(Cinet - DL)- Núi Đá Bia nằm ở độ cao khoảng 706m thuộc xã Hòa Tâm, huyện Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên. Từ xa xưa, Núi Đá Bia được xem là ngọn núi thiêng với tên gọi Lingaparvata (có nghĩa là Linga - Đấng đại sơn thần, hiện thân của thần Siva trong tín ngưỡng của người Chăm).
Di tích Núi Đá Bia (nguồn internet) |
2. Thời gian: Núi Đá Bia từ xa xưa được xem là ngọn núi thiêng với tên gọi Lingaparvata (có nghĩa là Linga - Đấng đại sơn thần, hiện thân của thần Siva trong tín ngưỡng của người Chăm).
Ngoài ra núi Đá Bia còn có một tên khác lý thú do người Pháp đặt là “Ngón tay của Chúa”, tên gọi này được xuất phát từ những thủy thủ đi tàu, khi họ từ biển khơi nhìn vào đèo Cả thì núi Đá Bia giống như hình ngón tay chỉ lên trời, và họ căn cứ vào ngón tay của Chúa để định hướng cho tàu bè.
Năm 1471, vua Lê Thánh Tông sau khi thu phục kinh đô Chà Màn đã qua đây khắc chữ lên mặt đá làm bia phân định ranh giới Đại Việt – Chiêm Thành vì thế núi được gọi là Đá Bia. Theo đó núi Đá Bia ở Phú Yên là cột mốc lịch sử gắn liền với truyền thuyết về bài thơ của Lê Thánh Tông khắc lên tảng đá trên đầu non.
Năm 1836, vua Minh Mạng cho thể hiện hình tượng dãy núi Đại Lãnh bao gồm cả núi Đá Bia vào Tuyên Đỉnh, một trong 9 chiếc đinh đồng đặt tại Thế Miến trong Đại Nội kinh thành Huế.
3. Năm công nhận: Ngày 22/08/2008, Bộ Văn hóa, Thể thao và du lịch đã ra Quyết định công nhận Núi Đá Bia là Di tích thắng cảnh cấp Quốc gia.
4. Địa hình/Vị trí: Từ chân núi Đá Bia lên đến đỉnh là 2.280m, Đá Bia chỉ nằm ở độ cao khoảng 706m thuộc xã Hòa Tâm, huyện Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên, nằm dọc quốc lộ 1A trên dãy núi Đèo Cả, cách thành phố Tuy Hòa 23km về phía Nam. Không những Đá Bia có một lịch sử của ngàn xưa mà đây còn là một thắng cảnh tuyệt đẹp, trên đỉnh mây thường xuyên che lấp khối đá Bia tạo nên cảnh quan hùng vĩ, ấn tượng.
Phú Yên nằm ở miền Trung Việt Nam, cách Hà Nội 1.160 km về phía Bắc, cách TP Hồ Chí Minh 561km về phía Nam theo tuyến quốc lộ 1A.
Địa hình tỉnh thấp dần từ Tây sang Đông với những dạng địa hình núi, đồi xen kẽ đồng bằng. Vùng trung du có những cao nguyên rộng, tương đối bằng phẳng ở huyện sông Hinh, Sơn Hoà. Phú Yên có mặt là núi, phía bắc có dãy Cù Mông, phía nam là dãy Đèo Cả, phía tây là mạn sườn đông của dãy Trường Sơn, và phía đông là biển Đông.
Rải rác có núi đá chạy sát ra biển đã chia cắt dải đồng bằng ven biển của tỉnh thành nhiều đồng bằng nhỏ, lớn nhất là đồng bằng thuộc hạ lưu sông Ba với diện tích 500 km2. Đây là vựa lúa lớn của miền Trung.
Phú Yên là một tỉnh duyên hải miền Trung. Phía Bắc giáp tỉnh Bình Định, phía Nam giáp tỉnh Khánh Hoà, phía Tây giáp tỉnh Đắk Lắk và tỉnh Gia Lai, phía Đông giáp biển Đông. Phú Yên có lực lượng lao động tại chỗ dồi dào, cần cù lao động, có học vấn khá và được đào tạo tốt.
