• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

PTT Vương Đình Huệ chủ trì Hội nghị về thích ứng với BĐKH, quản lý tổng hợp tài nguyên nước vùng ĐBSCL

Thời sự 26/09/2016 10:49

Ngày 26/9 tại TP. Cà Mau, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, Trưởng Ban chỉ đạo Tây Nam Bộ đã chủ trì Hội nghị về thích ứng với biến đổi khí hậu, quản lý tổng hợp tài nguyên nước vùng Đồng bằng sông Cửu Long.

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ chủ trì Hội nghị. Ảnh: VGP/Thành Chung

Hội nghị này do Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với Ban chỉ đạo Tây Nam Bộ, UBND tỉnh Cà Mau và Bộ NN&PTNT tổ chức, có sự tham dự của nguyên Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng, nguyên Phó Thủ tướng Trương Vĩnh Trọng, Bí thư tỉnh ủy, Chủ tịch UBND của 13 tỉnh, thành phố trong vùng, lãnh đạo các bộ, ngành, tổ chức quốc tế.

Trong một vài năm qua, Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) bị đe dọa nghiêm trọng nhất từ biến đổi khí hậu. Những vấn đề hiện hữu theo kịch bản biến đổi khí hậu đang đặt ra với Cà Mau nói riêng và khu vực ĐBSCL nói chung là bờ biển bị xâm thực và mặn hóa ngày càng xâm nhập sâu... Bên cạnh đó, việc tăng cường các hoạt động khai thác tài nguyên nước trên thượng nguồn, nhất là hoạt động khai thác thủy điện trên dòng chính sông Mekong, đã làm ảnh hưởng đến dòng chảy, làm chuyển nước sang lưu vực sông khác, làm trầm trọng thêm nguy cơ cạn kiệt nguồn nước.

Cuối năm 2015, đầu năm 2016, ĐBSCL đã chịu đợt khô hạn và xâm nhập mặn lớn nhất từ trước tới nay, khiến cho tốc độ tăng trưởng, năng suất, diện tích sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản đều giảm, ước thiệt hại trong 6 tháng đầu năm là gần 4.700 tỷ đồng. Theo dự báo của Bộ KH&ĐT, 45% diện tích toàn vùng có thể bị nhiễm mặn nếu các đập thủy điện đầu nguồn sông Mekong tích nước, không cung cấp đủ nước để đẩy mặn ra biển.

Một con kênh nội đồng của huyện Trần Đề, tỉnh Sóc Trăng khô cạn nước ngọt hồi tháng 2/2016. Ảnh: Internet

Ảnh hưởng tiêu cực của biến đổi khí hậu đối với tự nhiên và sinh kế của người dân trong vùng là một trong những thách thức rất lớn đối với Chính phủ, chính quyền địa phương và trực tiếp là hơn 20 triệu dân đang sinh sống tại đây. Trước diễn biến này, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, Trưởng Ban chỉ đạo Tây Nam Bộ hồi tháng 7 mới đây đã chỉ đạo Thường trực Ban chỉ đạo nhanh chóng phối hợp với Bộ TN&MT và các bộ, ngành liên quan tổ chức hội nghị này nhằm xác định giải pháp tổng thể lâu dài và cùng nhau đổi mới tư duy và thống nhất nhận thức mới đối với khu vực ĐBSCL.

Bộ trưởng Bộ TN&MT Trần Hồng Hà nhìn nhận: “Trước tác động của biến đổi khí hậu ĐBSCL hôm nay không còn là miền đất trù phú mang lại sinh kế lâu dài, thuận lợi cho người dân như bao đời nay. Vì vậy, chúng ta cần thay đổi tư duy phát triển. Chúng ta không thể dựa vào sự ưu đãi của thiên nhiên ban tặng mà cần dựa vào trí tuệ, tri thức và công nghệ để phát triển bền vững, khắc phục thách thức do biến đổi khí hậu để ĐBSCL phát triển lâu dài”.

Tại hội thảo, các nhà khoa học, lãnh đạo các bộ, ngành và địa phương sẽ thảo luận về kịch bản biến đổi hậu và nước biển dâng tác động đến tài nguyên nước của vùng; các giải pháp thích ứng với biến đổi khí hậu và quản lý nước cho từng tiểu vùng ĐBSCL; giải pháp quản lý, giám sát hạn, lũ lụt và xâm nhập mặn; xây dựng các mô hình kinh tế-sinh kế thích ứng với xâm nhập mặn…

 

NỔI BẬT TRANG CHỦ