• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Quan hệ dân tộc và giai cấp trong tư tưởng Hồ Chí Minh

Văn hoá 17/05/2020 07:12

(Tổ Quốc) - Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng ta đã căn cứ vào tình hình trong nước và quốc tế qua các thời kỳ và giai đoạn cách mạng khác nhau đã giải quyết đúng đắn mối quan hệ giữa dân tộc và giai cấp, xác định đường lối cách mạng và hoạch định, chỉ đạo chiến lược cách mạng một cách sáng tạo, hiệu quả.

Trong lịch sử, dân tộc ta nhiều lần đã có sự lựa chọn khó khăn để xác định cách mạng dân tộc và cách mạng dân chủ là hai cuộc cách mạng khác nhau, kế tiếp nhau, hay cùng nằm trong một cuộc cách mạng (Cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân). Vận dụng chủ nghĩa Mác-Lênin vào điều kiện cụ thể của cách mạng Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng ta đã căn cứ vào tình hình trong nước và quốc tế qua các thời kỳ và giai đoạn cách mạng khác nhau đã giải quyết đúng đắn mối quan hệ giữa dân tộc và giai cấp, xác định đường lối cách mạng và hoạch định, chỉ đạo chiến lược cách mạng một cách sáng tạo, hiệu quả.

Quan hệ dân tộc và giai cấp trong tư tưởng Hồ Chí Minh
 - Ảnh 1.

Bác Hồ trò chuyện với đại biểu phụ nữ dân tộc thiểu số tại Đại hội phụ nữ toàn quốc lần thứ III (1961). Ảnh: Tư liệu

Trong Tuyên ngôn của Đảng cộng sản, Mác và Ăngghen đều khẳng định mục tiêu chung của những người cộng sản là xoá bỏ chế độ tư hữu, kêu gọi giai cấp vô sản toàn thế giới đoàn kết lại, nhưng hai nhà kinh điển sáng lập chủ nghĩa mác-xít, đặc biệt là Mác, vẫn cho rằng ban đầu hình thức và địa bàn đấu tranh của giai cấp vô sản chính là dân tộc: "Cuộc đấu tranh của giai cấp vô sản chống lại giai cấp tư sản dù về mặt nội dung không phải là một cuộc đấu tranh dân tộc, nhưng lúc đầu lại mang hình thức đấu tranh dân tộc. Đương nhiên và trước hết lúc đầu giai cấp vô sản phải thanh toán xong giai cấp tư sản nước mình trước đã"1. Từ đó, Mác và Ăngghen khái quát thành luận điểm nổi tiếng: "Khi sự đối kháng giữa các giai cấp trong nội bộ dân tộc không còn nữa thì sự thù hằn giữa các dân tộc đồng thời cũng mất theo"2. Như vậy, Mác-Ăgghen nghiên cứu sự hình thành và phát triển của các dân tộc tư sản phương Tây gắn với sứ mệnh lịch sử của giai cấp vô sản trong việc thủ tiêu chủ nghĩa tư bản, xây dựng xã hội chủ nghĩa, cộng sản chủ nghĩa. Do đó, hai ông đã gắn vấn đề dân tộc với vấn đề giai cấp, đặt vấn đề dân tộc phụ thuộc vào vấn đề giai cấp.

Lênin sống trong thời đại đế quốc chủ nghĩa, việc chiếm thuộc địa và phân chia lại thuộc địa của các cường quốc tư bản chủ nghĩa trở nên gay gắt. Lênin nhận định rằng thời đại ông đang sống là thời đại đang bùng lên những con bão táp, mà những cơn bão táp ấy dội ngược lại châu Âu. Vì vậy Lênin đã nêu vấn đề dân tộc thành vấn đề quốc tế và hết sức ủng hộ phong trào giải phóng dân tộc bằng khẩu hiệu nổi tiếng: "Vô sản toàn thế giới và các dân tộc bị áp bức đoàn kết lại !". Nhưng do hạn chế lịch sử, Lênin chưa có điều kiện thâm nhập thực tiễn các nước Phương Đông, do đó chưa đánh giá hết sức mạnh và khả năng cách mạng của các dân tộc thuộc địa Phương Đông. Từ đó, tuy nhấn mạnh quan hệ dân tộc và giai cấp, dân tộc và quốc tế, cách mạng vô sản chính quốc với cách mạng giải phóng dân tộc thuộc địa, nhưng vẫn trên cơ sở đặt vấn đề dân tộc phụ thuộc vào vấn đề giai cấp, cách mạng giải phóng dân tộc phụ thuộc vào cách mạng vô sản chính quốc và chỉ thành công khi cách mạng chính quốc thành công.