Phú Yên có đường bờ biển dài 189 km với nhiều vũng, vịnh thuận lợi cho phát triển nuôi trồng thuỷ sản. Ngoài ra dải đất cát ven biển có thể phát triển thành những vùng nuôi tôm trên triều đạt hiệu quả cao. Đặc biệt Phú Yên có cảng hàng hoá Vũng Rô sẽ là đầu mối vận chuyển hàng hoá của tỉnh và các tỉnh Tây Nguyên.
Phú Yên có đường quốc lộ 1A và quốc lộ 25 đi qua. Thị xã Tuy Hoà nằm cách Thủ đô Hà Nội 1.160 km, cách thành phố Hồ Chí Minh 561 km, cách khu du lịch quốc tế Văn Phong (Khánh Hoà) 40 km. Từ các thành phố của Việt Nam có thể đến Phú Yên thuận tiện bằng đường sắt, đường bộ, đường hàng không và đường biển.
5. Thổ nhưỡng: Phú Yên khá đa dạng về nhóm, các loại đất phân bố trên nhiều dạng địa hình khác nhau tạo ra những tiểu vùng sinh thái nông – lâm nghiệp thích hợp với nhiều loại cây trồng, đặc biệt là cây trồng lâu năm vùng đồi núi. Có 8 nhóm đất chính: Nhóm đất đỏ vàng: Là nhóm đất có diện tích lớn nhất. 336.579 ha, chiếm tỷ lệ 66,71%; Nhóm đất cát biển: 15.009 ha chiếm 2,97%. Nhóm đất mặn, phèn: 7.899 ha, chiếm 1,57%. Nhóm đất Phù sa: 55.752 ha, chiếm 11.05%. Nhóm đất xám: 39.552 ha, chiếm 7,84%, Nhóm đất đen: 18.831 ha, chiếm 3,73%. . Nhóm đất vàng đỏ trên núi: 11.300 ha, chiếm 2,5%. Nhóm đất thung lũng dốc tụ: 1.246 ha. Các loại đất khác: 21.192 ha, chiếm tỷ lệ 4,21%.
- Phú Yên có hệ thống sông ngòi phân bổ tương đối đều trên toàn tỉnh, các sông đều bắt nguồn từ phía Đông của dãy Trường Sơn, chảy trên địa hình đồi, núi ở trung và thượng lưu, đồng bằng nhỏ hẹp ở hạ lưu rồi đổ ra biển. Phú Yên có trên 50 con sông lớn nhỏ, đáng chú ý là 3 con sông chính: sông Kỳ Lộ, Sông Ba, Sông Bàn Thạch với với tổng diện tích lưu vực là 16.400km2, tổng lượng dòng chảy 11.8 tỷ m3, phục vụ nước tưới cho nông nghiệp, thủy điện và sinh hoạt của người dân Phú Yên.
6. Khí hậu: Phú Yên thuộc vùng khí hậu nhiệt đới gió mùa, chịu ảnh hưởng của khí hậu đại dương. Thời tiết có 2 mùa rõ rệt: mùa khô từ tháng 1 đến tháng 8, mùa mưa từ tháng 9 đến tháng 12, tập trung từ 70 – 80% lượng mưa cả năm. Yếu tố này cộng với sông suối ngắn và dốc nên dễ gây lũ lụt. Tuy nhiên, từ khi có lòng hồ nhà máy thuỷ điện sông Hinh đi vào hoạt động đã hạn chế được tình trạng ngập lũ tại đồng bằng Tuy Hoà.
7. Dân cư: Phú Yên có nguồn lao động dồi dào, giá rẻ, có thể hình thành và phát triển một số ngành công nghiệp thâm dụng lao động như may mặc, da, chế biến hạt điều, lắp ráp điện tử, sản xuất thức ăn gia súc, thức ăn cho tôm, cơ khí nông nghiệp.
Theo điều tra tính đến năm 2011, dân số Phú Yên là 871.949người, trong đó thành thị 20%, nông thôn 80%, lực lượng lao động chiếm 71,5% dân số.
