• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Quản lý khai thác vàng ở tỉnh Hòa Bình: Sai phạm ngổn ngang, dai dẳng do đâu?

Thời sự 08/10/2017 11:34

(Tổ Quốc) -Hơn 10 năm qua, tỉnh Hòa Bình đã buông lỏng quản lý, để nguồn tài nguyên quý giá không những liên tục bị "chảy máu", mà còn gây ra những hệ lụy khôn lường.

Là một trong những địa phương có khoáng sản vàng, tập trung nhiều ở ba huyện Kim Bôi, Lương Sơn, Lạc Thủy, nhưng suốt hơn 10 năm qua, tỉnh Hòa Bình đã buông lỏng quản lý, để nguồn tài nguyên quý giá này không những liên tục bị "chảy máu", mà còn gây ra những hệ lụy khôn lường.

Ngổn ngang sai phạm

Cả cánh đồng lúa mênh mông đã bị đào nát, “vàng tặc” xâm lấn đến… tận trụ sở UBND xã Mỵ Hòa, huyện Kim Bôi (Hòa Bình). Đó là chuyện thật như đùa đang diễn ra ở nơi từng là điểm nóng của tình trạng khai thác vàng trái phép mà mấy năm nay địa phương báo cáo đã vắng bóng “vàng tặc”, tình trạng khai thác chỉ còn “nhỏ lẻ”. Theo thống kê của UBND xã Mỵ Hòa, trong hai năm qua đã có hơn 10.000m2 đất nông nghiệp bị biến mất vì khai thác vàng trái phép. Hàng loạt hố sâu vài chục mét được đào, khoét để tìm vàng trên ruộng, núp bóng “đào ao thả cá”.

Khi đoàn kiểm tra của UBND huyện Kim Bôi có mặt, “ao thả cá” vẫn đầy thùng chứa xăng dầu, máy bơm, ống hút nước, gáo múc, máy chế biến quặng... Người dân cho biết, có tới 4 chủ khai thác vàng trên địa bàn xã đều là người ở địa phương, nhưng vẫn chưa có đối tượng nào bị xử lý.

Tại huyện Lạc Thủy, những bãi vàng lậu trở thành "ma trận" ở xã Thanh Nông nhiều năm nay. Hàng chục hầm đào vàng với độ sâu hàng chục mét. Xã này còn có một mỏ vàng lộ thiên ngay dưới chân núi với quy mô lớn, tập trung nhiều máy xúc, dây chuyền tuyển quặng. "Vàng tặc" đã tàn phá nhiều héc-ta đồng ruộng ở miền quê vốn yên bình này.

Tại huyện Lương Sơn, trên địa bàn xã Tân Thành, tình trạng khai thác khoáng sản trái phép cũng diễn ra vô cùng phức tạp, với quy mô rộng, nhiều chiêu trò ngụy trang; đã có nhiều cái chết thương tâm do sập hầm, khoét núi, nổ mìn… Chúng tôi đã chứng kiến đám tang anh Nguyễn Văn Tư (sinh năm 1967) chết do sập hầm tại bãi khai thác vàng trái phép ở thôn Ông Cây, xã Tân Thành, nhưng ông Nguyễn Đại Hà, Phó chủ tịch UBND xã Tân Thành khi trả lời phóng viên vẫn khẳng định… "không hề có khai thác vàng trái phép (!)".

Ông Nguyễn Văn Sơn, Chủ tịch UBND xã Tân Thành có báo cáo gửi UBND huyện thừa nhận, trên địa bàn xã có tới 16 lò khai thác vàng “thổ phỉ” nhưng toàn là… “lò cũ”. Trên địa bàn xã Hợp Châu, nơi Công ty Cổ phần khai thác và chế biến khoáng sản Hòa Bình xin phép thực hiện dự án Nhà máy Chế biến quặng đa kim Hòa Bình và khảo sát, điều tra, thăm dò khai thác vàng, nạn “vàng tặc” cũng diễn ra vô cùng nhức nhối. Dư luận phản ánh, có hiện tượng núp bóng thăm dò để khai thác trái phép. Trong báo cáo gửi UBND huyện, ông Nguyễn Văn Bình, Chủ tịch UBND xã Hợp Châu cho biết, có việc đội làm vàng về dựng lều lán chuẩn bị khai thác tại đồi Cổ Cò. UBND xã chỉ đạo Công an xã phối hợp với Công an huyện giải tỏa và “yêu cầu các đối tượng” về UBND để làm việc, song không rõ những đối tượng nào bị xử lý.

