• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Qua nhiều thăng trầm, hôm nay, CPTPP chính thức được ký kết

Kinh tế 08/03/2018 08:46

(Tổ Quốc) - Qua nhiều thăng trầm, Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) sẽ chính thức được ký kết vào ngày 8/3/2018 tại Santiago (Chile), sau nhiều ngày bàn thảo.

CPTPP được coi là Hiệp định thương mại tự do lớn nhất được kết thúc đàm phán trong thời gian gần đây, sẽ tác động đến Việt Nam trên rất nhiều khía cạnh như chính trị - đối ngoại, kinh tế.

Hội nghị Bộ trưởng TPP tổ chức tại Đà Nẵng (năm 2017). (Nguồn: AFP)

Với CPTPP, hàng hoá xuất khẩu sang các thị trường lớn như Nhật Bản, Australia; Canada, Mexico… sẽ được thúc đẩy hơn nữa. Và ngược lại, Việt Nam cũng sẽ thu hút đầu tư nước ngoài vào các ngành, lĩnh vực đang có nhu cầu phát triển.

Dù vậy, Bộ trưởng Công Thương Trần Tuấn Anh từng cho biết cách đây vài hôm rằng, với CPTPP, nền kinh tế Việt Nam sẽ được hưởng lợi đến đâu còn phụ thuộc vào điều kiện và công việc tổ chức thực thi cam kết hội nhập, cải cách để hướng tới tăng trưởng bền vững và những nhân tố tổng hợp có tính tích cực tạo ra giá trị gia tăng của kinh tế. Việt Nam không chỉ cam kết mở cửa thị trường, gỡ bỏ hàng rào thuế quan, tiếp tục tự do hóa và thuận lợi hóa thương mại, mà còn tiếp tục công khai và minh bạch hóa quản lý nhà nước về phát triển thị trường.

Hàng loạt lĩnh vực của Việt Nam, bao gồm truyền thống và phi truyền thống, đều có các cam kết. Bên cạnh đó, với một môi trường liên tục được hoàn thiện bằng những cải cách về thể chế cũng như từng lĩnh vực quản lý nhà nước cụ thể, đặc biệt là môi trường đầu tư kinh doanh, thì điều kiện để thu hút đầu tư thêm nguồn lực từ bên ngoài sẽ được cải thiện nhanh chóng.

Theo đó, các lĩnh vực: Dệt may, da giày, chế biến thực phẩm, đồ uống, bánh kẹo… được hưởng lợi nhiều nhất. Một số ngành khác, không phải không có lợi ích, mà còn phụ thuộc rất nhiều vào sự chuẩn bị.

Dù vậy, nếu không biết tận dụng thì những lợi ích do CPTPP mang lại sẽ bị hạn chế. Vì thế, cùng với lợi ích, CPTPP cũng đặt ra nhiều thách thức cho doanh nghiệp, người lao động…

Ví như về lĩnh vực nông nghiệp, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh chỉ ra rằng, canh tác mía và ngành công nghiệp mía đường rất chậm chạp trong đổi mới, tái cơ cấu. Do được bảo hộ, bảo vệ thông qua hàng rào thuế quan, đến nay, ngành mía đường, cả hiệu quả và năng lực cạnh tranh rất thấp nếu so với các quốc gia khác.

“Tôi muốn nhấn mạnh, sự chủ động trong tiếp cận thị trường, bằng chính nhãn quan của doanh nghiệp mới là điểm mấu chốt, đảm bảo hội nhập thành công...”, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh nhấn mạnh trong trao đổi với Báo Công Thương.

Bàn về CPTPP, nhiều chuyện gia cũng nhận định, Việt Nam rất cần việc cải cách mạnh mẽ từ bên trong. Thời gian qua, Việt Nam đã tham gia vào rất nhiều Hiệp định thương mại tự do, đặc biệt là các hiệp định Thương mại tự do chất lượng cao. Do đó, việc kết hợp hài hòa giữa cải cách bên trong, đặc biệt là cải cách thể chế với cam kết hội nhập là điều cực kỳ quan trọng, là ưu tiên số một.

Ông Võ Trí Thành- nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương CIEM từng nhận định, CPTPP gắn chặt với cải cách thể chế trong các quốc gia, do đó sẽ tạo ra áp lực, cơ hội quan trọng buộc Việt Nam phải cải cách thể chế trong nước trong thời gian tới, hướng đến hoàn thiện môi trường đầu tư- kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh, từng bước khẳng định vai trò, vị thế của Việt Nam.

Và để CPTPP đi vào cuộc sống, Bộ Công Thương đóng vai trò đặc biệt quan trọng, do đây là hiệp định thương mại tự do tiêu chuẩn cao và nó liên quan đến các lĩnh vực mà Bộ Công Thương đang quản lý như cắt giảm thuế quan đối với hàng hóa, mở cửa thị trường, dịch vụ, hàng rào kỹ thuật liên quan đến thương mại,…

Bộ Công Thương cho biết sẽ trình kế hoạch hành động lên Chính phủ để ngay sau khi Hiệp định có hiệu lực, chương trình hành động tổng thể và toàn diện này có sự tham gia của Chính phủ, cộng đồng doanh nghiệp, địa phương, hiệp hội và người dân.

Về phía Chính phủ, sẽ tiếp tục cho triển khai việc sửa đổi các văn bản quy phạm pháp luật cần thiết để thực thi các cam kết của CPTPP. Ngoài ra, Chính phủ cam kết tiếp tục xây dựng một Chính phủ kiến tạo, đẩy mạnh tái cơ cấu nền kinh tế, quyết liệt đổi mới và sắp xếp lại DN nhà nước. Đẩy mạnh cải cách và đơn giản hóa thủ tục hành chính, tạo sự liên thông giữa các Bộ, ngành để nâng cao tính cạnh tranh của môi trường kinh doanh…

Về phía DN, bên cạnh việc chủ động nắm bắt thông tin, cần tập trung đổi mới, sáng tạo và nhạy bén trong kinh doanh, có kế hoạch xây dựng năng lực cạnh tranh, nâng cao uy tín về thương hiệu và chất lượng sản phẩm để có chiến lược làm ăn dài hạn trong tương lai.

Sau khi ký kết, Hiệp định CPTPP sẽ được trình để Quốc hội xem xét, thông qua và quyết định việc đưa vào thực hiện theo lộ trình được các nước tham gia CPTPP thống nhất.

Để có được CPTPP đã phải trải qua tới 7 năm và hơn 40 vòng đàm phán. Tháng 2 năm 2016, tại Auckland, New Zealand, TPP được ký kết. Chưa đầy 1 năm sau, Mỹ - nền kinh tế lớn nhất TPP tuyên bố rút khỏi hiệp định. 11 quốc gia còn lại, nhất là Việt Nam và Nhật Bản quyết tâm tiến tới TPP-11. Riêng tuần lễ Cấp cao APEC Đà Nẵng tháng 11/2017 đã có ít nhất 8 vòng đàm phán cả cấp trưởng đoàn và bộ trưởng, nhiều cuộc đàm phán kéo dài xuyên trưa, từ chiều tới nửa đêm mà chưa đạt kết quả cuối cùng. Và sau cuộc họp tháng 1 vừa qua tại Nhật Bản, tất cả 11 nước đã nhất trí ký kết CPTPP tại Santiago (Chile).

Hà Giang

 

 

 

NỔI BẬT TRANG CHỦ