Phú Yên có gần 30 dân tộc sống chung với nhau, nhưng dân tộc Êđê, Chăm, BaNa, Hrê, Hoa, MNông, RaGlai là những tộc người đã sống lâu đời trên đất Phú Yên. Sau ngày miền Nam được giải phóng, sau khi thành lập huyện Sông Hinh năm 1986 có những dân tộc từ miền núi phía Bắc di cư vào vùng đất sông Hinh như Tày, Nùng, Dao, Sán Dìu….
Trình độ dân cư của Phú Yên mỗi năm đào tạo khoảng 1200 học viên Cao Đẳng, 300 học viên chi nhánh học viện ngành tài chính ngân hang, các trường và trung tâm đào tạo nghề mỗi năm đào tạo khoảng 1400 kỹ thuật viên và trên 800 công nhân có tay nghề cao từ bậc 3/7 trở lên.
8. Tóm tắt nội dung:
Giá trị nổi bật:
Núi Đá Bia – ngọn núi tên tuổi vào bậc nhất của tỉnh Phú Yên. Trải qua thời gian năm tháng, núi Đá Bia đã in sâu trong tâm thức bao thế hệ người dân đất Phú Yên. Đá Bia có dấu ấn sâu sắc trong đời sống tâm linh, đời sông tinh thần và tâm hồn của cư dân bản địa, kể cả trong cộng đồng người Chăm xưa và trong cộng đồng các dân tộc đang sinh sống ở Phú Yên hiện tại.
Đường lên đỉnh núi Đá Bia quanh co với những bậc đá chẻ bám theo các triền núi. Càng tiến sâu vào rừng, cây cối um tùm phủ kín cả đường đi. Đường đi càng lúc càng dốc, càng khó khăn. Trên đỉnh núi là một khối đá khổng lồ cao 76m, có hình thù kỳ lạ, sáng sớm hay về chiều thường có mây trắng bao phủ chung quanh, khi ẩn khi hiện.
Hệ sinh thái được bảo tồn khá phong phú với những loài thực vật và động vật đặc trưng của rừng nhiệt đới. Đứng trên đỉnh núi Đá Bia có thể hướng tầm nhìn về những địa danh nổi tiếng như: Vũng Rô, Đèo Cả, Bãi Bàng, Bãi Môn – Mũi Điện, Hải Đăng, Núi Hiềm, Biển Hồ, Đập Hàn, vịnh Vân Phong (Khánh Hòa)…
Ngọn núi thiêng này có biết bao nhiêu truyền thuyết được lưu truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác. Thời gian trôi qua những truyền thuyết gắn liền núi Đá Bia đã thẩm thấu vào tâm thức của bao thế hệ và cũng không biết tự bao giờ Đá Bia đã trở thành biểu tượng trong đời sống tinh thần của người dân Phú Yên…Ở thời kỳ Chămpa, núi Đá Bia được xem là ngọn núi thiêng, là hiện thân của thần Siva trong tôn giáo của người Chăm. Điều này đã được cố giáo sư Trần Quốc Vượng khẳng định sau đợt khảo sát khảo cổ học ở Phú Yên năm 2002: "Từ thế kỷ VIII, sử Tân Đường thư, Chiêm Thành truyện đã ghi nó là Lăng-già-bát-bạt-đa của Chămpa. Đây là lối ghi Hán tự của Lingaparvata-Linga thần núi thiêng mà tôi đã nêu ra và được hoàn toàn tán thành ở hội thảo quốc tế về Đông Nam Á họp ở Italy hè 2001. Lời giải ảo hiện thực núi Đá Bia của chúng tôi: Đấy là biểu tượng Lingaparvata - Linga đấng đại sơn thần, tức thần Siva, một trong tam vị nhất thể của Siva giáo/Ấn giáo đã được hội nhập vào văn hoá Chămpa hay là được Chămpa hoá" .
