(Tổ Quốc) -Theo Tổng cục Du lịch, vấn đề hiện nay không phải là cấm hình thức tour giá rẻ mà là phải kiểm soát chất lượng hàng hóa, nguồn gốc xuất xứ, không cho giao dịch chui, trốn thuế, chuyển tiền trái phép ra nước ngoài.
Khách Trung Quốc là nguồn thu chủ yếu với nhiều công ty lữ hành Việt Nam
Sự tăng trưởng của thị trường khách Trung Quốc đã góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế du lịch, thu hút đầu tư tại nhiều địa phương đặc biệt là Đà Nẵng, Nha Trang, Quảng Ninh. Các ngành dịch vụ như khách sạn, nhà hàng, vận chuyển, mua sắm và các dịch vụ khác được khai thác hiệu quả. Công suất buồng phòng tại Nha Trang các khách sạn từ 3-5 sao đạt trên 90%, giá phòng tăng ổn định từ 10-15%/năm.
Và khách Trung Quốc là nguồn thu chủ yếu đối với nhiều công ty lữ hành ở Việt Nam.
Khách du lịch châu Á tại Hà Nội. Ảnh minh họa: Nam Nguyễn |
Thống kê từ Tổng cục Du lịch cho hay, với lượng khách Trung Quốc bình dân qua các cửa khẩu đường bộ có số lượng lớn, ổn định, phù hợp với những dịch vụ ở mức độ 1-2 sao. Chỉ riêng nguồn thu từ phí visa, vé tham quan Vịnh Hạ Long (Quảng Ninh) từ khách Trung Quốc đường bộ năm 2016 khoảng 330 tỷ đồng, chưa tính các chi phí lưu trú, ăn uống, vận chuyển. Doanh thu từ khách du lịch đường bộ đã đóng góp phần lớn vào doanh thu từ khách du lịch Trung Quốc tại Quảng Ninh năm 2016 khoảng 900-1.000 tỷ đồng, tạo ra việc làm ổn định cho 3.000-3.500 người, góp phần nâng công suất sử dụng cơ sở lưu trú bình dân và tàu tham quan du lịch trên địa bàn.
Và những mặt trái
Tuy vậy, tour giá rẻ không phải không có những tác động tiêu cực.
Do cạnh tranh về giá tour hết sức khốc liệt, lợi nhuận từ việc tổ chức tỏi cho khách không cao, nên việc kinh doanh loại hình này có nhiều biến tướng tinh vi, phức tạp và có sự thỏa thuận ngầm giữa công ty lữ hành hai bên, hướng dẫn viên, trung tâm mua sắm hàng hóa.
Tổng cục Du lịch cho hay, hiện tượng giao khoán đoàn khách cho hướng dẫn viên và nộp lại tiền trên từng đầu khách đã ảnh hưởng đến môi trường kinh doanh, hình ảnh điểm đến của du lịch Quảng Ninh.
Một số đoàn khách Trung Quốc bị cắt giảm chương trình tour, phải vào các điểm mua sắm khép kín chỉ phục vụ riêng khách Trung Quốc với hàng hóa chất lượng thấp, giá cao gấp nhiều lần giá trị thực tế. Một số cửa hàng có dấu hiệu bán hàng không xuất hóa đơn tài chính và trốn thuế, giới thiệu về hàng hóa không đúng với nguồn gốc xuất xứ và công dụng thực tế…
Tổng cục Du lịch cũng cho biết, một số doanh nghiệp lữ hành Việt Nam đã để các đối tác Trung Quốc “mượn” pháp nhân, núp bóng để kinh doanh, điều hành, tổ chức tour trái phép trên lãnh thổ Việt Nam.
Theo phản ánh của chính nhiều doanh nghiệp lữ hành gửi khách Trung Quốc hiện có nhiều tổ chức, cá nhân người Trung Quốc sang các nước trong khu vực trong đó có Việt Nam liên kết với doanh nghiệp bản địa tổ chức các cửa hàng bán hàng nhái, hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ. Khách du lịch khi mua phải hàng chất lượng thấp khi về Trung Quốc đưa lên các mạng xã hội làm ảnh hưởng không nhỏ đến điểm đến và việc kinh doanh của các doanh nghiệp lữ hành.
Kiểm soát chất lượng hàng hóa, không cho giao dịch chui, trốn thuế, chuyển tiền trái phép ra nước ngoài
Theo Tổng cục Du lịch, vấn đề hiện nay không phải là cấm hình thức tour giá rẻ hay cấm khách đi mua sắm bởi doanh thu của điểm đến chính là từ chi tiêu mua sắm. Vấn đề ở đây là phải kiểm soát chất lượng hàng hóa, nguồn gốc xuất xứ, không cho giao dịch chui, trốn thuế, chuyển tiền trái phép ra nước ngoài.
Với các địa phương, cần tăng cường công tác quản lý điểm đến, nâng cao năng lực đón tiếp, đảm bảo chất lượng dịch vụ phục vụ khách du lịch nói chung và khách Trung Quốc nói riêng; phát triển lực lượng nhân viên hỗ trợ khách Trung Quốc vào các dịp cao điểm, khách tập trung đông; phát triển các trung tâm mua sắm, vui chơi giải trí chất lượng cao, hoạt động đúng pháp luật.
Với Bộ VHTTDL, phối hợp các địa phương tăng cường công tác thanh, kiểm tra, hướng dẫn hoạt động kinh doanh lữ hành và hướng dẫn viên. Kiên quyết xử phạt và rút giấy phép hoạt động đối với những doanh nghiệp lữ hành, hướng dẫn viên có vi phạm pháp luật về kinh doanh lữ hành, ảnh hưởng đến quyền lợi của du khách.
Với Bộ Công Thương, phối hợp với UBND các tỉnh, TP chỉ đạo Sở Công Thương và các ngành liên quan tăng cường quản lý các cơ sở mua sắm trong việc chấp hành các quy định về niêm yết giá, xuất xứ hàng hóa, chất lượng hàng hóa, có biện pháp phát hiện, xử lý nghiêm cơ sở mua sắm vi phạm trong kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng. Có chính sách khuyến khích phát triển các trung tâm mua sắm, điểm bán hàng phục vụ khách du lịch hoạt động đúng pháp luật, đa dạng hóa mặt hàng, sản phẩm có chất lượng, nguồn gốc rõ ràng, đặc biệt là các mặt hàng nông sản, thủ công nghiệp địa phương để phục vụ khách du lịch.
Ngân hàng Nhà nước phối hợp với UBND các tỉnh, TP thực hiện quản lý về ngoại hối, trong đó tập trung vào việc thanh toán, chuyển tiền của các doanh nghiệp lữ hành với đối tác nước ngoài, việc thanh toán bằng ngoại tệ tại các điểm dịch vụ, điểm mua sắm… phục vụ khách du lịch.
Các địa phương cũng tăng cường công tác quản lý thuế, chống thất thu thuế trong hoạt động kinh doanh lữ hành, dịch vụ du lịch đặc biệt là các cơ sở mua sắm, nhà hàng trên địa bàn…/.
Song Đào