Quá trình hình thành tư tưởng về vấn đề giai cấp và vấn đề dân tộc của Hồ Chí Minh đã gắn liền với cuộc đời hoạt động cách mạng của Người ngay từ những năm cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX. Như mọi người đều rõ, trước khi học thuyết Mác - Lênin được truyền bá vào Việt Nam, các phong trào yêu nước của người Việt Nam chống thực dân Pháp đã liên tục nổ ra, nhưng kết cục đều thất bại. Nguyên nhân quan trọng nhất khiến cho các phong trào đó thất bại chính là do bế tắc về đường lối, mặc dù các bậc lãnh tụ của những phong trào yêu nước ấy đã dành nhiều tâm huyết cho sự nghiệp của mình, nhưng do họ không nhận thức được xu thế của thời đại, nên không thấy được giai cấp trung tâm của thời đại lúc này là giai cấp công nhân - giai cấp đại biểu cho một phương thức sản xuất mới, một lực lượng tiến bộ xã hội. Do mục tiêu đi tới của những phong trào ấy không phản ánh đúng xu thế vận động của lịch sử và thời đại, nên không thể đem lại kết quả và triển vọng tốt đẹp cho sự phát triển của xã hội Việt Nam.

Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh đã tiếp thu sâu sắc quan điểm của Lênin về vấn đề dân tộc và thuộc địa, đồng thời vận dụng thế giới quan và phương pháp luận biện chứng Mác-xít phân tích tình hình cụ thể của Việt Nam và thế giới. Từ năm 1924, Người đã phân tích khoa học, chính xác sự phát triển của các nước tư bản, mâu thuẫn, âm mưu, tham vọng của chúng trong bài Đông Dương và Thái Bình Dương, Người tiên đoán: "Thái Bình Dương và các nước thuộc địa xung quanh Thái Bình Dương tương lai có thể trở thành một lò lửa của chiến tranh thế giới mà giai cấp vô sản phải nai lưng ra gánh...Những hành động đế quốc chủ nghĩa ấy không những chỉ nguy cho riêng vận mệnh của giai cấp vô sản Đông Dương và Thái Bình Dương, nó còn nguy cho cả vận mệnh giai cấp vô sản quốc tế nữa"3 Với Việt Nam, Người khẳng định giải phóng dân tộc tạo điều kiện để giải phóng giai cấp. Đây là một sáng tạo lớn của Hồ Chí Minh, Người dựa trên ba cơ sở chính sau đây: 1. Những đặc điểm cơ bản của Việt Nam mà đặc biệt là trở lực lực lượng sản xuất lạc hậu, chủ nghĩa tư bản chưa phát triển, sự phân hoá trong nội bộ dân tộc chưa sâu sắc như ở Phương Tây, mâu thuẫn cơ bản của xã hội không phải là mâu thuẫn giữa giai cấp vô sản và giai cấp tư sản mà là mâu thuẫn giữa một bên là nhân dân Việt Nam tuyệt đại bộ phận là nông dân với một bên là đế quốc Pháp và bọn địa chủ phong kiến tay sai. Từ đó Hồ Chí Minh khẳng định đối với Việt Nam và các nước thuộc địa khác, cách mạng thuộc địa hay cách mạng giải phóng dân tộc nhiệm vụ quan trọng nhất là phải giải quyết mâu thuẫn dân tộc, giành độc lập cho dân tộc, tự do cho nhân dân. Đó là nhiệm vụ cơ bản, trước mắt và chỉ có thể là nhiệm vụ của giai cấp vô sản và cách mạng vô sản. 2. Căn cứ vào tình trạng phân hoá xã hội Việt Nam, đấu tranh giai cấp "không diễn ra giống như phương Tây", Người nói: "nghe người ta nói đấu tranh giai cấp, mình cũng ra khẩu hiệu đấu tranh giai cấp, mà không xét hoàn cảnh nước mình thế nào để làm cho đúng"4. 3. Hồ Chí Minh khai thác triệt để nhân tố dân tộc trong cách mạng giải phóng dân tộc, coi đó là "động lực lớn của đất nước".