Núi Đá Bia - Thạch Bi Sơn (nguồn internet) |
Truyền thuyết của cộng đồng người Chăm ở Phú Yên cho rằng núi Đá Bia là Hơ Đoang Ktor (núi Cùi Bắp) gắn liền với sự tích anh hùng Chi Rất là người khoẻ mạnh nhất của dân tộc Chăm ngày xưa, đã đặt cùi bắp tại đây rồi đứng từ Playku bắn thử ná, mũi tên lao tới chân núi phá thành một vệt dài từ núi Đá Bia ra tận biển.
Truyền thuyết của người Êđê, núi Đá Bia là Kut Bhih (mộ của bà Bhih). Bà Bhih là người dân tộc Êđê, vợ của vua Pôrômê là vị vua tài giỏi của người Êđê xưa kia. Tương truyền, vua Pôrômê có 3 vợ: một vợ là người Êđê, một vợ là người Chăm, và một vợ người kinh là công chúa, được chúa Nguyễn gả cho vua Pôrômê. Truyền thuyết nói rằng sau khi bà Bhih (một trong 3 người vợ của vua Pôrômê) mất, người ta đã đắp cho bà ngôi mộ thật to lớn, đó chính là núi Đá Bia ngày nay. Trong cộng đồng người Êđê cũng lưu truyền một truyền thuyết khác, người ta gọi núi Đá Bia là Kut Hbia Kmhêng (mộ bà chúa cọp). Chuyện kể rằng ngày xưa có hai anh em nhà nọ tên là Y Put và Y Tang, cả hai anh em đều rất lười biếng, không chịu làm việc. Một hôm Y Put sai em là Y Tang đi tìm rẫy và dặn phải chọn nơi rừng già. Y Tang đi tìm cả ngày, đến đâu anh ta cũng dùng rựa chặt thử vào cây, nhưng cây đều mềm, đều bị rựa chặt đứt nên anh ta cho không phải là rừng già; mãi đến khi gặp một bãi đá anh ta dùng rựa chặt thử và thấy cứng nên cứ ngỡ là mình đã tìm được rẫy như người anh dặn. Khi về nhà, mọi người nhìn chiếc rựa mẻ mới phát hiện ra anh ta chọn đất rẫy là một chỗ toàn là đá. Một hôm khác, người anh sai người em đi làm chòi canh rẫy và dặn phải tìm đủ bốn cây rừng để làm cột, người em lại bắt một con nai bốn chân mang về. Đến khi mẹ của Y Put và Y Tạng mất, do bản tính vốn lười biếng nên làm việc gì cũng rất vụng về, đến nỗi khi khiêng mẹ đi chôn, dọc đường xác mẹ rơi mất chỉ còn lại chiếc hòm không. Khi dựng nhà mồ cho mẹ của Y Put và Y Tạng, có cả mẹ con nhà cọp cũng tham gia. Vì cọp con còn nhỏ nên cọp mẹ mới nhờ Y Put trông giữ. Trong lúc cọp mẹ lo làm việc, vì cọp con nghịch ngợm nên bị Y Put giết chết. Khi cọp mẹ phát hiện đã nổi giận làm hung giữ và bắt dân làng phải đắp mộ cho cọp con, ngôi mộ rất to lớn, và đó là núi Đá Bia ngày nay.
