(Toquoc)-Thảo luận về dự thảo sửa đổi Luật cư trú, nhiều thành viên Ủy ban TVQH quan ngại sẽ xảy ra tình trạng “lách luật”
(Toquoc)-Thảo luận về dự thảo sửa đổi Luật cư trú, nhiều thành viên Ủy ban TVQH quan ngại sẽ xảy ra tình trạng “lách luật”
Ngày 21/3, tiếp tục chương trình phiên họp thứ 16, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật cư trú.
Đa số ý kiến cho rằng: Dự thảo cần sửa đổi theo hướng nâng cao hiệu quả quản lý dân cư, nhất là ở khu vực nội thành của các thành phố trực thuộc trung ương. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều quan ngại
Thảo luận tại phiên họp, các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng: Dự Luật đã có nhiều điểm được sửa đổi, bổ sung theo hướng rút gọn hơn so với dự thảo đã được trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại phiên họp thứ 14.
Cụ thể, dự thảo lần này bổ sung 2 hành vi bị nghiêm cấm, bao gồm hành vi giả mạo điều kiện để được đăng ký thường trú; cho người khác đăng ký vào chỗ ở của mình nhưng người này thực tế không cư trú tại chỗ ở đó hoặc để trục lợi.
Đây là những hành vi khá phổ biến mà một số người dân hay lợi dụng để đăng ký thường trú.
Bên cạnh những hành vi đó vẫn còn rất nhiều hành vi giả mạo khác để đăng kí thường trú như giả mạo kết hôn, giả mạo họ hàng thân thích, giả mạo giấy tờ tuyển dụng…
Nhiều gia đình ở nông thôn đã gửi con cái về ở với ông bà, người thân thích trên thành phố để điều kiện sống và điều kiện học tập tốt hơn (ảnh: T.Nam).
Tuy nhiên nhiều ý kiến cho rằng quy định này còn chưa rõ ràng, nội dung của việc giả mạo điều kiện này để được đăng ký thường trú là gì? Thế nào là cho người khác đăng ký vào chỗ ở của mình để trục lợi?
Vì vậy, một số đại biểu đề nghị cần rà soát lại quy định trong dự thảo để bảo đảm tính khả thi trong thực tiễn.
Ngoài quy định tăng thời gian tạm trú từ 1 năm lên 2 năm, dự thảo Luật đã bổ sung quy định công dân được đăng ký thường trú tại thành phố trực thuộc trung ương khi có chỗ ở hợp pháp và bảo đảm điều kiện về diện tích bình quân theo quy định của Hội đồng nhân dân thành phố, có xác nhận của chính quyền địa phương. Nơi đề nghị đăng ký thường trú phải là nơi đang tạm trú.
Ủy ban Pháp luật cho rằng việc áp dụng quy định này trên phạm vi toàn thành phố trực thuộc trung ương là quá rộng vì trên thực tế nhiều huyện ngoại thành của các thành phố trực thuộc trung ương hiện nay không phải chịu áp lực về mật độ dân cư, có huyện còn khuyến khích dân cư đến ở. Luật Thủ đô cũng chỉ quy định các điều kiện hạn chế hơn về đăng ký thường trú vào nội thành.
Do đó, cơ quan thẩm tra đề nghị chỉ áp dụng các điều kiện hạn chế đăng ký thường trú trong nội thành của các thành phố trực thuộc trung ương.
Ủng hộ quan điểm này, ông Nguyễn Văn Hiện, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp phân tích: “Điều kiện đăng ký thường trú, tạm trú đối với ngoại thành của Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Hải Phòng nên tương tự như các thành phố khác thì hợp lý hơn, đảm bảo quyền bình đẳng của dân giữa các tỉnh, thành phố”, ông Hiện phân tích.
Một số ý kiến thảo luận cũng đồng tình với cơ quan thẩm tra đề nghị bỏ quy định trường hợp chỗ ở hợp pháp do thuê, mượn, ở nhờ của cá nhân, tổ chức… thì phải có xác nhận của chính quyền địa phương hoặc công chứng. Vì quy định này tăng thêm thủ tục hành chính, gây phiền hà, tốn kém, dễ bị lợi dụng làm ảnh hưởng đến quyền, lợi ích của người dân.
Một trong các nội dung chưa nhận được sự đồng thuận là quy định đối tượng trẻ em chưa thành niên không còn cha, mẹ hoặc còn cha, mẹ nhưng cha, mẹ không có khả năng nuôi dưỡng mới được chuyển về ở với ông, bà nội, ngoại, anh, chị, em ruột, cô, dì, chú, bác, cậu ruột, người giám hộ.
Thực tế cho thấy có trường hợp con chưa thành niên có nguyện vọng và nhu cầu về ở với ông, bà hoặc người họ hàng thân thích khi bố mẹ ly hôn và bố mẹ đều đã kết hôn với người khác, Báo cáo thẩm tra chỉ ra.
Hay có rất nhiều gia đình ở nông thôn đã gửi con cái về ở với ông bà, người thân thích trên thành phố để điều kiện sống và điều kiện học tập tốt hơn.
Nhiều đại biểu quan ngại tình trạng “lách luật” bằng cách “ly hôn giả” và khi đó, quản lý dân cư có thể còn phức tạp hơn.
Đại diện Ban soạn thảo, Thứ trưởng Bộ Công an Phạm Quý Ngọ giải thích, luật chỉ hạn chế những trường hợp bố mẹ đang còn khỏe mạnh mà lại gửi con cái về ở chung với ông bà ở thành phố để được học ở các trường trong nội thành.
Bởi, với tốc độ gia tăng dân số như hiện nay, hạ tầng trường học ở nội thành chưa thể đáp ứng nổi nhu cầu của người dân, ông Phạm Quý Ngọ bày tỏ.
Do vậy, cơ quan thẩm tra dự án luật (Ủy ban Pháp luật) đề nghị ban soạn thảo cân nhắc bổ sung trường hợp người chưa thành niên còn cha, mẹ và cha mẹ vẫn có điều kiện nuôi dưỡng nhưng có nguyện vọng về sống với ông, bà nội, ngoại, anh, chị, em ruột, cô, dì, chú, bác, cậu ruột.
Các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng đề nghị Ban soạn thảo tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện dự án luật để dự án luật bảo đảm các điều kiện thuận lợi hơn nữa cho công dân trong cư trú, bảo đảm hài hòa quyền, lợi ích hợp pháp của mọi cá nhân, tổ chức./.
T.Nam