(Tổ Quốc) - Kiến trúc sư Đào Ngọc Nghiêm- đồng thời là vị Kiến trúc sư trưởng đầu tiên của Việt Nam trao đổi với phóng viên Báo điện tử Tổ Quốc cho hay, đề xuất này là kiểm tra lại các đề xuất trước chứ không có gì mới và việc này diễn ra trong 20 năm nay rồi.
- Thưa ông, Viện Quy hoạch đô thị và nông thôn quốc gia (VIUP) vừa qua đã gửi Bộ trưởng Bộ Xây dựng báo cáo bổ sung phương án quy hoạch xây dựng hệ thống trụ sở làm việc các bộ, ngành trung ương tại Hà Nội. Xin ông cho vài nhận định về vấn đề này?
+ Việc đề xuất di dời các cơ sở công nghiệp, một số trường đại học, cơ sở y tế, bộ ngành đã có từ năm 1990 và thể hiện rõ nhất trong Quy hoạch chung Hà Nội năm 1992. Vấn đề này được nhấn mạnh hơn nữa trong quy hoạch năm 1998.
Kể từ đó, Hà Nội đã cụ thể hóa bằng các quy hoạch chi tiết. Nhiều vị trí được di dời cho trụ sở bộ, ngành. Tính tới năm 2005 đã thực hiện di dời được 4 trụ sở bộ, ngành ra vị trí mới. Như Bộ Nội vụ; Ủy ban Khoa học; Bộ Tài nguyên, Môi trường; Thanh tra Chính phủ.
Từ 2005 tới 2015 có 7 bộ, ngành có phương án di dời bộ, ngành và Hà Nội sau quy hoạch 1998 và đặc biệt là sau Quy hoạch được duyệt 2011 sau khi mở rộng địa giới thì đã có quy hoạch các khu để di dời trụ sở các bộ ngành.
Ví dụ năm 2001 có quy hoạch Tây Hồ Tây dành mấy chục ha cho các bộ ngành thành trung tâm mới hay Mỹ Đình cũng dành ra trụ sở trong đó có Bộ Công an…
Việc này đã đề xuất nhiều năm, thực hiện thành công di dời một số trụ sở, một số đang triển khai và đề xuất lần này là kiểm tra lại các đề xuất trước chứ mới hay không thì không có gì mới. Việc này diễn ra trong 20 năm nay rồi.
VUIP đưa ra 3 phương án di dời trụ sở các bộ, ngành. Phương án có mức chi phí cao nhất là 17.000 tỷ đồng. Trong ảnh là trụ sở Bộ Xây dựng, phố Lê Đại Hành, Hai Bà Trưng, Hà Nội.
- Vậy trong toàn bộ quá trình dài vừa qua, việc di dời các trụ sở gặp các khó khăn gì thưa ông?
+ Trong qúa trình di dời còn những khó khăn không thực hiện được. Trong Luật Thủ đô khẳng định: việc di dời trụ sở một số bộ ngành, Hà Nội được sử dụng để làm các công trình công cộng, không gian xanh và đây là tiêu chí không thể thực hiện được nếu không có đất mới.
Thứ 2 là nguồn lực thực hiện từ đâu?
Thứ 3, các bộ, ngành trong nội đô trong đó chủ yếu ở quận Ba Đình, Hoàn Kiếm thì đây là các bộ ngành đã hình thành từ khi hòa bình lập lại 1954, được hơn 70 năm rồi. Trong khi đó nhiều công trình kiến trúc được nhận diện là di sản thời Pháp hoặc là di sản giai đoạn trước đổi mới.
Đối với công trình di sản thời Pháp thì trong luật đã xác định bảo tồn một số công trình. Nên việc di dời trụ sở hiện nay chưa nhận diện được đầy đủ hiện trạng giá trị kiến trúc và quỹ đất cho nên đưa ra các đề xuất, giải pháp không thực hiện được.
Ví dụ như Bộ Giao thông, vận tải, lúc đó đề xuất phá tất cả các nhà, trong đó có một tòa là di sản từ thời Pháp để lại, hay các công trình được xây dựng mang đậm dấu ấn sau hòa bình lập lại của lớp kiến trúc sư đầu tiên được đánh giá là có giá trị như trụ sở Bộ Kế hoạch, đầu tư, Tổng cục Thống kê, Trụ sở Bộ Quốc phòng cũ ở phố Phùng Hưng… Nhiều trụ sở khác cũng đều không thực hiện được.
Ngoài giải pháp nguồn lực được đưa ra thì việc tìm địa điểm là vấn đề quan trọng. Nhưng tôi cho rằng, phải nhận diện được giá trị của vị trí đất phải di dời đi như thế nào để đưa ra mục tiêu sử dụng đất cho phù hợp với quy hoạch chung và đảm bảo cho cả Hà Nội phát triển có lợi thì chưa hề đề cập đến.
Chính phủ có chỉ đạo về lộ trình nhưng chưa nêu được vấn đề này.
Một vấn đề nữa còn khó khăn mà chưa đưa ra được là phải có một điều chỉnh lại thể chế, luật hiện nay. Trong Luật Đất đai thì đây là đất thuê của Nhà nước từ 30, 50, 70 năm nên họ không giao trả cho Hà Nội khi còn đang trong giai đoạn được giao thì họ toàn quyền sử dụng đất đó.
