(Tổ Quốc) - Vào mỗi vụ quả hồng miền Bắc, nhiều chị em không khỏi lo lắng vì hồng Trung Quốc thường trà trộn cùng hồng Đà Lạt, hồng Bảo Lâm (Lạng Sơn), hồng Bắc Kạn, hồng Quản Bạ (Hà Giang)... gây khó cho người mua.
Mùa Thu đến cũng là thời điểm quả hồng miền Bắc bắt đầu vào mùa. Hiện tại, bên cạnh hồng Đà Lạt, quả hồng miền Bắc đã lác đác được bày bán tại các siêu thị, chợ dân sinh và các gánh hàng rong... Người dân Hà Nội dường như ai cũng háo hức chờ đón mùa hồng xuất hiện, bởi ngoài tác dụng cung cấp nhiều dưỡng chất cho cơ thể thì loại quả này có màu vàng đẹp, vị ngọt thanh mát, giòn tan... dễ chịu như mùa Thu vậy.
Hồng Lạng Sơn (Nguồn: Vnexpress)
Năm nay, hồng miền Bắc được mùa, bao gồm hồng Bảo Lâm (Lạng Sơn), hồng Bắc Kạn, hồng Quản Bạ (Hà Giang)... Những ngày đầu mùa, quả hồng các loại có giá khá đắt, dao động từ 50.000 đồng - 70.000 đồng/kg. Tuy nhiên, thời điểm này cũng là mùa quả hồng của Trung Quốc được nhập về Việt Nam một cách ồ ạt và bày bán la liệt nên chị em nội trợ không khỏi lo lắng.
Nhằm tránh mua phải hồng Trung Quốc, chị em khi đi chợ cần lưu ý về màu sắc của quả hồng. Hồng Trung Quốc đều có vỏ bóng, óng ả không tì vết, màu sắc đẹp, bắt mắt và to hơn hẳn so với hàng trong nước. Nếu là hồng trứng đỏ thì hồng Trung Quốc có màu đỏ sẫm, bóng. Loại hồng này ngọt nhưng không thơm. Trái hồng Việt Nam có vỏ có màu vàng nhạt, trên quả có vết thâm, đặc biệt là thâm ở cuống và không đều màu. Nếu là hồng trứng thì có màu đỏ nhưng không bắt mắt, vỏ không bóng...
Ngoài ra, quả hồng Việt Nam có kích cỡ bé hơn hồng Trung Quốc, đặc biệt là hồng Bảo Lâm (Lạng Sơn), hồng Bắc Kạn, hồng Quản Bạ (Hà Giang) chỉ bé như quả trứng gà ta. Riêng hồng Bảo Lâm vốn được ưa chuộng bởi vị ngọt, thơm, giòn mà lại không hạt. Loại quả hồng này có hình dạng hơi thuôn dài, có 4-6 rãnh kéo dài từ cuống đến giữa quả, mặt cắt ngang hình hoa thị 8-12 cánh đều nhau.
Với loại hồng này, bà con thường thu hoạch khi vỏ quả đã ngả sang vàng, thịt quả mịn, có hạt cát đường màu đỏ hoặc vàng cam. Để chín cây, hồng chuyển màu đỏ, thịt mềm, vị đậm đà.
Về hồng giòn, loại quả này của Trung Quốc có kích cỡ to đều, bóng đẹp, quả tròn, vỏ mỏng. Dù vận chuyển xa vẫn rất bắt mắt, không hề có thâm nám. Trong khi đó, hồng giòn Đà Lạt có đặc điểm là một đầu hơn nhọn. Khi ăn, hồng Đà Lạt cũng sẽ giòn ngọt hơn hồng Trung Quốc. Hồng Đà Lạt chỉ cần 1-2 ngày là bắt đầu chín mềm, nếu ăn không kịp sẽ bị hỏng rất nhanh. Còn hồng Trung Quốc mua về cả tuần vẫn không bị hỏng, thậm chí để rất lâu vẫn không chín.
Hồng Trung Quốc có mẫu mã giống hồng Đà Lạt (Nguồn: khoahoc.tv)
Hồng tươi có nhiều giá trị dinh dưỡng cao, giàu glucose, fructose, sucrose, protein, carotene, vitamin C, citrulline, i-ốt, canxi… Hàm lượng khoáng chất của nó vượt qua táo, lê, đào và các loại trái cây khác. Trong đó, trái hồng có hàm lượng vitamin C cao gấp 1-2 lần các trái cây thông thường nên là thực phẩm lý tưởng khi cần bổ sung vitamin C.
Trái hồng còn chứa một lượng i-ốt khá cao nên giúp ngăn ngừa được bệnh bướu cổ đơn thuần. Ngoài ra, trái hồng chứa pectin là một loại chất xơ hòa tan trong nước có tác dụng nhuận tràng, giúp tránh táo bón và duy trì hệ vi sinh đường ruột.
Dù vậy, theo khuyến cáo, không ăn trái hồng lúc bụng đói vì tanin trong trái hồng dưới tác động của acid dạ dày dễ kết tủa. Hạn chế tối đa cho người già và trẻ nhỏ ăn trái hồng giòn: Ăn rất ít, chỉ 1-2 miếng nhỏ, nhai kỹ.
Ngoài ra, người bị thiếu máu không nên ăn hồng do trái hồng chứa nhiều tanin sẽ kết hợp với sắt tạo thành kết tủa gây cản trở sự hấp thu sắt trong thức ăn. Những người bị tiểu đường cũng nên thận trọng khi ăn loại quả này.