• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

PVTEX từ một “xác sống”, nay trở nên hồi sinh thực sự

Kinh tế 17/08/2018 08:07

(Tổ Quốc) - Dự án Công ty Cổ phần Hóa dầu và Xơ sợi Dầu khí (PVTEX) sẽ sớm thoát ra khỏi danh sách 12 dự án “nghìn tỷ đắp chiếu” của Bộ Công Thương và hồi sinh mạnh nhờ “cái bắt tay” của Tập đoàn An Phát.

PVTEX từ một “xác sống”

"Cái bắt tay" giữa An Phát và PVTEX sẽ vực PVTEX dậy và hồi sinh. (Ảnh: Minh Khánh)

Sau hơn 1 năm Ban Chỉ đạo Chính phủ, các bộ ngành liên quan quyết liệt triển khai các giải pháp xử lý tổng thể, đến nay, nhiều dự án trong số 12 dự án thua lỗ yếu kém của ngành công thương đã có sự chuyển biến tích cực.

Cụ thể, cả 4 dự án sản xuất phân bón thua lỗ của Vinachem đều đã hoạt động tốt hơn. Các dự án còn lại gồm: DAP Lào Cai, Phân đạm Ninh Bình, Phân đạm Hà Bắc đã vận hành ổn định.Tương tự như vậy, nhóm các dự án của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) cũng đã có tín hiệu khả quan, trong đó, dự án yếu kém đến mức phải ngừng hoạt động trong thời gian dài là Nhà máy xơ sợi Đình Vũ của Công ty Cổ phần Hóa dầu và Xơ sợi Dầu khí (PVTEX) cũng đã hồi sinh mạnh mẽ nhờ có “cái bắt tay” của Tập đoàn An Phát.

Ngày 24/7/2018, tại trụ sở Tập đoàn dầu khí Việt Nam (PVN) đã diễn ra lễ ký hợp đồng gia công sợi DTY giữa PVTEX, công ty con thuộc PVN với Công ty Cổ phần Xơ sợi tổng hợp An Sơn, đơn vị được ủy quyền bởi Công ty CP An Phát Holdings (thành viên của Tập đoàn An Phát).

Lễ ký kết này đã khẳng định PVTEX sẽ hồi sinh từng bước theo đúng lộ trình và sẽ cập bến bờ thành công trong tương lai không xa.

PVTEX vốn là một trong số 5 dự án “đắp chiếu” gây chú ý thuộc PVN của ngành Công Thương. Dự án này bắt đầu được thành lập cuối năm 2008 với tổng vốn đầu tư khoảng 7.200 tỷ đồng.

PVTEX chính thức vận hành thương mại vào tháng 5/2014 với công suất 236 tấn xơ sợi một ngày, đạt 48% công suất thiết kế. Sản phẩm xơ và sợi polyester của PVTEX là các sản phẩm thuộc khâu trung gian cho các nhà máy kéo sợi và nhà máy dệt vải. Vì vậy, hiệu quả sản xuất kinh doanh của sẽ phụ thuộc vào một số yếu tố chính như nguyên liệu đầu vào (PTA và MEG là các sản phẩm hóa dầu) và thị trường đầu ra (nhu cầu của các nhà máy kéo sợi, nhà máy dệt). Cũng chính vì thế, PVTEX không thể chủ động được nguồn nguyên liệu cũng như chịu sự cạnh tranh gay gắt từ thị trường. Quả là như vậy, sau hơn 1 năm, kinh doanh thua lỗ đã khiến PVTEX phải dừng vận hành từ ngày 17/9/2015 đến nay.

Năm 2015, PVTex lỗ 1.255 tỷ đồng, âm vốn chủ sở hữu 504 tỷ đồng. Trước đó, trong năm 2014, doanh thu của nhà máy này cũng chỉ đạt 992 tỷ đồng, lỗ 1.085 tỷ đồng. Năm 2016 nhà máy dự định vận hành trở lại nhưng không thành công và đóng cửa từ đó đến nay.

Có thể nói, PVTEX là một trong những dự án từng được ví như “xác sống” và cũng khiến báo chí tốn khá nhiều giấy mực… Đến mức, Bộ trưởng Công Thương Trần Tuấn Anh phải nhận định đây là dự án rất “đau đầu”.