Chính cương vắt tắt, Sách lược vắt tắt và Điều lệ tóm tắt của Hồ Chí Minh khi thành lập Đảng cộng sản Việt Nam cũng là cương lĩnh đúng đắn nhất thể hiện những nguyện vọng bức thiết của dân tộc, phản ánh khách quan quy luật vận động của xã hội Việt Nam, giải quyết đúng đắn cả quan hệ dân tộc và giai cấp và quốc gia với quốc tế: "Làm tư sản dân quyền cách mạng và thổ địa cách mạng để đi tới xã hội cộng sản"5. Nhiệm vụ của cách mạng tư sản dân quyền là đánh đổ chủ nghĩa đế quốc và bọn phong kiến "làm cho nước Nam được hoàn toàn độc lập" nhân dân được tự do, tịch thu ruộng đất của bọn đế quốc làm của công và chia cho nông dân nghèo, quốc hữu hoá toàn bộ xí nghiệp của tư bản đế quốc, lập chính phủ công - nông - binh và quân đội công nông...Các nhiệm vụ nêu ra bao gồm cả nội dung dân tộc và dân chủ, dân tộc và giai cấp vừa chống đế quốc vừa chống phong kiến, vừa nêu nhiệm vụ chủ yếu trước mắt vừa nêu định hướng lâu dài mà nổi bật lên hàng đầu và cấp bách là chống đế quốc Pháp và tay sai, giành độc lập.

Thực tế phong trào cách mạng Việt Nam từ 1930-1931 cho đến nay, có lúc, có nơi đã quá nhấn mạnh giai cấp và đấu tranh giai cấp, chưa nhận thức đầy đủ yếu tố dân tộc nên đã có ảnh hưởng đến sự phát triển của nhiệm vụ giải phóng dân tộc của cách mạng Việt Nam. Đồng chí Lê Duẩn đã nhận xét trong phong trào 1930-1931 có nội dung mặt trận phản đế nặng về giai cấp hơn dân tộc, làm cho phong trào có phần cô độc; phong trào 1936-1939 mặt trận có tính chất dân chủ chung hơn là dân tộc. Những quan điểm trên đây có phần chịu ảnh hưởng từ tư tưởng của Quốc tế cộng sản. Phải đến năm 1941, dưới sự lãnh đạo trực tiếp của Hồ Chí Minh, hình thức mặt trận mới trở lại ý nghĩa dân tộc rõ ràng, đó là Mặt trận Việt Minh. Về chiến lược, Hồ Chí Minh đặt công cuộc giải phóng dân tộc trong quỹ đạo của cách mạng vô sản, nhưng trong chỉ đạo cụ thể Người không bao giờ coi nhẹ nhiệm vụ dân tộc và đề cao một cách không thực tế nhiệm vụ giai cấp. Tuy nhiên, khi đặt nhiệm vụ giải phóng dân tộc lên hàng đầu, Người nhắc nhở không bao giờ Đảng lại hy sinh quyền lợi của giai cấp công nhân và nông dân cho một giai cấp khác. Hơn nữa, Hồ Chí Minh luôn khẳng định: tập trung giải quyết nhiệm vụ giải phóng dân tộc cũng nhằm mục đích góp phần giải quyết nhiệm vụ giai cấp. Thắng lợi của cách mạng tháng Tám (1945) và toàn bộ cách mạng Việt Nam sau này, chứng minh Đảng ta, nhân dân ta đã thực hiện những tư tưởng và đường lối có nghĩa quyết định đó của Hồ Chí Minh.

Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn quan niệm: "Giải phóng dân tộc là điều cốt yếu để giải phóng giai cấp" nên trong "Báo cáo về Bắc Kỳ, Trung Kỳ, Nam Kỳ viết năm 1924, Người viết: "…nếu nông dân gần như chẳng có gì thì địa chủ cũng không có vốn liếng gì lớn; nếu nông dân chỉ sống bằng cái tối thiểu cần thiết thì đời sống địa chủ cũng chẳng có gì là xa hoa; nếu thợ thuyền không biết mình bị bóc lột bao nhiêu thì chủ lại không hề biết công cụ để bóc lột họ là máy móc, người thì chẳng có công đoàn, kẻ thì chẳng có tớ rớt. Người thì nhẫn nhục chịu số phận của mình, kẻ thì vừa phải trong sự tham lam của mình. Sự xung đột về quyền lợi của họ được giảm thiểu". Như vậy, giữa địa chủ và nông dân, chủ và thợ (tư sản và công nhân) ở các nước thuộc địa đều chịu chung số phận là người nô lệ và mất nước. Nên, đấu tranh giải phóng dân tộc mới là vấn đề gay gắt và nóng bỏng đối với cách mạng Việt Nam. Bởi, mâu thuẫn chủ yếu trong xã hội lúc này là mâu thuẫn dân tộc giữa nhân dân Việt Nam là thực dân, phát xít.