Khu vực lều lán ở một bãi khai thác vàng trái phép tại huyện Lương Sơn (Hòa Bình). Ảnh: NGỌC QUÝ 

Từ quản lý trên giấy đến cho phép trái thẩm quyền

Để chấn chỉnh tình trạng lộn xộn trong khai thác khoáng sản, ngày 14-4-2015, UBND tỉnh Hòa Bình ra Quyết định số 09/2015/QĐ-UBND nêu rất rõ: Chủ tịch UBND huyện, thành phố chịu trách nhiệm trước Chủ tịch UBND tỉnh và trước pháp luật về hoạt động khai thác khoáng sản trái phép trên địa bàn quản lý”. Đồng thời phải: “Kiểm điểm làm rõ trách nhiệm và xử lý đối với tổ chức, cá nhân thuộc quyền quản lý không hoàn thành nhiệm vụ được giao, để xảy ra hoạt động khai thác khoáng sản trái phép trên địa bàn…".

 Thế nhưng ở huyện Lạc Thủy, ông Quách Tất Liêm, Chủ tịch UBND huyện cho biết đã chỉ đạo và “kiểm điểm làm rõ trách nhiệm” song “chưa đến mức phải kỷ luật ngay” cán bộ nào. Riêng trách nhiệm của cá nhân ông Liêm thì “đã làm hết sức mình rồi”.

Cái gọi là “làm hết sức” thể hiện từ đầu năm 2017 đến nay, chính quyền huyện Lạc Thủy chỉ liên tục ban hành các công văn với nội dung “tăng cường kiểm tra, xử lý” nhưng chưa hề xử phạt bất kỳ cá nhân, tổ chức nào mà đẩy hết trách nhiệm về cấp xã. Bà Lâm Thị Kính, Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Lạc Thủy thản nhiên cho biết: “Các xã đã xử phạt nên huyện không xử phạt thêm (!)". Trong khi đó, hoạt động khai thác vàng thu lợi nhuận nhiều tỷ đồng nhưng thẩm quyền cấp xã phạt không quá 5 triệu đồng mỗi lần.

Tương tự, tại huyện Lương Sơn, từ tháng 8-2017, ông Nguyễn Vũ Chi, Chủ tịch UBND huyện liên tục gửi các công văn chỉ đạo “tịch thu phương tiện, tang vật”, “phá hủy công trình, lều lán”, “xác định đối tượng, lập danh sách xử lý nghiêm”, song các chỉ đạo vẫn chỉ nằm trên giấy, không một phương tiện nào bị thu, không hề có một tập thể, cá nhân nào bị xử lý.

Xung quanh thông tin về việc lợi dụng thăm dò để khai thác vàng trái phép, trao đổi với phóng viên Báo Quân đội nhân dân, ông Trần Minh Thắng là lãnh đạo một doanh nghiệp phủ nhận việc khai thác mà mới chỉ triển khai thăm dò khoáng sản. Theo ông Thắng, dự án được thực hiện đúng quy định của pháp luật và doanh nghiệp không cần phải “ký quỹ” tại Tổng cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam như có thông tin nghi ngờ tính pháp lý của dự án. “Chúng tôi đầu tư nhà máy khai thác vàng hiện đại, không dùng hóa chất độc hại và còn giúp nhân dân rất nhiều”, ông Thắng khẳng định.

Trước đó, ngày 24-11-2016, Văn phòng UBND tỉnh Hòa Bình có Công văn số 6208/VPUBND-NNTN gửi Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Hòa Bình truyền đạt ý kiến của Phó chủ tịch UBND tỉnh Bùi Văn Khánh giao sở hướng dẫn doanh nghiệp lập thủ tục, triển khai dự án điều tra đánh giá, thăm dò khoáng sản vàng tại xã Hợp Châu. 5 ngày sau, ông Đinh Văn Hòa, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường có Công văn số 1973/STNMT-KS gửi Công ty Cổ phần khai thác và chế biến khoáng sản Hòa Bình cho phép công ty được đầu tư bằng nguồn vốn tự có để tiến hành khảo sát thực địa, lấy mẫu trên mặt để lựa chọn diện tích lập đề án thăm dò quặng vàng tại xã Hợp Châu.

Về vấn đề này, ông Lại Hồng Thanh, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam (Bộ Tài nguyên và Môi trường) cho biết: "Việc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Hòa Bình cho phép doanh nghiệp được đầu tư bằng nguồn vốn tự có tiến hành khảo sát tại thực địa, lấy mẫu trên mặt đất để lựa chọn diện tích lập đề án thăm dò quặng vàng trên địa bàn xã Hợp Châu là chưa đúng quy định của pháp luật. Bởi theo Điều 37, Luật Khoáng sản quy định: Thẩm quyền cho phép tổ chức, cá nhân muốn lập đề án thăm dò khoáng sản được khảo sát tại thực địa, lấy mẫu trên mặt đất để lựa chọn diện tích lập đề án thăm dò là UBND cấp tỉnh nơi có khu vực dự kiến thăm dò loại khoáng sản đó”.

Từ thực trạng trên, đề nghị lãnh đạo, chính quyền tỉnh Hòa Bình sớm chỉ đạo làm rõ, xử lý nghiêm những sai phạm trong quản lý khai thác vàng, bảo vệ nguồn tài nguyên và an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, bảo vệ môi trường ở địa phương.

NGUYÊN MINH 

NỔI BẬT TRANG CHỦ