Nay trở nên hồi sinh thực sự

Ông Hồ Trí Dũng - Tổng Giám đốc Công ty CP Xơ sợi tổng hợp  An Sơn từng chia sẻ, để đi đến ký kết hợp đồng với PVTEX, Tập đoàn An Phát đã âm thầm làm việc và chuẩn bị từ hơn 1 năm trước. Dư luận đã biết rõ PVTEX  là một dự án được Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) đầu tư lớn, hiện đại, nhưng thua lỗ ngay từ năm đầu hoạt động, cho đến nay chỉ tồn tại dạng cầm chừng.

“Chúng tôi và 2 đối tác nước ngoài, là Tập đoàn hàng đầu thế giới về lĩnh vực lọc hóa dầu và xơ sợi của Ấn Độ  và Công ty Fortrec Chemicals & Petroleum Pte. Ltd. - Singapore (chuyên cung cấp nguyên liệu và tiêu thụ sản phẩm trong lĩnh vực xơ sợi) cùng đi đến đàm phán hợp tác. Chúng tôi hiểu rằng, được trao nhiệm vụ này vừa là vinh dự, vừa là thách thức rất lớn và chỉ những người có năng lực thực sự và quyết tâm cao mới có thể hoàn thành được”, ông Hồ Trí Dũng nói.

Đại diện Tập đoàn An Phát cũng cho biết, để thực hiện “dự án” này, trước mắt sẽ thực hiện 2 công việc chính, đó là làm mới công tác quản trị điều hành sản xuất và làm mới công tác thị trường. An Phát cũng khẳng định sẽ mang văn hóa doanh nghiệp, tinh thần làm việc và nguồn lực tài chính đến hỗ trợ PVTEX. Cùng với đó là chuẩn hóa sản phẩm, xây dựng thương hiệu mới, phát triển thị trường, nâng công suất sản xuất từ 3 máy hiện nay lên 10 máy, rồi sẽ là 25 máy.

Về nhân dự, An Phát sẽ tuyển dụng và đào tạo thêm hơn 300 nhân sự mới để đảm bảo đủ lực lượng nhân sự vận hành dần các máy móc, làm tốt công tác nội bộ, từ sản xuất đến quản trị chất lượng sản phẩm, quản trị chi phí và các công tác khác.

“Tôi tin PVTEX  sẽ sớm “thay da đổi thịt”, sự hồi sinh sẽ được hiển thị qua các con số cụ thể trong tương lai không xa”, ông Hồ Trí Dũng khẳng định.

Mặc dù nhiều dự án yếu kém, thua lỗ của ngành công thương cuối cùng cũng đã tìm thấy “ánh sáng cuối đường hầm” nhưng để các doanh nghiệp mới “ốm dậy” như vậy có thể trở nên “hồng hào và khỏe mạnh, hồi sinh thực sự trong bối cảnh không còn nguồn ngân sách cứu trợ thì sự chia sẻ và can thiệp kịp thời về chính sách của Chính phủ là vô cùng cần thiết.

Một điều mà ai cũng có thể nhận thấy, đó là việc khôi phục PVTEX  không phải là một việc làm đơn giản hay một bài toán kinh tế đơn thuần, đây là bài toán của sự quyết tâm, của ý chí và bản lĩnh. Ông Hồ Trí Dũng từng chia sẻ rằng, trong mọi công đoạn thỏa thuận cần sự hợp tác, cần xử lý nhanh, hiệu quả, dứt khoát… để những cam kết sớm trở thành hiện thực.

“Về cơ chế, tôi cho rằng, điều kiện tiên quyết là Chính phủ bảo đảm về pháp lý và bảo đảm trên thực tế quyền hợp tác, quản lý, vận hành nhà máy ổn định, không bị trì hoãn, gián đoạn hoặc ảnh hưởng khác gây ra bởi bất cứ bên nào, bao gồm: các chủ nợ, các bên cho vay, nhà thầu, người lao động của PVTEX… Đây là điều kiện tiên quyết, bởi bất cứ một doanh nghiệp nào khi bỏ ra hàng trăm tỷ đồng đầu tư cũng yêu cầu sự bảo đảm và lo ngại sẽ bị mất vốn bởi các yếu tố ngoài kiểm soát, "thay đổi cơ chế", ông Hồ Trí Dũng bày tỏ./.

Hà Giang

 

NỔI BẬT TRANG CHỦ