Sự quay trở lại của chủng vi rút EV71 khiến nhiều bậc phụ huynh lo lắng nên đã chuyển con lên tuyến trên, kéo theo tình trạng quá tải, lây nhiễm chéo tại các bệnh viện.
Hơn 20% ca bệnh tay chân miệng do chủng EV71
Theo thống kê, tính từ đầu năm đến nay, cả nước ghi nhận gần 62 nghìn trường hợp mắc tay chân miệng, giảm gần 19% so với cùng kỳ. Trong đó, hơn 29 nghìn trường hợp phải nhập viện (giảm gần 15% so với cùng kỳ), 6 trường hợp tử vong tại 5 tỉnh, thành phố khu vực phía Nam.
BV Nhi Đồng 1 những ngày này luôn trong tình trạng quá tải bệnh nhân
Đáng lưu ý, năm nay ghi nhận sự quay trở lại của vi rút EV71 (chiếm hơn 20% ca bệnh tay chân miệng của cả nước) từng khiến hơn 100 bệnh nhân tử vong vào năm 2011.
Cục trưởng Cục Y tế dự phòng Bộ Y tế Trần Đắc Phu cho hay, EV71 là chủng dễ gây biến chứng nặng và có thể gây tử vong cho trẻ dưới 5 tuổi. Tuy nhiên, hiện vẫn chưa có sự thay đổi về kiểu gen của vi rút gây tay chân miệng ở Việt Nam.
Ngoài tay chân miệng, 2 loại bệnh hay gặp nhất trong mùa Đông – Xuân đó là sởi và sốt xuất huyết. Tính đến hết tháng 9 năm 2018, cả nước ghi nhận gần 1.100 trường hợp mắc sởi, trong đó 1 trường hợp tử vong; hơn 67 nghìn trường hợp mắc sốt xuất huyết trong đó 11 trường hợp tử vong.
Đặc biệt, các trường hợp đã được tiêm chủng chỉ chiếm 13,6%, còn lại các ca bệnh không được tiêm chủng chiếm đến hơn 44% và không rõ tiền sử tiêm chủng chiếm hơn 41%.
Lo ngại nguy cơ lây nhiễm chéo tại các Bệnh viện
Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh, Bộ Y tế Lương Ngọc Khuê cho biết, nhiều bậc phụ huynh khá lo lắng khi nghe chủng gen EV71 quay lại nên đã cho con chuyển lên bệnh viện tuyến trên. Điều này dẫn đến thực trạng quá tải, ùn tắc đặc biệt là ở các BV tuyến phía Nam.
Về giải pháp chống quá tải, ông Lương Ngọc Khuê cho rằng, các bệnh viện phải dành thời gian điều trị, chẩn đoán sớm, đối với các bệnh nhân đang ở mức nhẹ thì nên chuyển về tuyến dưới.
Đồng thời, Phòng Công tác xã hội các bệnh viện phải gọi điện xuống tuyến dưới để giải thích cho người bệnh được yên tâm. Còn nếu để bệnh nhân đổ dồn về BV Nhi Đồng 1 và Nhi Đồng 2 thì sẽ gây ra tình trạng lây nhiễm chéo.
"Những năm trước, bệnh nhân sởi không được cách ly, ở chung với bệnh nhân nặng ở tuyến trên như bại liệt, gan, thần kinh đã gây ra tình trạng lây nhiễm chéo’’
PGS.TS Lương Ngọc Khuê - Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh, Bộ Y tế
Với mục tiêu điều trị sớm, chẩn đoán sớm và phát hiện điều trị đúng phác đồ, Bộ Y tế đã thực hiện phân luồng 3 loại bệnh có đường lây khác nhau. Đó là, bệnh sởi thì lây qua đường hô hấp, sốt xuất huyết thì thường bị muỗi đốt vào ban ngày và tay chân miệng thì lây qua đường phân, thải.
Vì vậy, phải phân loại ngay từ công tác đón tiếp bệnh nhân.Với mục tiêu điều trị sớm, chẩn đoán sớm và phát hiện điều trị đúng phác đồ, Bộ Y tế đã thực hiện phân luồng 3 loại bệnh có đường lây khác nhau. Đó là, bệnh sởi thì lây qua đường hô hấp, sốt xuất huyết thì thường bị muỗi đốt vào ban ngày và tay chân miệng thì lây qua đường phân, thải. Vì vậy, phải phân loại ngay từ công tác đón tiếp bệnh nhân.