(Tổ Quốc) - Ngành công nghiệp đồ ăn nhanh Trung Quốc đang ngày càng trở nên cạnh tranh khốc liệt hơn.
Theo một thống kê của Euromonitor, ngành công nghiệp đồ ăn nhanh tại Trung Quốc hiện có giá trị lên tới 131 tỷ USD/năm. Tuy nhiên, với tăng trưởng kinh tế đang bị chững lại, đòi hỏi của người tiêu dùng ngày càng cao và sự cạnh tranh trực tiếp từ các thương hiệu nội địa, những "ông lớn" đồ ăn nhanh của Mỹ như KFC, McDonald's… đang ngày phải nỗ lực hơn nữa nếu không muốn bị tụt lại trong cuộc chạy đua khốc liệt tại quốc gia đông dân nhất thế giới.
KFC được coi là câu chuyện thành công nhất của đồ ăn nhanh Mỹ tại Trung Quốc. Xuất hiện tại nước này từ 30 năm trước, đến giờ, KFC có tới 6.000 cửa hàng, trong khi số cửa hàng của McDonald's chỉ bằng khoảng một nửa. Năm ngoái, lợi nhuận hoạt động của KFC tăng 11% và Trung Quốc hiện là thị trường toàn cầu lớn nhất của hãng này.

Mặc dù cánh gà hiện đang rất được ưa chuộng tại Trung Quốc, nhưng giới phân tích cho rằng, thành công của KFC là do họ biết cách thay đổi để phù hợp với khẩu vị người dân nơi đây. Thực đơn của KFC có rất nhiều các món ăn địa phương như cháo, bánh trứng phong cách Trung Quốc và trà sữa…
Benoit Garbe, một đối tác cấp cao tại công ty tư vấn Prophet Thượng Hải nói, nhiều người Trung Quốc giờ đây coi KFC giống như "một thương hiệu Trung Quốc hơn là phương Tây".
Không chỉ chú trọng vào thực đơn, KFC còn nhanh nhậy khi nắm bắt xu thế gọi đồ ăn qua ứng dụng di động của người dân Trung Quốc. Ứng dụng KFC Trung Quốc có hơn 160 triệu người sử dụng. Hơn 2/3 số đơn đặt hàng tại Trung Quốc được chi trả thông qua di động.
Một gã khổng lồ khác trong lĩnh vực nhà hàng đến từ Mỹ là Starbuck cũng đã "học tập" KFC. Trước những cạnh tranh từ thương hiệu nội địa Luckin Coffee – vốn hoạt động chủ yếu dựa vào đặt đồ trực tuyến trên ứng dụng, năm ngoái Starbuck đã hợp tác với tập đoàn công nghệ Trung Quốc Alibaba để phát triển một dịch vụ tương tự.
Cùng thuộc chung tập đoàn mẹ với KFC, nhưng Pizza Hut lại không đạt được thành công như vậy. Với hơn 2.000 cửa hàng tại Trung Quốc, năm ngoái, doanh thu của Pizza Hut ở thị trường này giảm 1% và lợi nhuận hoạt động lao dốc tới 38%. Những nỗ lực không thành công của thương hiệu pizza nhằm thu hút khách hàng Trung Quốc bao gồm giới thiệu các loại nhân pizza đặc biệt như ốc biển…, và sử dụng phục vụ là robot…
Để cải thiện hình ảnh – bị đánh giá là đã trở nên lỗi thời, Pizza Hut mới đây đã thay đổi thiết kế một số cửa hàng của mình, như có thêm khu vực bar, bếp mở…, nhằm đem lại "một trải nghiệm ăn uống hiện đại và thời trang hơn".
Tuy vậy, theo giới phân tích, những cố gắng trên có thể sẽ không đủ. Những vấn đề của Pizza Hut phản ảnh những cạnh tranh dữ dội để "thuyết phục" người dân Trung Quốc tiêu tiền. Trong những năm gần đây, các sự lựa chọn ăn uống cho tầng lớp trung lưu nước này đang ngày càng nở rộ.
Pizza Hut phải đối mặt với những thương hiệu Trung Quốc như chuỗi lẩu Tứ Xuyên Haidilao hay nhà hàng Nhật Yoshinoya…
"Cạnh tranh vô cùng căng thẳng", Jeffrey Towson, một giáo sư kinh doanh tại Đại học Bắc Kinh nhận xét. "Tại Trung Quốc, thực đơn của bạn phải có 100 món và dày 1,3cm. Bạn phải tham gia cuộc chạy đua liên tục thay đổi không bao giờ kết thúc".