(Toquoc)-Những bất cập trong quản lý du lịch đường thuỷ, một mình ngành du lịch khó có thể giải quyết.
(Toquoc)-Hàng loạt các sai phạm trong hoạt động du lịch đường thuỷ trong thời gian gần đây gây ảnh hưởng không nhỏ đến thương hiệu du lịch của Việt Nam. Tuy nhiên, những bất cập trong công tác quản lý hoạt động này một mình ngành du lịch khó có thể giải quyết.
Trên 79% tàu thuyền hoạt động du lịch không phép?
Theo báo cáo của Tổng cục Du lịch về tổng hợp tình hình hoạt động của các phương tiện thuỷ nội địa phục vụ du lịch tại các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, hiện cả nước có 11.299 phương tiện tham gia hoạt động du lịch.
Trong đó, số phương tiện lưu trú là 183, phương tiện vận chuyển là 11.052 và nhà hàng nổi là 64. Số nhà hàng nổi tập trung nhiều nhất tại Quảng Bình với 18 chiếc, tiếp đó là Hà Nội (10), Hải Phòng (10) và TP.HCM (9). Riêng phương tiện lưu trú tập trung đại đa số tại vịnh Hạ Long - Quảng Ninh với 150 chiếc, và có mặt thêm tại Tuyên Quang, Cần Thơ, Khánh Hoà, Bình Dương, Hải Phòng.
Hiện nay không có sự phân định rạch ròi giữa phương tiện chở khách bình thường và phương tiện chở khách du lịch khiến cho công tác quản lý gặp nhiều khó khăn
Điểm đáng nói là, con số các tàu thuyền hoạt động du lịch không phép theo báo cáo nhiều đến báo động: 9013/11.299 phương tiện, chiếm tới 79,7%. Trong khi số phương tiện đã đăng kiểm và được cấp phép hoạt động chỉ có 1.757 chiếc. Đây được xem là nguyên nhân căn bản cho những sai phạm liên tiếp của hoạt động kinh doanh du lịch đường thuỷ trong thời gian qua.
Song, ông Trần Kỳ Hình – Phó Cục trưởng Cục Đăng kiểm cho rằng: Con số mà Tổng cục Du lịch đưa ra dựa trên số liệu báo cáo của các Sở VHTTDL địa phương không chính xác.
Theo ông Hình, các loại tàu, thuyền dưới 5 mã lực không phải đăng kiểm mà chỉ cần đăng ký kinh doanh là có thể hoạt động được. “Như vậy, sẽ có ít nhất hơn 4000 thuyền, đò chở khách ở chùa Hương thuộc vào diện này, tức là không phải đăng kiểm. Nhưng các Sở có thể đã báo cáo lên toàn bộ số này hoạt động không phép”.
Ông Hình cũng đưa ra con số hoàn toàn khác với ngành du lịch, đó là: 33.000 phương tiện chở khách đã đăng kiểm, trong đó có 172 phương tiện lưu trú, 64 nhà nổi, 1986 phương tiện vận chuyển theo tiếng. “Và chỉ có 2.112 phương tiện có đề xuất thiết kế để hoạt động du lịch thuộc diện đăng kiểm theo luật định”.
Sở dĩ có sự khác biệt giữa các con số giữa hai ngành theo ông Hình là do không có sự phân định rạch ròi giữa phương tiện chở khách bình thường và phương tiện chở khách du lịch.
“Về bản chất, tàu thuyền chở khách và chở khách du lịch không khác gì nhau, vẫn phải đảm bảo đầy đủ các thông số an toàn kỹ thuật. Tuy nhiên, các tàu có thiết kế riêng để làm du lịch thường có thêm các tiêu chí về nội thất mà những yếu tố này lại không thuộc đăng kiểm. Việc đăng kiểm cho các phương tiện chỉ dựa trên độ lớn và trọng tải của phương tiện đó. Đồng thời chỉ căn cứ vào các vấn đề an toàn kỹ thuật chứ không quan tâm phương tiện đó làm du lịch hay không làm du lịch. Cũng không có quy định nào chỉ rõ loại tàu nào được hay không được hoạt động du lịch. Phương tiện cứ đăng ký chở khách là mặc nhiên được hoạt động du lịch. Do vậy, không có hành lang pháp lý nào để quản lý cả”.
