• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Quán triệt, triển khai Nghị quyết của Bộ Chính trị về phát triển vùng Đông Nam Bộ

Thời sự 23/10/2022 14:54

(Tổ Quốc) - Nghị quyết số 24-NQ/TW khẳng định: Vùng Đông Nam Bộ có vai trò, vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng về chính trị, kinh tế, văn hoá, xã hội, quốc phòng, an ninh và đối ngoại của cả nước. Đông Nam Bộ phải là vùng phát triển năng động, trung tâm kinh tế, tài chính, thương mại, dịch vụ, giáo dục và đào tạo, chuyển đổi số hàng đầu cả nước và khu vực Đông Nam Á...

Ngày 23/10, tại Trụ sở Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư Trung ương Đảng tổ chức Hội nghị quán triệt và triển khai thực hiện Nghị quyết của Bộ Chính trị về phương hướng phát triển kinh tế, xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Đông Nam Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Hội nghị được tổ chức theo hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chủ trì và có bài phát biểu quan trọng chỉ đạo hội nghị.

Quán triệt, triển khai Nghị quyết của Bộ Chính trị về phát triển vùng Đông Nam Bộ - Ảnh 1.

Toàn cảnh Hội nghị tại điểm cầu chính Trụ sở Trung ương Đảng.

Đồng chủ trì hội nghị có các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị: Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc; Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính; Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ; Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng. Dự Hội nghị còn có các Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Uỷ viên Trung ương Đảng và lãnh đạo các Bộ, Ban, ngành Trung ương, các tỉnh, thành phố trong Khu vực…Tại điểm cầu Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, có sự tham dự của các Thứ trưởng: Trịnh Thị Thuỷ, Hoàng Đạo Cương.

Đây là hội nghị thứ 4 được Bộ Chính trị tổ chức tiếp sau 3 Hội nghị toàn quốc quán triệt, triển khai thực hiện các Nghị quyết mới của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh ở các vùng: Đồng bằng sông Cửu Long; vùng Trung du và miền núi Bắc Bộ và vùng Tây Nguyên.

Đi đầu trong đổi mới và phát triển

Tại Hội nghị, các đại biểu đã nghe đồng chí Lê Minh Khái, Bí thư Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ trình bày báo cáo về một số nội dung chủ yếu của Nghị quyết số 24 và chương trình hành động của Ban cán sự Đảng Chính phủ triển khai thực hiện Nghị quyết; nghe Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải trình bày chương trình hành động của Ban cán sự Đảng Quốc hội triển khai thực hiện Nghị quyết.

Quán triệt, triển khai Nghị quyết của Bộ Chính trị về phát triển vùng Đông Nam Bộ - Ảnh 2.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu chỉ đạo Hội nghị

Vùng Đông Nam Bộ bao gồm Thành phố Hồ Chí Minh và 5 tỉnh trực thuộc Trung ương: Tây Ninh, Bình Phước, Bình Dương, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu, là vùng có vị trí, vai trò đặc biệt quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh và đối ngoại của đất nước.

Với những tiềm năng, lợi thế vượt trội, sau 17 năm thực hiện Nghị quyết và Kết luận của Bộ Chính trị khóa IX và khóa XI, các cấp ủy Đảng, chính quyền và nhân dân trong vùng đã phát huy truyền thống đoàn kết, cách mạng và tinh thần đổi mới, sáng tạo, vượt qua nhiều khó khăn, thách thức, đã luôn đi đầu trong đổi mới và phát triển, đóng góp lớn vào tăng trưởng kinh tế, xuất khẩu, thu ngân sách nhà nước và giải quyết việc làm của cả nước.

Quán triệt, triển khai Nghị quyết của Bộ Chính trị về phát triển vùng Đông Nam Bộ - Ảnh 3.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ và Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng chủ trì hội nghị.

Nổi bật là năm 2020, quy mô tổng sản phẩm toàn vùng (GRDP) theo giá hiện hành gấp 4,9 lần so với năm 2005 và 2,6 lần so với năm 2010, vượt mục tiêu đề ra; đóng góp 32% tổng sản phẩm quốc nội (GDP), 44,7% tổng thu ngân sách nhà nước. GRDP bình quân đầu người năm 2020 cao nhất cả nước.

Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực, tỉ trọng công nghiệp chế biến, chế tạo tăng nhanh, tỉ trọng khu vực dịch vụ tăng cao; tốc độ tăng trưởng khu vực dịch vụ đạt mức cao nhất cả nước.

