• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Phục trang trong phim Việt Nam: Lợi bất cập hại...

09/09/2007 16:15

Phim ảnh và diễn viên ngôi sao là kênh dễ tác động đến gu thời trang, thẩm mỹ và cách lựa chọn trang phục của khán giả trẻ. Khi xem phim, khán giả không chỉ bình luận về nội dung, diễn xuất mà còn quan tâm cả phần phục trang.

Phim ảnh và diễn viên ngôi sao là kênh dễ tác động đến gu thời trang, thẩm mỹ và cách lựa chọn trang phục của khán giả trẻ. Khi xem phim, khán giả không chỉ bình luận về nội dung, diễn xuất mà còn quan tâm cả phần phục trang.

Các nhân vật trong phim Các nhân vật trong phim "Tuyết nhiệt đới" diện những bộ trang phục rất đẹp về cả kiểu dáng và màu sắc.

Theo xu thế cạnh tranh với phim Hàn, phim Nhật, phim Trung Quốc, Đài Loan... phim Việt đã rất chú trọng đến trang phục của diễn viên. Chỉ có điều, sự chú ý đó nhiều khi chưa thật "trúng", chưa thật ổn, thậm chí lợi bất cập hại.

Đẹp...

Trước đây việc xin tài trợ cho phim rất khó khăn vì ngành thời trang ở ta chưa phát triển, phim ảnh cũng ít và chưa thu hút được người xem. Chỉ vài năm nay, phim truyền hình sản xuất nhiều, không ít người đẹp, người mẫu đóng phim; ngành thời trang hưng thịnh hơn và đã xem phim ảnh là một kênh tiếp thị sản phẩm hữu hiệu nên nhiều đơn vị dễ dàng nhận tài trợ trang phục cho phim.

"Dốc tình" (sản xuất 2003) là bộ phim truyền hình dài tập có sự xuất hiện của dàn diễn viên chính gồm các người mẫu trẻ đẹp như Huy Khánh, Tăng Thanh Hà, Bảo Hoà và cũng là phim đầu tiên có nhà tài trợ trang phục - Nino Maxx.

Bộ phim "Công ty thời trang" xoay quanh chuyện của các nhà thiết kế, được sắm vai bởi: Trương Ngọc Ánh, Bình Minh... nên được nhiều nhãn hiệu thời trang như Hồng Ty, Sanding, Dexnol cũng cung cấp trang phục. Tương tự, "Hương phù sa", "Cô gái xấu xí" được thời trang Foci tài trợ; "Miền đất phúc" do gấm Thái Tuấn cung cấp trang phục; còn "Tuyêt nhiệt đới" thì đặt trang phục từ các nhãn hiệu Thuần Việt, Oxy, Trương Thanh Long. Tóm lại, với "động thái" này, hãng thời trang thì được tiếng còn nhân vật trên phim thì được mặc đẹp!

... nhưng không hợp

Thế nhưng, bộ phim "Dốc tình" phát sóng thì bị khán giả chê vì các mốt trên phim không chỉ nhan nhản ngoài đường mà còn "lỗi mốt" so với thị trường. Đạo diễn H.N phàn nàn về một "chân dài" khi đóng vai sinh viên hiền dịu, mơ mộng nà cứ "diện" quần ống túm, áo hai dây, khoác áo lửng, trang điểm đậm, túi khoác xịn, tóc chải cầu kỳ trong cảnh quay lên giảng đường. Phim "Ván cờ tình yêu" nói về nghề thiết kế quảng cáo, tuy các nhân vật có tính cách hiện đại, làm việc trong môi trường sáng tạo, trẻ trung nhưng có nên để các nhân vật của Hà Kiều Anh, Helen Thanh Đào, Ngọc Nga... hồn nhiên diện váy ngắn quá cỡ "tung tăng" nhiều lần trong công sở?