Giữa thực tiễn phong phú và sinh động, giữa rất nhiều học thuyết quan điểm chính trị khác nhau, Hồ Chí Minh đã đi đến được với một học thuyết "chân chính chắc chắn nhất, cách mạng nhất"- chủ nghĩa Mác-Lênin. Sự kiện lịch sử trọng đại này đã đưa cách mạng Việt Nam thoát khỏi thời kỳ khủng hoảng về đường lối, soi sáng tư tưởng Hồ Chí Minh về cách mạng thuộc địa, gắn phong trào cách mạng thuộc địa với phong trào cách mạng vô sản chính quốc, với phong trào cộng sản thế giới, mở đường cho chủ nghĩa Mác-Lênin thâm nhập vào phong trào công nhân và phong trào yêu nước ở Việt Nam, dẫn tới sự ra đời của Đảng cộng sản Việt Nam 3-2-1930. Sau khi Đảng cộng sản Việt Nam ra đời, được tập dượt và rèn luyện qua hai cao trào cách mạng 1930-1931, 1936-1939, đến những năm 1939-1945, Hồ Chí Minh đã chủ động đề ra đường lối kết hợp giải phóng dân tộc với giải phóng giai cấp, đề ra sách lược phù hợp với từng giai đoạn... cùng Trung ương Đảng chỉ đạo xây dựng căn cứ địa cách mạng, gấp rút đào tạo, huấn luyện cán bộ, xây dựng các tổ chức chính trị quần chúng, lập ra các đội du kích vũ trang...nhằm chuẩn bị sẵn sàng mọi lực lượng.

Tổng khởi nghĩa giành chính quyền Tháng Tám 1945 thắng lợi đã lập nên nhà nước dân chủ nhân dân đầu tiên ở Đông Nam Á, đưa nhân dân ta từ thân phận nô lệ lên địa vị người chủ, đưa đất nước ta từ một nước thuộc địa thành một nước độc lập có chủ quyền, chứng minh ý nghĩa khoa học và thực tiễn quan điểm cách mạng của Hồ Chí Minh: "Tổ quốc độc lập, thì ai cũng được tự do. Nếu nước mất, thì ai cũng phải làm nô lệ". Độc lập dân tộc là mục tiêu trước mắt và cũng là khát vọng lớn lao nhất của dân tộc Việt Nam. Quan hệ giữa lợi ích dân tộc và lợi ích giai cấp đã được nhìn nhận, giải quyết khoa học, biện chứng và đúng với hoàn cảnh lịch sử - cụ thể của một xã hội thuộc địa, phong kiến. Đó chính là nét độc đáo, sáng tạo trong tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh.Cách mạng Tháng Tám thành công, Người thay mặt Chính phủ lâm thời đọc Tuyên ngôn độc lập, long trọng khẳng định trước toàn thế giới: "Nước Việt Nam có quyền hưởng tự do và độc lập, và sự thật đã thành một nước tự do độc lập. Toàn thể dân tộc Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mạng của cải để giữ vững quyền tự do độc lập ấy".