"Cái khó bó cái khôn"!
Trên thực tế, hoạt động du lịch đường thuỷ có thể được quản lý chặt hơn nếu như ngành du lịch có tiêu chuẩn xếp hạng cho phương tiện hoạt động loại hình này. Song, bộ tiêu chuẩn xếp hạng tàu thuỷ lưu trú du lịch được Tổng cục Du lịch dự thảo từ năm 2009 đến nay vẫn chưa được hoàn thiện bởi đang ách tắc ở quá nhiều khâu xin ý kiến các ngành liên quan.
Cần có sự tham gia của ngành công an vào hoạt động du lịch đường thuỷ thì mới hy vọng vào sự cải tiến tích cực
Trong thời gian đó đã kịp xảy ra hai vụ tai nạn nghiêm trọng là vụ tàu Trường Hải và tàu Dìn Ký.
Thế nhưng, nguyên nhân của cả hai vụ đắm tàu này đều liên quan đến yếu tố kỹ thuật. Các vi phạm trong quản lý bến bãi, phương tiện tại các điểm du lịch cũng do ngành giao thông và địa phương phụ trách mà chưa có một sự phối hợp liên ngành hữu hiệu nào.
Ông Trần Kỳ Hình cho rằng vấn đề lớn nhất hiện nay chính là cơ chế phối hợp quản lý: “Ngay cả trong khâu cấp phép hoạt động đã có nhiều điểm chồng chéo, gây khó khăn cho các đơn vị có trách nhiệm. Ví dụ như việc cấp phép cho các tàu thuyền hoạt động tại Cát Bà, Bộ GTVT có quyền, Bộ Quốc Phòng cũng có quyền. Trong một lần tổ chức thanh tra, chúng tôi yêu cầu một tàu dừng lại để kiểm tra nhưng các anh bộ đội biên phòng bảo cho đi, thế là họ đi.”
Hiện Bộ VHTTDL và Bộ GTVT đang khẩn trương tiến hành dự thảo Thông tư liên tịch về quản lý phương tiện, bến bãi, nhân lực, hành khách du lịch trên đường thuỷ để đầu quý III năm nay sẽ trình Chính phủ phê duyệt. Thông tư này ra đời sẽ giúp cho sự phối hợp giữa hai ngành giao thông và du lịch được chặt chẽ hơn cũng như công tác quản lý hoạt động du lịch đường thuỷ được sát sao hơn.
Song theo ông Hình, kể cả khi tổ chức các đoàn thanh tra, kiểm tra liên ngành cũng chưa chắc đã đạt được hiểu quả cao vì cơ chế xử phạt hành chính hiện nay không đủ sức răn đe. Ông Hình cho rằng cần có sự tham gia của ngành công an vào hoạt động du lịch đường thuỷ thì mới hy vọng vào sự cải tiến tích cực: “Nếu đoàn thanh tra liên ngành do ngành du lịch chủ trì mà không có sự tham gia của ngành công an thì du lịch cũng khó đạt được nhiệm vụ”.
Trước mắt, để giải quyết phần nào các bất cập, ngành du lịch sẽ tiến hành mở các lớp bồi dưỡng bắt buộc đối với các cán bộ làm công tác quản lý tại địa phương và toàn bộ đội ngũ nhân lực làm việc trên các phương tiện như thuyền trưởng, thuyền viên, nhân viên phục vụ, hướng dẫn viên… nhằm nâng cao ý thức trách nhiệm của mỗi cá nhân khi tham gia vào hoạt động du lịch mang tính đặc thù này.
Bài&ảnh: Loan Nguyễn