản thân mình không được nghỉ hè như con…
Muôn kiểu cho con nghỉ hè của phụ huynh
Nếu như ở lớp mẫu giáo, việc nghỉ hè chỉ diễn ra vài ngày đến một tuần thì với học sinh các cấp còn lại nghỉ hè kéo dài ít nhất hai tháng. Không những thế, với thông tin không cho các trường tổ chức học hè sớm càng khiến phụ huynh chạy đôn chạy đáo tìm cách “đối phó” với nghỉ hè của con.
Đã quá quen với việc con nghỉ hè của cậu con trai cấp hai, nhưng công việc hành chính tại cơ quan không thể nghỉ, lại là nhà con một, không có anh chị chơi cùng, cũng không thể nhờ vả được ông bà trông hộ nên chị Thúy đành nhốt con ở nhà cho con xem ti vi, chơi với máy tính bảng. Để đề phòng nhỡ con ở nhà chơi có sự cố gì chị đưa cho con cầm chìa khóa nhà và chị cũng dặn thêm không được mở cửa cho người lạ. Ngoài ra, để chắc chắn hơn, chị gắn camera ở nhà để vừa đi làm vừa giám sát con.
Cũng có hai cậu con trai đến dịp nghỉ hè, nhưng gia đình anh Trường lại không yên tâm để hai con ở nhà chơi với nhau được, vì kiểu gì thì hai anh em chỉ chơi được với nhau một lát là quay ra chí chóe. Có người lớn can thiệp thì không sao chứ không có người lớn thì khó mà kiểm soát được cảm xúc và dễ dẫn đến hậu quả khôn lường. Anh Trường kể, có lần cậu em trai hậm hực không đánh lại được anh, trong lúc bực tức đã vớ ngay cái cờ lê ném vào anh, bay vèo trước mặt, may là chỉ bị sứt gần mắt, chứ vào đúng mắt thì không biết thế nào. Thế nên giải pháp được gia đình anh lựa chọn là đem con đi làm cùng. Mỗi ngày hai vợ chồng mang hai đứa con đến cơ quan, thỉnh thoảng lại “đổi” nhau cho hai anh em đỡ chán. Để có thể giữ được chân con ngồi tại cơ quan cùng bố mẹ, gia đình anh Trường phải chuẩn bị nào kẹo bánh, hoa quả, bim bim, truyện tranh, trò chơi trong điện thoại, đồ chơi xếp hình để con ngồi chơi ngoan hết buổi.
Dù có con gái học lớp 1, nhưng là năm đầu tiên phải đối mặt với việc con nghỉ hè dài, chị Hương (Phố Nguyễn Hữu Huân) đã đi mua hàng chục tượng trắng cùng màu về nhà. Chị nghĩ rằng việc tô tượng sẽ phần nào khiến con ở nhà nghỉ hè được an toàn và vui chơi. Vì chưa có kinh nghiệm đối mặt với thời gian nghỉ hè dài ngày của con nên đây là phương án tạm thời chị áp dụng, còn nếu con chán hoặc thích gì chị sẽ tham khảo và điều chỉnh dần.
Ảnh minh họa. Nguồn: congly.vn |
Cũng loay hoay tìm cách giữ chân con nghỉ hè, chị Vân đã nhắm đến các khóa học hè đã và đang mở nhan nhản. Nhưng chị phát hiện ra, các lớp học này tuần ba buổi, lại tầm 10h phải đón con thì không thể thu xếp công việc đi đón con được. Các trại hè đáp ứng được chuyện giờ giấc thì cũng chỉ chục ngày đến nửa tháng, không kéo dài hơn 2 tháng được. Chưa kể, những trại hè này học phí cũng khá cao so với thu nhập của gia đình. Vì thế phương án được gia đình lựa chọn là cho về quê nội, ngoại một thời gian, rồi cũng mua đồ chơi, đất nặn và xem họ hàng có con em tuổi sàn sàn nghỉ hè thì chở đến gửi cùng.
Đây chỉ là một số trường hợp phụ huynh đối phó với kỳ nghỉ hè của con, còn có vô vàn cách khác nhau mà cha mẹ “kiến tạo” theo hoàn cảnh, điều kiện riêng của từng gia đình.
