(Tổ Quốc) - Phú Quốc và Hạ Long đang đứng trước những vận hội và thách thức để vươn tầm khu vực.
- 24.09.2019 Từ trường hợp của Jeju, nghĩ về tương lai của du lịch Phú Quốc
- 24.09.2019 Thánh địa du lịch mới ở Nam Phú Quốc, tất tật những điều bạn cần biết
- 18.09.2019 Cảng tàu khách quốc tế Hạ Long đón 42.000 lượt khách quốc tế đến với vịnh di sản trong 8 tháng
- 13.09.2019 Học cách “sống ảo” ở Nam Phú Quốc như hot blogger Thái Lan và Jun Vũ
- 12.09.2019 Hạ Long, Ninh Bình, Hội An đẹp "không tì vết" trong chiến dịch quảng bá của đế chế thời trang Louis Vuitton
Một điểm đến tốt cần có sân bay tốt
Việt Nam được đánh giá là 1 trong những quốc gia có tốc độ tăng trưởng du lịch nhanh nhất thế giới nhờ thành tích 3 năm qua với lượng khách quốc tế tăng từ 10 triệu trong năm 2016 lên 15,5 triệu năm 2018 và khách du lịch trong nước tăng từ 62 triệu năm 2016 lên 80 triệu vào năm 2018.
Tuy nhiên, theo ông Kenneth Atkinson - Phó Chủ tịch Hội đồng Tư vấn Du lịch (TAB), để đạt được tốc độ tăng trưởng tương tự như giai đoạn 2016-2018 sẽ là một thách thức. Thực tế, sự tăng trưởng của khách quốc tế đã chậm lại, còn khoảng 9% tính đến nay, so với cùng kỳ năm ngoái.
"Với nhiều loại hình du lịch được cung cấp như du lịch di sản, bãi biển, sân golf, thiên nhiên, văn hóa, ẩm thực… Việt Nam có thể đạt được sự tăng trưởng đáng kể hơn, nhưng có những rào cản lớn mà quan trọng nhất theo tôi là vận tải hàng không"- ông Kenneth Atkinson cho hay và nói thêm, gần như tất cả các sân bay của Việt Nam đang hoạt động vượt mức công suất thiết kế và đây chắc chắn sẽ là một yếu tố hạn chế đối với tăng trưởng du lịch.
Vị chuyên gia này cũng phân tích sâu: TPHCM- một trung tâm nhập cảnh chính của khách du lịch quốc tế đến Việt Nam có rất ít hy vọng tăng trưởng đáng kể về công suất trong 12 đến 24 tháng tới.
Trả lời câu hỏi về những điểm đến nào của Việt Nam sẽ bứt phá trong 5 năm tới, ông Kenneth Atkinson cho hay, đó sẽ là những điểm đến mà trước hết cần có sân bay tốt, vận hành tốt, có sức chứa 2,5 triệu đến 4 triệu hành khách mỗi năm và đang phát triển du lịch.
Thời điểm hiện tại, nhiều chuyên gia du lịch cho rằng, Hạ Long và Phú Quốc được đánh giá cao về tiềm năng bứt phá du lịch trong tương lai, thậm chí có người cho rằng hai điểm đến này có khả năng vượt Đà Nẵng về phát triển du lịch.
Phân tích về điều này, ông Atkinson cho biết, ông đồng ý chuyện Hạ Long có tiềm năng phát triển tốt cả khách du lịch quốc tế và nội địa nhờ có sự gia tăng các sản phẩm du lịch được Sun Group và Vinpearl phát triển, và tất nhiên là sân bay quốc tế mới ở Vân Đồn sẽ tạo điều kiện cho các chuyến bay liên khu vực.
Riêng Phú Quốc sẽ có những thách thức để đạt được sự tăng trưởng đáng kể, một phần do sân bay đã hoạt động vượt công suất thiết kế và cũng cần đầu tư đáng kể vào cơ sở hạ tầng.
Ngoài ra, theo vị chuyên gia này, Việt Nam có những thách thức khác như chính sách thị thực và số lượng quốc gia được miễn thị thực là thấp cũng như cần cải thiện thị thực điện tử và thị thực tại cửa khẩu.
Làm thế nào để vượt Đà Nẵng?
Thời gian qua, có thể nói chìa khóa thành công của du lịch Đà Nẵng là đã đầu tư cho cơ sở hạ tầng du lịch và tiếp đó là các sản phẩm du lịch đẳng cấp, sáng tạo.
Theo ông Atkinson, bất kỳ điểm đến nào ở Việt Nam muốn phát triển du lịch bền vững phải xem xét rất kỹ sự thành công của Đà Nẵng, chiến lược và kế hoạch mà họ đã áp dụng và liên tục cập nhật. Đồng thời xây dựng quy hoạch tổng thể, xem xét tất cả các khía cạnh của sự phát triển là rất quan trọng đối với thành công lâu dài của các điểm đến du lịch.
Với Hạ Long, đây là thành phố có yếu tố Di sản và tính bền vững của di sản là chìa khóa, với trọng tâm là giải quyết chất lượng nước và an toàn của tàu du lịch. Tuy nhiên, dường như gần đây Hạ Long đã nhận ra chỉ di sản thôi không đủ và cần phải có các sản phẩm và cơ sở vật chất khác để thu hút du khách và khách du lịch gia đình nói riêng.
Còn Phú Quốc, theo ông Atkinson, đây là một hòn đảo và điểm thu hút chính là bãi biển, biển, hải sản và nước mắm! Vì vậy, Phú Quốc cần xem xét các sản phẩm có thể được thêm vào để tạo sự bền vững và thu hút các khách du lịch gia đình.
Ngoài ra, nguồn nhân lực cũng là một thách thức lớn cho Phú Quốc.
"Tôi nghĩ dân số của đảo vài năm trước chỉ dưới 100.000 người và hiện có hơn 27.000 phòng khách sạn, biệt thự, condotel 3-5 sao đang hoạt động, được lên kế hoạch hoặc đang được xây dựng, đã cần một lực lượng lao động là 40.000 người, chưa kể lực lượng lao động cho các dịch vụ khác như sân bay, tài xế, hướng dẫn viên, nhà hàng, cửa hàng bán quà lưu niệm, v.v…"- ông Atkinson nói.
Một trong những điểm hấp dẫn của châu Á đối với khách du lịch quốc tế và du khách chi tiêu cao là chất lượng dịch vụ, đòi hỏi đầu tư đáng kể vào các cơ sở đào tạo và dạy nghề.
Và vị chuyên gia này không chắc ngoài các khóa do khách sạn tự đào tạo còn có đào tạo gì khác bởi ở Phú Quốc chắc chắn không có đủ cơ sở cũng như chỗ ở cho số lượng lao động nhập cư cần thiết để phục vụ các cơ sở.
Còn theo ông Hoàng Nhân Chính, Trưởng ban thư ký TAB thì cho biết, Thủ tướng mới đây yêu cầu cần có quy hoạch cho Phú Quốc, nhân đà này, các doanh nghiệp du lịch cần nghĩ tới việc quy hoạch du lịch cho Phú Quốc. Thậm chí có thể tạo ra mô hình nhỏ như Hội đồng Tư vấn du lịch tại Phú Quốc dùng mô hình này như TP Huế đã thực hiện. Không chỉ các doanh nghiệp, UBND tỉnh Kiên Giang, Sở VHTTDL tỉnh cũng cùng tham gia vào đây./.
Hãy là người đầu tiên bình luận bài viết!