(Tổ Quốc) - Sáng ngày 9/11/2017, tại Phủ Chủ tịch, ngay sau Lễ đón chính thức, Chủ tịch nước Trần Đại Quang đã tiến hành hội đàm với Tổng thống M. Bachelet.
Tại cuộc hội đàm, Chủ tịch nước Trần Đại Quang và Tổng thống Michelle Bachelet cùng đánh giá thực trạng quan hệ song phương, tập trung trao đổi về phương hướng và các biện pháp nhằm tiếp tục tăng cường mối quan hệ hữu nghị và hợp tác toàn diện giữa Việt Nam và Chile, cũng như các vấn đề khu vực và quốc tế cùng quan tâm.
Toàn cảnh hội đàm. |
Chủ tịch nước Trần Đại Quang và Tổng thống M.Bachelet chia sẻ đánh giá mối quan hệ đối tác toàn diện giữa Việt Nam và Chile những năm qua tiếp tục phát triển tích cực trên tất cả các lĩnh vực, nổi bật là quan hệ chính trị ngày càng gắn bó và tin cậy; trao đổi thương mại hai chiều, đặc biệt là từ sau khi Hiệp định Thương mại Tự do (FTA) song phương được ký kết vào tháng 11 năm 2011.
Hai nhà Lãnh đạo đã trao đổi, nhất trí thời gian tới hai bên tiếp tục thúc đẩy duy trì trao đổi đoàn ở các cấp/ngành, địa phương và doanh nghiệp; duy trì thường xuyên và ngày càng hiệu quả các cơ chế Hội đồng Thương mại Tự do song phương và Tham khảo Chính trị cấp Thứ trưởng Ngoại giao hai nước; thúc đẩy tiếp tục hoàn thiện khuôn khổ pháp lý cho trao đổi hợp tác song phương; tạo thuận lợi cho doanh nghiệp hai nước tiếp cận thị trường, thiết lập quan hệ thương mại và đầu tư trên các lĩnh vực hai bên có tiềm năng, thế mạnh và tính bổ trợ lẫn nhau như sản xuất và chế biến nông - thủy hải sản, phát triển nông nghiệp công nghệ cao, khai khoáng, công nghệ sinh học, ứng phó với biến đổi khí hậu, tạo thuận lợi cho xuất - nhập khẩu sản phẩm nông nghiệp giữa hai nước; đồng thời, quan tâm thúc đẩy hợp tác về văn hóa, khoa học - công nghệ, giáo dục - đào tạo, du lịch và các lĩnh vực khác.
Hai bên cũng nhất trí tiếp tục tăng cường quan hệ giữa hai nước tại các tổ chức quốc tế và diễn đàn đa phương, nhất là tại Liên hợp quốc, Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), APEC, tiến trình đàm phán Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) và Diễn đàn Hợp tác Đông Á - Mỹ Latinh (FEALAC); phối hợp thúc đẩy hợp tác hiệu quả và thực chất hơn giữa ASEAN với Liên minh Thái Bình dương (AP).
Lãnh đạo hai nước cũng trao đổi sâu rộng về các vấn đề khu vực và quốc tế cùng quan tâm; chia sẻ lập trường ủng hộ giải quyết các tranh chấp chủ quyền và lãnh thổ bằng các biện pháp hòa bình trên cơ sở tôn trọng luật pháp quốc tế, nhất là Hiến chương Liên hợp quốc và Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS 1982) cũng như các tiến trình ngoại giao và pháp lý./.