(Cinet) - Phú Thọ là tỉnh thuộc khu vực miền núi, trung du phía Bắc, nằm trong khu vực giao lưu giữa vùng Đông Bắc, đồng bằng sông Hồng và Tây Bắc - vị trí địa lý mang ý nghĩa trung tâm của tiểu vùng Tây – Đông - Bắc.
![]() |
Phú Thọ với rừng cọ đồi chè... |
Khái quát chung
Diện tích: 3.532,5 km²
Phía Đông giáp Hà Tây, phía Tây giáp Sơn La, phía Nam giáp Hoà Bình, phía Bắc giáp Tuyên Quang.
Dân số: 1,322 triệu (Năm 2010)
Dân tộc: Việt (Kinh), Mường, Dao, Sán Chay…
Tỉnh Phú Thọ có 1 tỉnh lỵ (Thành phố Việt Trì), 1 thị xã(Thị xã Phú Thọ), 11 huyện.
Di sản văn hóa
Toàn tỉnh hiện có 292 di tích được Nhà nước xếp hạng, trong đó có một di tích quốc gia đặc biệt, 73 di tích quốc gia và 218 di tích cấp tỉnh.
Phú Thọ có 161 di tích khảo cổ được phát hiện với những di chỉ thuộc các thời kỳ văn hóa: Sơn Vi, Phùng Nguyên, Đồng Đậu, Gò Mun, Đông Sơn.
Về di tích lịch sử lưu niệm, gồm các di tích kháng chiến, cách mạng và địa điểm lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh. Một số di tích thuộc loại này còn lưu giữ được địa điểm với những dấu tích nguyên gốc, có đủ điều kiện để bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị như các di tích địa điểm lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh, di tích Chiến khu Phục Cổ...
Các di tích nổi tiếng gồm: khu di tích Đền Hùng (Lâm Thao), đầm Ao Châu, Ao Giời, Suối Tiên, khu rừng nguyên sinh Xuân Sơn (33.687 ha, trong đó 15.000 ha rừng nguyên sinh), vùng nước khoáng nóng Thanh Thuỷ, đền Mẫu Âu Cơ, đình Lâu Thượng, Hùng Lô, Đào Xá, chùa Xuân Lãng, chùa Phúc Khánh; các khu di chỉ; Phùng Nguyên, Sơn Vi, Gò Mun…Các di tích kháng chiến: chiến khu Hiền Lương (Hạ Hoà). Vạn Thắng (Cẩm Khê), tượng đài kháng chiến sông Lô (Đoan Hùng), khu lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh ở Cổ Tiết (Tam Nông), Chu Hoá (Lâm Thao)…
![]() |
Lễ hội Đền Hùng- nét văn hóa đặc sắc của Phú Thọ |
Đây là kho tàng di sản văn hóa vô giá, là niềm tự hào của vùng đất mạch nguồn trong dòng chảy lịch sử mấy ngàn năm của dân tộc, từ thời đại Hùng Vương dựng nước đến thời đại Hồ Chí Minh giữ nước.
Nghệ thuật biểu diễn
Phú Thọ nổi tiếng với hai loại hình nghệ thuật biểu diễn là hát xoan và hát ghẹo. Đặc biệt, Tổ chức Văn hoá giáo dục của Liên hiệp quốc đã công nhận “Hát xoan ở Phú Thọ” là Di sản văn hoá phi vật thể.
Hát Xoan thường được trình diễn vào mùa xuân trong những ngày hội đám ở một số đình làng trong tỉnh nên còn được gọi là Hát cửa đình. Các phường Xoan cổ đều được bắt nguồn từ những làng cổ nằm ở địa bàn trung tâm Bộ Văn Lang thời các Vua Hùng dựng nước.
Trước đây, Phú Thọ có 18 làng hát Xoan, trong đó bốn phường Xoan được gọi theo tên làng là: An Thái, Phù Ðức, Kim Ðơi và Thét. Năm 2005, hát xoan Phú Thọ là đại diện cho đoàn Việt Nam, là một trong 8 đoàn khu vực và quốc tế tham gia biểu diễn tại Hội thảo Quốc tế về văn hoá dân gian các dân tộc tại Thái Lan. Năm 2008, hát Xoan Phú Thọ cũng là một trong những tiết mục của Việt Nam tham gia Liên hoan nghệ thuật dân tộc Quốc tế tại Hàn Quốc và đã để lại nhiều ấn tượng.
![]() |
Hát xoan ở Phú Thọ” là Di sản văn hoá phi vật thể. (Ảnh minh họa. Nguồn Internet) |
Điểm đến
Bên cạnh hệ thống các di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh, Phú Thọ còn gìn giữ và bảo tồn trên 150 lễ hội trong đó có nhiều lễ hội đặc sắc và nhiều lễ hội gắn với thờ tự các Vua Hùng, tướng lĩnh, lạc hầu, lạc tướng ..., cũng như các lễ hội dân gian tiêu biểu như: lễ hội trò trám, lễ hội cướp phết, lễ hội ông Khưu - bà Khưu, lễ hội chọi trâu ở Phù Ninh thuộc đất Phong châu thời các Vua Hùng, lễ hội bơi chải, lễ hội cầu trâu, lễ hội cầu mùa, lễ hội đền mẫu Âu Cơ…
Mặc dù không phải là đất nghề nhưng nghề thủ công ở Phú Thọ lại tồn tại và phát triển khá bền vững theo thời gian. Đây cũng là địa điểm du lịch độc đáo đối với du khách.
Ngoài ra, Phú Thọ còn hấp dẫn du khách bởi nét đặc sắc của ẩm thực mang hương vị riêng, với những món ăn nổi tiếng như: Cá Anh Vũ, Thịt chua Thanh Sơn, Bánh tai, cơm nắm lá cọ…
CN