(Tổ Quốc) - Mới đây, UBND huyện Phú Hòa đã long trọng tổ chức khánh thành công trình tu bổ, tôn tạo di tích lịch sử Mộ và đền thờ Lương Văn Chánh và gắn biển chào mừng 30 năm tái lập tỉnh Phú Yên (1989-2019).
Ảnh: TTXVN
Công trình di tích lịch sử cấp Quốc gia Mộ và đền thờ Lương Văn Chánh thuộc xã Hòa Trị, huyện Phú Hòa bao gồm các hạng mục nâng cấp, mở rộng nhà lưu niệm; xây mới nhà khách chờ kết hợp quầy hàng lưu niệm; nâng cấp Miếu thờ Bà ở khu vực Mộ; cổng Tam quan; nâng cấp mở rộng nhà hậu kết hợp với nhà kho.
Việc đầu tư xây dựng và đưa công trình tu bổ, tôn tạo di tích lịch sử Mộ và đền thờ Lương Văn Chánh vào sử dụng có ý nghĩa lớn trong việc tạo cảnh quan và mở rộng di tích lịch sử cấp Quốc gia Mộ và đền thờ Lương Văn Chánh; đáp ứng điều kiện cơ sở vật chất thiết yếu để phục vụ khách du lịch đến tham quan; Đồng thời thể hiện sự tôn nghiêm, trang trọng và đạo lý "Uống nước nhớ nguồn" của cán bộ và nhân dân Phú Yên đối với danh nhân Lương Văn Chánh.
Danh nhân Lương Văn Chánh sinh vào khoảng thập niên 40 của thế kỷ XVI, quê ở tỉnh Thanh Hóa, là người có công khai phá vùng đất Phú Yên từ hơn 400 năm trước. Năm 1578, chúa Nguyễn Hoàng cử Lương Văn Chánh đem quân vào ổn định vùng đất từ đèo Cù Mông đến đèo Cả, từng bước tạo nên những làng mạc đầu tiên trên châu thổ sông Đà Rằng, sông Cái. Dưới sự cai quản của ông, nơi đây đã nhanh chóng biến thành vùng đất trù phú với nền nông nghiệp phát triển và là cơ sở để chúa Nguyễn thành lập phủ Phú Yên vào năm 1611. Năm Tân Hợi 1611, Lương Văn Chánh qua đời, các chúa Nguyễn và các vua nhà Nguyễn đều ban sắc phong Lương Văn Chánh đến "Thượng Đẳng Thần".
Lương Văn Chánh được nhân dân Phú Yên suy tôn là Thành Hoàng. Năm 1996, mộ và đền thờ Lương Văn Chánh được công nhận là Di tích lịch sử cấp Quốc gia. Tỉnh Phú Yên cũng quyết định chọn năm 1611 là năm thành lập tỉnh. Từ năm 2008 đến nay, tỉnh Phú Yên chọn ngày 6/2 âm lịch hàng năm (ngày Lương Văn Chánh nhận sắc lệnh của chúa Nguyễn Hoàng đi khai khẩn vùng đất Phú Yên) để tổ chức lễ hội.