(Tổ Quốc) - Chiều 15/7, tại sân vận động Việt Trì ( Phú Thọ) đã chính thức diễn ra Lễ phát động Du lịch chung tay bảo vệ môi trường, hạn chế rác thải nhựa.
Bà Cao Thị Ngọc Lan, Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam, phát biểu tại lễ phát động
Phát biểu tại lễ phát động, bà Cao Thị Ngọc Lan, Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam (HHDLVN) nhấn mạnh về những đóng góp của ngành du lịch vào phát triển kinh tế, xã hội, tuy nhiên bên cạnh những tác động tích cực, du lịch cũng đem lại những tác động nhất định đến môi trường. Tình trạng ô nhiễm, đặc biệt là ô nhiễm rác thải nhựa đã làm giảm đi ít nhiều sự hấp dẫn của các điểm đến.
Quang cảnh buổi lễ phát động Du lịch chung tay bảo vệ môi trường, hạn chế rác thải nhựa tại Phú Thọ
Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam cho biết, Hiệp hội Du lịch Việt Nam nhận thức sâu sắc vai trò của việc bảo vệ môi trường, và xác định rõ trách nhiệm của cộng đồng doanh nghiệp du lịch đối với việc bảo vệ môi trường nói chung và định hướng phát triển du lịch bền vững theo chỉ đạo của Bộ Chính trị, và đặc biệt là hưởng ứng lời kêu gọi của Thủ tướng Chính phủ ngày 5/6 vừa qua để bảo vệ môi trường, xây dựng Việt Nam xanh, sạch đẹp và thân thiện trong mắt bạn bè quốc tế. Hiệp hội Du lịch Việt Nam đã ban hành chương trình "hành động Du lịch chung tay bảo vệ môi trường, hạn chế rác thải nhựa", với đoàn carnavan tại ba tỉnh Phú Thọ, Hòa Bình và Sơn La, diễn ra trong ba ngày 15, 16 và 17-7.
Sau đó, đoàn đã tiến hành diễu hành qua các tuyến phố chính tại Việt Trì, đồng thời gắn những logo của chương trình tại các địa điểm trung tâm, mua sắm, nhà hàng, khách sạn.
Hiệp hội du lịch Việt Nam xác định đây là một nhiệm vụ trọng tâm trong chương trình hoạt động của năm 2019 và những năm tiếp theo của HHDLVN và các đơn vị trực thuộc . Chương trình hành động sẽ được tổ chức thường xuyên, liên tục, có tổng kết, đánh giá kết quả thực hiện hằng năm, rút kinh nghiệm để tiếp tục thực hiện trong những năm tiếp theo
Ông Phùng Quang Thắng, Chủ tịch Hiệp hội Lữ hành Việt Nam cho biết, các doanh nghiệp rất hào hứng tham gia chương trình, có những doanh nghiệp ở Tây Nguyên cũng bay ra để tham dự chương trình. Chúng tôi mong muốn cùng các doanh nghiệp và người dân địa phương nâng cao ý thức cũng như có những hành động bảo vệ môi trường. Ông Phùng Quang Thắng cũng bày tỏ mong muốn các doanh nghiệp du lịch trong cả nước sẽ cùng lan tỏa ý nghĩa đẹp đẽ của chương trình này.
Các doanh nghiệp lữ hành tích cực hưởng ứng, tham gia chương trình
Ông Trần Thanh Sơn, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch tỉnh Phú Thọ chia sẻ: "Buổi phát động Du lịch chung tay bảo vệ môi trường hôm nay đã có tác động trực tiếp đến với những người dân, cùng với các thành viên Hiệp hội Du lịch Phú Thọ. Tới đây, chúng tôi sẽ tiến hành tuyên truyền, phổ biến cho các chủ cơ sở kinh doanh về du lịch, dịch vụ du lịch ký cam kết về việc bảo vệ môi trường, hạn chế rác thải nhựa. Nội dung này sẽ được lồng ghép và đưa vào trong kế hoạch hoạt động của mùa Lễ hội Đền Hùng năm 2020. Hiệp hội du lịch Phú Thọ cũng sẽ tiến hành kiểm tra, động viên và tuyên dương đối với các đơn vị thực hiện tốt chương trình này".
Với công suất phục vụ khoảng 2.000 khách một tháng, mùa cao điểm lên tới 4.000 khách, ông Đỗ Văn Hải - Giám đốc trung tâm tiệc cưới, nhà hàng Sen Vàng (Phú Thọ), một trong những đơn vị hưởng ứng chương trình Du lịch chung tay bảo vệ môi trường, hạn chế rác thải nhựa, cho hay "là một đơn vị trong Hiệp hội Du lịch của Phú Thọ và hoạt động trong lĩnh vực nhà hàng, vì thế lượng rác thải nhựa, nilon khá lớn. Hưởng ứng chương trình này, sắp tới, đơn vị sẽ chuyển dịch sang sử dụng những vật dụng có tính hữu cơ, thân thiện với môi trường để hạn chế và tiến tới thay thế các vật dụng bằng nhựa, đặc biệt là nhựa dùng một lần".
Theo thống kê, mỗi năm Việt Nam có không dưới 1,8 triệu tấn rác thải nhựa không được xử lý, chiếm gần 6% lượng rác thải nhựa trên toàn thế giới và nếu tính riêng xả rác thải nhựa xuống biển thì Việt Nam đứng thứ 4 thế giới . Trên bảng xếp hạng năng lực cạnh tranh du lịch và lữ hành toàn cầu do Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) công bố, tiêu chí bảo vệ môi trường của Việt Nam đang là điểm yếu, chỉ xếp 129/136 quốc gia xét về tính bền vững của môi trường./.