• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Phục hồi và phát triển du lịch thời kỳ hậu Covid-19 (Bài 3): Xây dựng sản phẩm phù hợp với xu thế

Du lịch 20/04/2022 06:33

(Tổ Quốc) - Có thể thấy rằng, bối cảnh sau đại dịch Covid-19 vừa mở ra nhiều cơ hội, đồng thời cũng đặt ra những thách thức rất lớn cho ngành Du lịch Việt Nam. Cơ hội đó là giúp ngành Du lịch nhận thấy những gì còn yếu, còn thiếu để đổi mới giúp thích nghi và phát triển một cách bền vững hơn. Thách thức cũng chính nằm ở tư duy đổi mới, phải đổi mới những gì, phải thích ứng thế nào trong hoàn cảnh chưa từng xảy ra.

Phục hồi du lịch thời kỳ hậu Covid-19 (Bài 3): Xây dựng sản phẩm phù hợp với xu thế - Ảnh 1.

Hình minh họa.

Nắm bắt nhu cầu du lịch thời kỳ hậu Covid-19

Theo ông Nguyễn Anh Tuấn - Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển Du lịch, đại dịch không những ảnh hưởng đến kinh tế-xã hội, mà còn ảnh hưởng rất nhiều đến thói quen, suy nghĩ, nhận thức của con người về cuộc sống, sức khoẻ, về nhu cầu tiêu dùng và hưởng thụ.

Vì vậy, nhu cầu du lịch, lựa chọn điểm đến, sản phẩm, dịch vụ cũng như những giá trị mà du khách muốn nhận được từ chuyến đi sẽ có những thay đổi lớn. Do đó, để nắm bắt được nhu cầu du lịch của du khách đòi hỏi các doanh nghiệp cần có sự đổi mới trong xây dựng sản phẩm.  

Có thể thấy, trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 vẫn chưa thể kiểm soát hoàn toàn, an toàn vẫn là yếu tố quan trọng đối với du khách sau đại dịch. Vì vậy, khách du lịch sẽ ưu tiên lựa chọn những điểm đến có mức độ dịch thấp, có hệ thống y tế tốt, những dịch vụ, điểm du lịch đảm bảo quy định về vệ sinh và an toàn phòng chống dịch, đồng thời cũng sẽ có xu hướng đến những nơi riêng tư, có sự cách biệt để hạn chế tiếp xúc đông người.

Ông Tuấn cho rằng, hậu Covid-19 đã và đang là mối lo lắng của xã hội thì việc được nghỉ ngơi, được chăm sóc sức khoẻ, thư giãn, phục hồi hoàn toàn sau khi nhiễm bệnh sẽ là một trong những nhu cầu mà du khách chắc chắn muốn hướng tới.

Do đó, những sản phẩm du lịch hướng tới nâng cao sức khoẻ đã, đang và chắc chắn sẽ trở thành xu hướng của xã hội hiện đại, đặc biệt là sau đại dịch. Ví dụ như các sản phẩm, dịch vụ gắn với trị liệu, làm đẹp, hoạt động thể thao như thiền, yoga, dưỡng sinh tại những khu nghỉ dưỡng, các không gian yên tĩnh, vắng vẻ.

Cũng theo ông Tuấn, các sản phẩm du lịch thời kỳ hậu Covid-19 cần hướng tới trở thành một công cụ giúp gắn kết gia đình, người thân, bạn bè. Theo đó, các nhà tổ chức tour có thể thiết kế các chương trình giành cho gia đình và nhóm gia đình, lựa chọn các điểm đến, các dịch vụ an toàn và phù hợp với nhiều đối tượng trong gia đình từ người cao tuổi đến trẻ nhỏ, thanh thiếu niên, các bậc phụ huynh.

Theo quan điểm của ông Nguyễn Công Hoan - Tổng Giám Đốc Flamingo Redtours, cùng với sự tốc độ phát triển về kinh tế là chất lượng cuộc sống được nâng cao, nhu cầu du lịch không chỉ là thăm quan khám phá, trải nghiệm mà còn là yêu cầu nghỉ ngơi, thư giãn về thể chất và tinh thần nhằm giảm tải áp lực cuộc sống, tái tạo năng lượng. 

"Dịch Covid 19 vừa qua càng khiến người tiêu dùng quan tâm nhiều hơn tới sức khoẻ, chăm sóc bản thân, thụ hưởng cuộc sống do vậy dòng sản phẩm du lịch nghỉ dưỡng càng được khẳng định vị thế của mình, trở thành một nhu cầu thường xuyên, liên tục đối với nhóm đối tượng khách hàng từ trung lưu trở lên" - ông Hoan nhận định.

Xây dựng sản phẩm phù hợp với các đối tượng

Nhận định về xu hướng du lịch nổi bật trong trạng thái bình thường mới, ông Cao Trí Dũng - Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Đà Nẵng cho rằng sẽ tập trung vào các đối tượng khách trẻ năng động và du khách tầm trung có lợi thế về mặt sử dụng Internet để tìm kiếm, tìm hiểu những sản phẩm du lịch trải nghiệm đang thu hút trên các nền tảng mạng xã hội, bloger.

Đối tượng tiếp theo đó là du khách lớn tuổi hơn và có thu nhập tốt quay lại đi du lịch nghỉ dưỡng tại các điểm đến an toàn và thuận tiện. Cùng với đó là các du khách là những nhà đầu tư đi lại để vừa tìm kiếm cơ hội đầu tư vừa nghỉ dưỡng ở các địa phương có thế mạnh trong thu hút đầu tư cũng như thị trường bất động sản có khả năng sinh lời cao.

Theo ông Dũng, dựa trên sự chuyển dịch xu hướng của du khách trong trạng thái bình thường mới, các doanh nghiệp lữ hành cần tập trung xây dựng các nhóm sản phẩm có các điểm nhấn về mặt trải nghiệm phù hợp với từng nhóm đối tượng khách hàng khác nhau.

Theo đó, đối với nhóm du khách trẻ, năng động cần tập trung hướng đến nhóm các sản phẩm có tính chất trải nghiệm, check-in mặc dù rất thu hút khách nhưng xu thế sẽ thay đổi liên tục nên cần phải liên tục làm mới và cập nhật theo các xu hướng.

Với nhóm khách lớn tuổi và nhóm khách Inbound cần tập trung vào các sản phẩm nghỉ dưỡng an toàn, xanh, thân thiện môi trường, tăng cường trải nghiệm văn hoá địa phương.

Đồng thời, sản phẩm du lịch tại các điểm đến phải có sự kết hợp giữa các điểm du lịch truyền thống với du lịch cộng đồng, có các chương trình lễ hội văn hóa ẩm thực địa phương.

"Ngoài ra, từng thị trường khách sẽ có những đặc điểm khác nhau khi chọn điểm đến cũng như dịch vụ phù hợp với mình. Du khách ở các vùng đô thị thường có nhu cầu về các sản phẩm du lịch biển đảo, du lịch sinh thái thiên nhiên" - ông Cao Trí Dũng cho hay./.


Bài 4: Giải bài toán về nguồn nhân lực



Bảo Trân

NỔI BẬT TRANG CHỦ