Gia đình xáo trộn vì con nghỉ hè
Không ít cha mẹ tỏ ra phàn nàn, mệt mỏi trước kỳ nghỉ hè của con, vì bản thân mình không được nghỉ hè như con. Nhiều gia đình đăng ký cho con đi học các lớp năng khiếu, kỹ năng hè nhưng chưa đến giờ nghỉ trưa đã nhìn trước, nhìn sau, tất bật đi đón con rồi chuẩn bị đồ ăn trưa cho con khiến công việc cơ quan bị xao nhãng.
Phiền phức nữa nếu như con học hè bị xếp lớp buổi chiều, vừa phải đưa con đi mà chưa hết giờ làm cũng phải tất bật đi đón con dù trời có nắng, có bị cấp trên phàn nàn.
Khi phụ huynh đưa trẻ con đi theo cha mẹ đến cơ quan làm việc cũng khiến công việc bị bị ảnh hưởng. Vì trẻ con hiếu động, chơi nhanh chán nên vừa làm việc phụ huynh còn vừa tìm trên mạng câu đố, tranh tô màu, bài tập làm thêm để con làm. Chưa hết, thỉnh thoảng khi chơi điện tử, con còn reo hò đầy phấn khích khiến phụ huynh và người xung quanh khó tập trung công việc. Rồi biết chỗ đông người cha mẹ khó từ chối yêu cầu của con nên con hết đòi ăn món này đến món kia, hết đồ chơi này đến đồ chơi khác. Có những hôm vô tình mà nhiều người mang con đến cơ quan biến cơ quan thành “nhà trẻ”.
Ảnh minh họa. Nguồn: suckhoebeyeu.info. |
Còn những gia đình gửi con về quê với hi vọng con sẽ được sống trong không khí trong lành, yên bình của làng quê thì cũng có nhiều băn khoăn, vì ao hồ nhiều sợ nguy hiểm.
Trẻ ở nhà một mình thời gian ăn ngủ lung tung, hoặc theo cha mẹ đến cơ quan trưa ngủ ít hoặc không ngủ nên chiều về nhà vừa ăn cơm xong đã ngáp ngắn ngáp dài buồn ngủ, khiến việc học buổi tối duy trì nề nếp cũ gặp trở ngại.
Các chuyên gia giáo dục cũng như công nghệ thông tin đã khuyến cáo không nên cho trẻ em sử dụng nhiều các sản phẩm điện tử như máy tính bảng, điện thoại, internet… vì dễ gây nghiện, lại hại mắt… nhưng có nhiều gia đình không còn cách nào khác, biết là không tốt mà vẫn cho con dùng để “giữ chân” con trong dịp hè.
Chia sẻ về cách cho con nghỉ hè ít bị quay cuồng nhất chị Thu (Hai Bà Trưng) cho biết: Để chuẩn bị cho kỳ nghỉ hè sắp diễn ra, chị đã dẫn con gái đi mua hơn chục cuốn sách dày đặc chữ, trong đó có truyện thiếu nhi, sách kỹ năng, sách học tiếng anh, truyện cười, sách tô màu ... Với hi vọng ngần đấy sách có thể giữ chân con trong những ngày được nghỉ hè nắng nóng, lại vừa có thêm kiến thức bổ trợ vừa thư giãn. Sở dĩ phải mua các loại sách khác nhau để con đỡ chán, hứng thú hơn với việc đọc sách. Với cách “đầu tư” này, chị Thu nghĩ rằng không quá đắt so với các hình thức khác mà khiến con yêu thích việc đọc sách, tăng khả năng hiểu biết… Và nếu con đọc hết, có nhu cầu mua tiếp chị sẵn sàng mua thêm cho con. Ngoài ra, để tránh nhàm chán, cuối tuần đước nghỉ làm chị cũng sẽ tranh thủ thiết kế những chuyến đi chơi cho con. Các buổi tối trong tuần chị cũng khuyến khích con sinh hoạt hè tại khu phố.
Lời khuyên của một chuyên gia giáo dục dành cho các phụ huynh là nên cân nhắc và lựa chọn phương án nghỉ hè cho con hợp lý, phù hợp với hoàn cảnh, điều kiện của từng gia đình.