Để giải quyết vấn đề này, khoảng đầu năm 2018 Hà Nội đã xin cơ chế đặc thù, giao đất này cho Hà Nội và Hà Nội có trách nhiệm tìm đất mới cho các bộ ngành nhưng cơ chế này chưa được phê duyệt. Đó cũng là khó khăn cho việc di dời hiện nay.
- Theo ông, đâu là giải pháp cho vấn đề này?
+ Quan trọng là quy trình này phải có Hà Nội vào cuộc, các nhà quy hoạch vào cuộc nhận diện di sản chứ không phải là theo đề xuất các bộ kêu gọi chủ đầu tư đấu giá đất. Bởi khi đấu giá đất rồi, họ lại phá đi để làm khu chung cư, trung tâm thương mại… thì lại không phù hợp với quy hoạch chung.
Khi tôi còn làm KTS trưởng, việc di dời trụ sở Quốc hội đã phải làm rất kỹ lưỡng. Còn cách làm hiện nay là phiến diện, cho nên phải có sự tham gia của cộng đồng chuyên gia chuyên ngành, công bố công khai, lấy ý kiến rộng rãi chứ không phải giao cho các chủ đầu tư đấu thầu đất trước, sau này theo cơ chế xin cho thì lại tiếp tục gây sức ép cho nội đô Hà Nội.
Một bài học nữa mà theo tôi, việc này cần có sự chỉ đạo. Bài học kinh nghiệm tại Thủ đô Kuala Lumpur, Malaysia. Họ đã xây dựng các khu nhà ở cho cán bộ và cơ sở hạ tầng đồng bộ, khép kín khi xây dựng các trụ sở bộ, ngành mới, không gây ra xáo trộn đi lại. Đồng thời có mức giá ưu đãi cho khu ở mới, cấp nhà, giảm một nửa tiền nhà, hoặc thuê nhà…
Theo thống kê sơ bộ chúng ta có 29 bộ ngành với khoảng 30 vạn cán bộ viên chức, lần này di dời thì rơi vào khoảng 20 vạn viên chức.
- Với các trụ sở bộ, ngành có giá trị về mặt di sản, theo ông làm thế nào để các trụ sở này không bị lãng quên trong quá trình di dời trụ sở bộ, ngành?
+ Trụ sở các bộ ngành bên cạnh quỹ đất không nhiều (hơn 11ha trong nội đô) nhưng về mặt kiến trúc có những công trình có giá trị di sản từ thời Pháp thuộc và có cả các công trình là biểu tượng của thời kỳ xây dựng chủ nghĩa xã hội. Về nội dung này, Hà Nội có hẳn một nghiên cứu và đề xuất Nhà nước công nhận nhưng chưa được công nhận.
Trong luật có đề cập việc bảo tồn các công trình từ năm 1954 nhưng luật lại chưa điều chỉnh các công trình có giá trị từ năm 1954 đến 1986. Việc này phải có quy chế riêng của Hà Nội để nhận diện, bảo tồn các công trình có giá trị.
- Xin cảm ơn ông đã dành thời gian trao đổi!
Phương án di dời thứ nhất: đề xuất di chuyển trụ sở 12 bộ, ngành về khu vực Tây Hồ Tây trên khu đất có diện tích 35 ha. Các Bộ sẽ di chuyển về đây gồm Bộ Kế hoạch & Đầu tư, Công Thương, Tư pháp, Xây dựng, Giao thông Vận tải, Lao động - Thương binh Xã hội, Y tế, Nông nghiệp & Phát triển nông thôn, Văn hóa - Thể thao - Du lịch, Thông tin & Truyền thông, Bộ Giáo dục & Đào tạo, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Riêng trụ sở Bảo hiểm Xã hội Việt Nam đang xây dựng tại Mễ Trì Hạ.
Nguồn VIUP
Phương án di dời thứ hai, là đề xuất chuyển 12 trụ sở bộ, ngành và Bảo hiểm Việt Nam về Mễ Trì Hạ. Theo đó, bình quân mỗi cơ quan sẽ có diện tích 1,8-3 ha. Phần diện tích còn lại được dùng để bố trí hồ điều hòa, nhà khách, nhà công vụ, công viên cảnh quan... Do tính cả nhân sự của Bảo hiểm Việt Nam nên tổng số người làm việc dự kiến khoảng 15.000 người.
Nguồn VIUP
Phương án di dời thứ ba, VIUP đề xuất sẽ bố trí 13 cơ quan tại 2 khu vực Tây Hồ Tây và Mễ Trì Hạ. Trong đó 20 ha tại Tây Hồ Tây bố trí 6 bộ, ngành, bình quân 2-3 ha mỗi cơ quan. Ở Mễ Trì Hạ, trên 55 ha sẽ bố trí 7 cơ quan với diện tích 3-4 ha mỗi đơn vị. Phương án này đưa ra mức tiền dự tính cao nhất với 17.000 tỷ đồng, trong đó vốn chuyển đổi cơ sở cũ 12.000 tỷ đồng, vốn ngân sách nhà nước 5.000 tỷ đồng.
Nguồn VIUP