Núi Đá Bia là danh sơn của tỉnh Phú Yên, trước kia người ta vẫn thường nói rằng: "Bi sơn bút thế, Nựu đánh quy hình" nghĩa là "Thế núi Đá Bia như ngòi bút, hình núi Chóp Chài như hình rùa” , hoặc câu: "Bi sơn sanh thánh chúa, Đà thuỷ xuất hiền thần". Các nhà nho ngày trước thường quan niệm rằng những ngọn núi nổi danh như núi Đá Bia, núi Chóp Chài, hay sông lớn như sông Đà Diễn (Đà Rằng) là những núi thiêng, sông thiêng, có liên quan đến sự sản sinh nhân tài và sự thịnh suy của một vùng đất. Vì vậy, núi Đá Bia có vị trí quan trọng trong đời sống tinh thần của nhân dân địa phương. Ở thời Nguyễn, núi Đá Bia được thống kê vào tự điển cúng tế, cùng với sông Đà Diễn, là cặp "Danh sơn đại xuyên", được triều đình cho phép các quan địa phương lập đàn cúng tế hàng năm, có quy định lễ phẩm cụ thể là một trâu và một lợn…
Cũng có truyền thuyết cho rằng tại núi Đá Bia có huyệt đế vương, vượng khí rất nhiều, khi Cao Biền (đời nhà Đường) sang làm tiến độ sứ đất Giao Châu, đi yểm long huyệt các nơi. Khi tới đây, ông ta thấy mạch đất tốt như vậy, bèn giả vờ đánh rơi kiếm xuống hồ Hảo Sơn (dưới chân núi Đá Bia) để chặt đứt long mạch, như vậy sẽ không có người tài xuất hiện…
Núi Đá Bia được xem là ngọn núi thiêng, có vị trí quan trọng trong đời sống tâm linh, đời sống tinh thần của người dân địa phương và gắn bó với họ suất quá trình đấu tranh khắc phục thiên nhiên, xây dựng và bảo vệ mảnh đất quê hương trong lịch sử hình thành và phát triển. Tên núi này không chỉ được nói đến ở thư tịch trong nước mà còn hiện diện trong nhiều cuốn cổ sử Trung Quốc; được lưu danh trong nhiều tác phẩm của các nhà nghiên cứu lịch sử địa lý nổi tiếng thời kỳ trung đại và cả trong những văn bản ghi chép của các nhà hàng hải phương Tây vào cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX. Núi Đá Bia gắn với nhiều sự tích, truyền thuyết đi liền với những nhân vật và sự kiện quan trọng trong lịch sử Việt Nam và lịch sử vùng đất Phú Yên. Trải qua các thời kỳ lịch sử, núi Đá Bia được biết đến với vai trò là cột mốc lớn trong việc phân định ranh giới giữa các nước và các vùng lãnh thổ. Đây cũng là nơi đọng lại những dấu ấn trong quá tình mở rộng cương vực của quốc gia Đại Việt ở những thế kỷ XV, XVI và XVII.
Núi Đá Bia hội tụ giá trị về nhiều mặt, vừa có giá trị về lịch sử - văn hoá vừa có giá trị về cảnh quan thiên nhiên. Địa danh này nằm trong khu vực tổng thể gắn kết với nhiều địa điểm phụ cận có những di tích, thắng cảnh nổi tiếng như Vũng Rô, Mũi Đại Lãnh, Núi Hiềm, Biển Hồ, Đập Hàn,... có nhiều bãi biển với vẻ đẹp nguyên sơ, tinh khiết như Bãi Xép, Bãi Bàng, Bãi Tiên, Bãi Môn,...rất có lợi thế về điều kiện tự nhiên, cảnh quan thiên nhiên kỳ thú, địa hình núi đa dạng, môi trường tự nhiên trong lành, hệ sinh thái được bảo tồn phong phú và liên tục tái sinh, phát triển với nhiều loài động thực vật đặc trưng của rừng nhiệt đới; nơi đây chứa đựng những tiềm năng lớn để đầu tư khai thác phát triển du lịch, với những loại hình du lịch văn hoá, du lịch sinh thái, nghiên cứu lịch sử, địa chất gắn với dịch vụ du lịch như: câu cá, tắm biển, bơi, lặn, leo núi, mạo hiểm, ngắm cảnh và thưởng ngoạn bức tranh “ Sơn thuỷ hữu tình”, bao gồm đầy đủ các yếu tố núi, sông, hồ, vịnh, ruộng đồng, làng mạc bên bờ đại dương mênh mông, quanh năm ồn ã sóng vỗ…
Núi Đá Bia - một di sản đá tự nhiên nổi tiếng, một địa danh gắn với nhiều truyền thuyết lịch sử, cũng là nơi có cảnh quan thiên nhiên kỳ thú, môi trường sinh thái đa dạng.
Tô Giang (tổng hợp)
Nguồn tài liệu tham khảo:
Báo du lịch http://www.baodulich.net.vn
Giao thông Sài Gòn https://sites.google.com
Du lịch miền Trung http://dulichmientrung.net