(Tổ Quốc) - Cuối phần luận tội, đại diện VKS đề nghị HĐXX bác kháng cáo của Bùi Văn Công và Vương Văn Hùng. Đồng thời không chấp nhận kháng án của ông Cao Văn Hường.
Các bị cáo khai bị ép cung, nhục hình
Ngày 16/6, HĐXX TAND Cấp cao xét xử 9 bị cáo trong vụ án bắt cóc, hiếp dâm, sát hại dã man nữ sinh giao gà Cao Mỹ Duyên ở Điện Biên.
Trả lời thẩm vấn, bị cáo Vương Văn Hùng phản bác án sơ thẩm quy kết anh ta phạm tội Giết người, Hiếp dâm. Vương Văn Hùng cho rằng bị oan vì chỉ tham gia bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản chứ không cùng thực hiện các hành vi phạm tội khác.
Hùng cũng khai trong quá trình điều tra đã bị bức cung, dùng nhục hình. Khi VKS đến phúc cung, Hùng đã trình bày về việc bị ép cung nhưng kiểm sát viên không nghe.
Vương Văn Văn Hùng còn cho rằng rất nhiều bản cung chỉ được ký chứ không được nghe điều tra viên đọc.
"Có lần, điều tra viên còn đưa 6 - 7 tờ giấy lấy cung bắt bị cáo ký khống. Bị cáo yêu cầu viết lời khai vào đó rồi mới ký song không được chấp nhận", Hùng trình bày.
Trong khi đó, luật sư do toà chỉ định của Vương Văn Hùng cho rằng, quá trình làm việc trong trại giam không thấy thân chủ thông báo về việc bị ép cung. Vị luật sư nói sẽ làm việc lại với VKS để làm rõ vấn đề này.
"Vậy bị cáo có đơn kháng nghị chưa?", chủ toạ hỏi thì Hùng khẳng định đã làm đơn nhưng không được gửi đi. Tuy nhiên, trong đơn kháng cáo Hùng viết hết về việc từng bị bức cung nhiều lần.
Bị cáo Vương Văn Hùng.
Bị cáo Bùi Văn Công nói bị ép cung, "sáng đánh, chiều lấy lời khai"
Bị cáo Bùi Văn Công trong phần trả lời đã lớn giọng nói bị oan. Công khai, quá trình điều tra bị đánh đập nhiều lần, "sáng đánh, chiều lấy lời khai". Điều tra viên đưa cho nhiều tờ khai trắng bắt ký.
"Sao lúc gặp luật sư bào chữa ở cơ quan điều tra, bị cáo không nói về việc bị bức cung?", chủ toạ hỏi. Công cho hay tâm trạng lúc nào cũng hoang mang, hoảng loạn nên không dám nói ra. Công cho rằng các luật sư bào chữa đều do cơ quan điều tra chỉ định nên có nói ra cũng vô ích.
Khi HĐXX truy vấn, lý do gì mà bây giờ bị cáo lại dám khai sự thật? Công đáp, ra trước toà có đông người nên mới dám.
Cuối phần xét hỏi, đại diện VKSND Cấp cao tại Hà Nội cho hay ông Cao Văn Hường (bố nạn nhân) đã rất nhân văn khi xin không tử hình các bị cáo. Công hãy khai báo như thế nào cho đúng với lương tâm và sự thật khách quan. Nhưng đại diện VKS chưa dứt lời Công lớn giọng nói, "bị cáo yêu cầu ai làm sai cứ tử hình, không cần kháng cáo hay giảm nhẹ gì hết".
Bị cáo Bùi Văn Công.
Ngoài Công và Hùng, bị cáo Phạm Văn Nhiệm trong phần trả lời buổi sáng cũng cho rằng mình bị oan, không phạm tội như bản án sơ thẩm quy kết. Nhiệm khai từng bị điều tra viên ép cung, mớm cung nên mới nhận tội. Có lần, bị cáo còn phải chép lời khai vào bản tự khai do điều tra viên đọc.
Tuy nhiên đến buổi chiều Nhiệm bất ngờ thừa nhận lại hành vi phạm tội, thừa nhận tòa cấp sơ thẩm xử như vậy là đúng người đúng tội. "Lúc đó tôi không ý thức được nên mới khai như vậy, tòa xét xử tôi là đúng", Nhiệm nói.
Y án tử hình 6 bị cáo
Sáng 17/6, TAND cấp cao tại Hà Nội đã bác kháng cáo của Vì Văn Toán, Bùi Văn Công và Vương Văn Hùng, tuyên y án tử hình. Đây là 3 trong 9 bị cáo kháng cáo liên quan vụ sát hại nữ sinh giao gà.
Ngoài ra, HĐXX không chấp nhận kháng cáo của đại diện gia đình bị hại về việc không tử hình 6 bị cáo để làm rõ nhiều tình tiết quanh cái chết của nạn nhân Cao Mỹ Duyên.
Cuối cùng HĐXX tuyên y án tử hình với 6 bị cáo: Vì Văn Toán, Bùi Văn Công, Vương Văn Hùng, Phạm Văn Nhiệm, Lường Văn Hùng và Lường Văn Lả về các tội "Giết người, Hiếp dâm, Bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản".
Đối với Bùi Văn Công chỉ thừa nhận hành vi tàng trữ ma túy, không thừa nhận các hành vi khác. Vương Văn Hùng cũng chỉ nhận tội bắt cóc nạn nhân. Nhưng căn cứ lời khai các bị cáo khác và kết quả giám định của cơ quan chức năng, VKS thấy có đủ căn cứ xác định Công, Vương Văn Hùng và Phạm Văn Nhiệm phạm các tội "Giết người, Hiếp dâm và Bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản".
Cha nữ sinh Cao Mỹ Duyên.
Đối với kháng cáo của ông Cao Văn Hường, xin không tử hình 6 bị cáo vì gia đình cho rằng vụ án còn có người khác đứng sau. Theo người giữ quyền công tố, các bị cáo trong vụ án có sự tổ chức, cấu kết và cùng bàn bạc với nhau rất chặt chẽ. Toán và nhóm của Công còn chuẩn bị công cụ phạm tội, lên kế hoạch gây án sau đó bàn nhau cách trốn tội rất tỉ mỉ.
Ngoài ra, giám định viên của Bộ Công an cũng trả lời những thắc mắc của gia đình xung quanh các dấu vết ADN, vết máu liên quan vụ án. Đây là các căn cứ khoa học.
Đại diện VKS nhấn mạnh xuyên suốt vụ án, Vì Văn Toán giữ vai trò chủ mưu, cầm đầu thông qua việc lên kế hoạch bài bản từ trước khi bắt cóc Duyên, cho đến khi nữ sinh bị sát hại. Chính Toán cũng là người thúc đẩy các bị cáo khác gây án.
Bùi Văn Công là người bắt giữ Duyên và làm theo chỉ đạo của Toán. Còn Vương Văn Hùng là người trợ giúp cho Toán và Công bắt cóc Cao Mỹ Duyên.