Đông Nam Bộ có khu vực kinh tế tư nhân phát triển mạnh, năng động với số lượng doanh nghiệp đứng đầu cả nước; là địa bàn thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) lớn nhất, chiếm 41,1% tổng vốn FDI. Thành phố Hồ Chí Minh trở thành trung tâm kinh tế, tài chính, thương mại, khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo của vùng và cả nước. Tỉ lệ đô thị hóa của vùng đạt 67%, diện mạo đô thị ngày càng hiện đại; tỉ lệ xã đạt chuẩn nông thôn mới đạt 79,5%, đứng thứ hai trong các vùng của cả nước.

Quán triệt, triển khai Nghị quyết của Bộ Chính trị về phát triển vùng Đông Nam Bộ - Ảnh 4.

Điểm cầu tại Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch. (Ảnh: Nam Nguyễn)

Lĩnh vực văn hoá, xã hội đạt một số kết quả quan trọng. Nhiều giá trị di sản văn hóa được bảo tồn, phát huy. Công tác giảm nghèo bền vững, thực hiện chính sách an sinh xã hội, đổi mới giáo dục và đào tạo đạt nhiều kết quả tích cực; tỉ lệ hộ nghèo thấp nhất cả nước; đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân được nâng lên. Tỉ lệ lao động qua đào tạo cao nhất cả nước.

Lĩnh vực y tế chuyên sâu có những thành tựu ngang tầm khu vực và thế giới. Công tác bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu được quan tâm. Cải cách hành chính được đẩy mạnh; môi trường đầu tư kinh doanh được cải thiện. Quốc phòng, an ninh được tăng cường; an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội được giữ vững; đối ngoại và hội nhập quốc tế được đẩy mạnh. Công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng và xây dựng hệ thống chính trị được chú trọng.

Mục tiêu đến năm 2030

Nghị quyết số 24 xác định rõ mục tiêu đến năm 2030: Đông Nam Bộ trở thành vùng phát triển năng động, có tốc độ tăng trưởng kinh tế cao, động lực tăng trưởng lớn nhất cả nước; trung tâm khoa học-công nghệ và đổi mới sáng tạo, công nghiệp công nghệ cao, logistics và trung tâm tài chính quốc tế có tính cạnh tranh cao trong khu vực.

Quán triệt, triển khai Nghị quyết của Bộ Chính trị về phát triển vùng Đông Nam Bộ - Ảnh 5.

Các đại biểu dự Hội nghị tại điểm cầu Bộ VHTTDL. (Ảnh: Nam Nguyễn)

Đi đầu đổi mới mô hình tăng trưởng, chuyển đổi số, xây dựng chính quyền số, kinh tế, xã hội số. Phát triển hệ thống đô thị thông minh và hiện đại. Cơ bản hoàn thành hệ thống giao thông kết nối nội vùng, liên vùng và khu vực; đầu mối giao thương, hội nhập khu vực và thế giới.

Các lĩnh vực văn hóa, xã hội, giáo dục - đào tạo, y tế phát triển đứng đầu cả nước. Tình trạng ô nhiễm môi trường, tắc nghẽn giao thông và ngập úng cơ bản được giải quyết. Quốc phòng, an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được bảo đảm vững chắc; tổ chức Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh; khối đại đoàn kết các dân tộc được tăng cường…

Tầm nhìn đến năm 2045

Tầm nhìn đến năm 2045 được Nghị quyết xác định là: Đông Nam Bộ trở thành vùng phát triển, có tiềm lực kinh tế mạnh, cơ cấu kinh tế hiện đại; trung tâm khoa học - công nghệ và đổi mới sáng tạo, công nghiệp công nghệ cao, logistics và trung tâm tài chính quốc tế thuộc nhóm đầu khu vực và thế giới; kết cấu hạ tầng hiện đại, đồng bộ. Phát triển hài hòa giữa kinh tế với văn hóa, xã hội, bảo vệ môi trường và bảo đảm quốc phòng, an ninh; có chất lượng cuộc sống cao, có trình độ y tế, giáo dục thuộc nhóm dẫn đầu Đông Nam Á…

Từ mục tiêu nêu trên, Nghị quyết đã xác định các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu về: Phát triển nhanh, bền vững tạo bước đột phá, lan tỏa trong phát triển kinh tế vùng, liên vùng. Tập trung hoàn thiện thể chế, chính sách và đẩy mạnh phát triển liên kết vùng. Phát triển khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo và hoàn thiện kết cấu hạ tầng, đô thị. Phát triển văn hóa, xã hội, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân. Bảo đảm vững chắc quốc phòng, an ninh, nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại. Tập trung xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị. Tại Hội nghị, các đại biểu đại diện các bộ, ngành, địa phương cũng đã trình bày một số tham luận. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cũng đã có phát biểu chỉ đạo với nhiều nội dung quan trọng./.

Bài: Thu Mai; Ảnh: Nam Nguyễn

NỔI BẬT TRANG CHỦ