(Tổ Quốc) - Trải qua quá trình lịch sử, đồng bào dân tộc Chăm ở Phú Yên đã sáng tạo và lưu giữ được nhiều giá trị văn hóa đặc sắc.
Ảnh TTXVN
Trên địa bàn tỉnh Phú Yên hiện có hơn 23.000 đồng bào dân tộc Chăm sinh sống cùng các dân tộc anh em. Trải qua quá trình lịch sử, đồng bào dân tộc Chăm ở Phú Yên đã sáng tạo và lưu giữ được nhiều giá trị văn hóa đặc sắc, thể hiện trong: kiến trúc, trang phục, nghệ thuật, lễ hội, phong tục tập quán và tri thức dân gian…
Hệ thống di sản văn hóa của đồng bào Chăm ở Phú Yên rất phong phú với các công trình kiến trúc nghệ thuật đền tháp, thành cổ, bia ký… và nhiều di tích khảo cổ học có giá trị lịch sử - văn hóa. Trong đó, tiêu biểu nhất là Di tích kiến trúc nghệ thuật Tháp Nhạn niên đại thế kỷ XI, tại TP Tuy Hòa đã được Thủ tướng Chính phủ xếp hạng là Di tích quốc gia đặc biệt. Tháp Nhạn cùng với các di sản văn hóa của đồng bào Chăm ở tỉnh Phú Yên đã góp phần làm phong phú kho tàng di sản văn hóa của dân tộc Việt Nam.
Trong những năm qua, được sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, vùng đồng bào dân tộc Chăm ở tỉnh Phú Yên không ngừng được đầu tư để phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh. Đời sống vật chất và tinh thần của đồng bào không ngừng được nâng cao. Đồng bào luôn phát huy tinh thần đoàn kết, yêu nước, thực hiện tốt chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; ra sức phát triển kinh tế, giữ gìn bản sắc văn hóa; xây dựng khối đại đoàn kết dân tộc, cùng nhân dân các dân tộc trong tỉnh xây dựng, phát triển quê hương Phú Yên ngày càng giàu đẹp.
Đặc biệt, những ngày này (18 - 21/8), Ngày hội Văn hóa, Thể thao và Du lịch đồng bào Chăm lần thứ V năm 2019 tại Phú Yên đang diễn ra với chủ đề "Bảo tồn văn hóa dân tộc Chăm gắn với phát triển du lịch" do tỉnh phối hợp với Bộ VHTTDL tổ chức đã thực sự trở thành hoạt động có ý nghĩa chính trị, văn hóa sâu sắc, là nơi để đồng bào dân tộc Chăm ở các địa phương gặp gỡ, giao lưu, trao đổi kinh nghiệm, nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm đối với việc gìn giữ văn hóa truyền thống, củng cố sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc.
Ngày hội cũng là dịp giới thiệu, tôn vinh và quảng bá các giá trị văn hóa độc đáo, đặc sắc của đồng bào Chăm trong sự thống nhất mà đa dạng của nền văn hóa Việt Nam với nhân dân cả nước và bạn bè quốc tế, góp phần tạo sức hút để thúc đẩy phát triển kinh tế du lịch tại địa phương; góp phần quảng bá hình ảnh Việt Nam.
Ngày hội có sự tham gia của gần 2.000 nghệ nhân, nghệ sĩ, diễn viên, nhạc công, vận động viên quần chúng đến từ 11 tỉnh, thành phố khu vực Nam Bộ và Nam Trung Bộ có đông đồng bào Chăm sinh sống cũng như lưu giữ nhiều giá trị văn hóa - lịch sử của đồng bào Chăm: Bình Định, Phú Yên, Ninh Thuận, Bình Thuận, Tây Ninh, Bình Phước, An Giang, thành phố Đà Nẵng và Thành phố Hồ Chí Minh.
Các hoạt động chính của ngày hội gồm: Thi biểu diễn Liên hoan nghệ thuật quần chúng và trình diễn, giới thiệu trang phục truyền thống; triển lãm thành tựu phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc Chăm của các tỉnh,thành tham gia ngày hội và giới thiệu nghề truyền thống; giới thiệu văn hóa ẩm thực; giới thiệu trích đoạn lễ hội dân gian; thi các môn thể thao truyền thống.