Nhân vật Mây Trắng trong phim "Hoa dã quỳ" thì cứ áo hai dây đạp xe vòng vòng, váy hở ngực sâu cả tấc trong cảnh ba mẹ con ôm nhau khóc trong cuộc hội ngộ khiến khán giả "kêu" hoài trên các diễn đàn. Lý do: "Con nhà lành" không ai ăn mặc như thế. Lẽ ra cảnh hội ngộ đó phải gây được sự xúc động cho người xem nhưng vì quá "ấn tượng" với chiếc váy hở "3/4 ngực" đó mà người xem... trơ trơ cảm xúc.

Ở "Tuyết nhiệt đới" có cảnh Lam và Hải mặc quần áo mùa đông kiểu dáng và màu ắc rất đẹp, rất nổi đạp xe dưới những tán bằng lăng nở tím ngát lãng mạn của Hà Nội. Nhưng đáng tiếc làm sao, trên thực tế thì ở Hà Nội, hoa bằng lăng chỉ nở rộ vào... mùa hè. Còn trong "Hoa dã quỳ", trang phục như món "lẩu Đông - Hè": Trong khi các nhân vật nam mặc đồ mùa đông ấm áp thì các nhân vật nữ cứ phong phanh áo hai dây.

Lỗi tại ai?

Vì sao trang phục trên phim Việt dù đẹp nhưng vẫn bị chê tơi tả? "Lạm dụng" tâm lý thích "mặc đẹp" như phim ngoại mà nhiều đạo diễn, diễn viên đã cố tình biến màn ảnh thành sàn diễn thời trang. Ai cũng hiểu trang phục trong phim khác với trang phục biểu diễn, phải gần gũi với đời thường, phù hợp với nhân vật và thẩm mỹ chung của nhiều người. Vì thế, nếu có tài trợ trang phục thì cũng phải may riêng cho từng vai diễn và từng bộ phim chứ không thể dùng mẫu thiết kế có sẵn hay đưa diễn viên đến shop để tự chọn đồ.

Trên thực tế, nếu không được tài trợ, chính diễn viên sẽ "tự lo" trang phục cho mình. Ý thức về hình ảnh của mình nên không diễn viên vào muốn luộm thuộm trên màn ảnh. Họ thường huy động trang phục có sẵn hoặc đi lùng mua trang phục mới cho đẹp, phù hợp. Với những người kỹ tính, không ít lần chi phí mua trang phục vào phim đã làm "âm" số tiền cát -xê nhận được.

Mặt khác, khi tự chuẩn bị trang phục, đa số diễn viên thường nghĩ tới mình trước khi nghĩ tới nhân vật. Thế mới có chuyện nhân vật ở trong quán cà phê hay ngoài cánh đồng vẫn chỉnh tề, bóng loáng từ quần áo tới giày dép; nhân vật là sinh viên, nhân viên văn phòng mà ăn mặc như người mẫu chuẩn bị lên catwalk.

Vẫn biết phim ta phải cạnh tranh với phim ngoại trên nhiều mặt, trong đó có trang phục nhưng cạnh tranh thế nào cũng phải xét kỹ. Trong phim Hàn Quốc, Trung Quốc, nhân vật ăn mặc đẹp chứ không quá hở hang, mát mẻ. Hơn nữa, họ luôn tính đến yếu tố phụ. Nếu tinh mắt khán giả sẽ nhận được vô số lỗi về không gian và thời gian từ trang phục trong phim việt.

Trong nhiều phim truyền hình Việt Nam hiện nay, từ vai trò tô điểm, làm đẹp cho phim, trang phục đã trở thành "vũ khí" khoả lấp sự nhạt nhoà trong diễn xuất của diễn viên, người xem chỉ chăm chú vào trang phục và... phát hiện ra "sạn". Vì thế mà chuyện mặc đẹp của phim Việt đã không còn đẹp đúng nghĩa!

(Theo Thời trang trẻ)

NỔI BẬT TRANG CHỦ