Cuộc kháng chiến toàn quốc chống thực dân Pháp bùng nổ. Thể hiện quyết tâm bảo vệ độc lập và chủ quyền dân tộc, Hồ Chí Minh ra lời kêu gọi vang dội núi sông: "Không! Chúng ta thà hi sinh tất cả, chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ". Và, khi đế quốc Mỹ điên cuồng mở rộng chiến tranh, ồ ạt đổ quân viễn chinh và phương tiện chiến tranh hiện đại vào miền Nam, đồng thời tiến hành chiến tranh phá hoại miền Bắc với qui mô và cường độ ngày càng ác liệt, Hồ Chí Minh nêu cao chân lý lớn nhất của thời đại: "Không có gì quý hơn độc lập, tự do". Chủ tịch Hồ Chí Minh thấy rõ sức mạnh của chủ nghĩa dân tộc Việt Nam. Đó là sức mạnh chiến đấu và thắng lợi trước bất cứ thế lực ngoại xâm nào: "Dân ta có một lòng yêu nước nồng nàn. Đó là một truyền thống quí báu của ta. Từ xưa tới nay, mỗi khi Tổ quốc bị xâm lăng, thì tinh thần ấy lại sôi nổi, nó kêt thành một làn sóng vô cùng mạnh mẽ, to lớn, nó lượt qua mọi sự nguy hiểm, khó khăn, nó nhấn chìm tất cả lũ bán nước và lũ cướp nước". Theo Người: "Chính do tinh thần yêu nước mà quân đội và nhân dân ta đã mấy năm trường chịu đựng trăm đắng nghìn cay, kiên quyết đánh cho tan bọn thực dân cướp nước và bọn Việt gian phản quốc, kiên quyết xây dựng một nước Việt Nam độc lập, thống nhất, dân chủ, tự do, phú cường, một nước Việt Nam dân chủ mới". Trong tư tưởng Hồ Chí Minh, chủ nghĩa dân tộc chân chính là một bộ phận của tinh thần quốc tế, "khác hẳn tinh thần "vị quốc" của bọn đế quốc phản động"

Có thể nói rằng, khi đã xác định con đường giải phóng dân tộc, giải phóng xã hội, xác định đúng đắn mục tiêu cụ thể của mỗi giai đoạn, mỗi thời kỳ cách mạng, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đề ra những nội dung, nguyên tắc cơ bản cho việc xác định phương pháp cách mạng phù hợp và hiệu quả. Về vấn đề này, Cố Tổng Bí thư Trường Chinh đã chỉ rõ: "Hồ Chí Minh đã hiểu được đúng quy luật phát triển của xã hội và nắm được những điều kiện cụ thể của nước mình, do đó mà nhận thức rõ phải làm gì và làm thế nào để thay đổi những điều kiện ấy cho phù hợp với những quy luật khách quan của sự phát triển xã hội, đặng mang lại độc lập cho dân tộc và hạnh phúc tự do cho nhân dân"7.

Mặc dù thế giới đã đổi thay, hoàn cảnh trong nước và quốc tế đã khác trước nhưng trong sự nghiệp đổi mới theo định hướng xã hội chủ nghĩa đương đại của chúng ta, việc thấm nhuần quan điểm của Đảng gắn Độc lập dân tộc và Chủ nghĩa xã hội, đổi mới toàn diện trên nền tảng chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, trên cơ sở lập trường của giai cấp công nhân chính là theo tinh thần độc lập sáng tạo tự chủ, tự lực, tự cường Hồ Chí Minh. Mục đích cuối cùng và cao cả nhất chính là giữ vững định hướng xã hội chủ nghĩa, thể hiện đúng tinh thần và phương pháp của chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh. Đảng và Nhà nước ta đã và đang vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh trong sự nghiệp đổi mới đất nước nhằm thực hiện bằng được mong muốn của Người: xây dựng một nước Việt Nam hoà bình, thống nhất, độc lập, dân chủ, giàu mạnh và góp phần xứng đáng vào sự nghiệp cách mạng thế giới.

Chú thích:

1C. Mác- Ph. Ăngghen(1983), Tuyên ngôn của Đảng cộng sản, NXB Sự Thật, Hà Nội, tr. 63.

2 Tuyên ngôn của Đảng cộng sản, Sđd, tr.57.

3Hồ Chí Minh Toàn tập, NXB CTQG, H.2000, tập 1, tr.244.

4Hồ Chí Minh Toàn tập, sđd, tập 5, tr.272.

5Hồ Chí Minh Toàn tập, sđd, tập 2, tr.1

6Hồ Chí Minh Toàn tập, sđd, tập 3, tr.554

7Dưới lá cờ vẻ vang của Đảng, vì độc lập tự do, vì chủ nghĩa xã hội, tiến lên giành thắng lợi mới (1975), NXB Sự thật, Hà Nội, tr.49.

8Trần Văn Giàu (1993), Sự phát triển về tư tưởng ở Việt Nam, tập 2, NXB Thành phố Hồ Chí Minh, tr.66

Nguyễn Thị Bình

NỔI BẬT TRANG CHỦ