• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Quán triệt và thực hành sâu sắc quan điểm hương ước là của dân, do dân và vì dân

Văn hoá 18/03/2023 09:18

(Tổ Quốc) - Ngày 17/3, tại Ninh Bình, Vụ Pháp chế, Bộ VHTTDL tổ chức buổi Toạ đàm lấy ý kiến góp ý dự thảo Báo cáo tổng kết tính hình thực hiện Quyết định số 22/2018/QĐ-TTg ngày 8/5/2018 của Thủ tướng Chính phủ về xây dựng, thực hiện hương ước, quy ước.

Ông Phạm Cao Thái, Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ VHTTDL chủ trì buổi Tọa đàm. Tham dự tọa đàm có ông Nguyễn Thanh Sơn, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế; lãnh đạo một số đơn vị thuộc Bộ VHTTDL; Sở VHTTDL một số địa phương cùng nhiều chuyên gia, nhà khoa học.

Quán triệt và thực hành sâu sắc quan điểm hương ước là của dân, do dân và vì dân - Ảnh 1.

Ông Phạm Cao Thái, Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ VHTTDL phát biểu mở đầu tọa đàm.

Phát biểu khai mạc buổi Tọa đàm, ông Phạm Cao Thái, Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ VHTTDL khẳng định, việc xây dựng nghị định về hương ước, quy ước là công việc rất khó khăn, mong muốn xây dựng nghị định về xây dựng và thực hiện hương ước, quy ước của cộng đồng dân cư đã có từ lâu. Hiện nay, các bước chuẩn bị đã được Bộ VHTTDL thực hiện và đã xây dựng được những nội dung của cơ bản của dự thảo nghị định.

"Tại buổi tọa đàm, chúng tôi mong muốn nhận được những góp ý của các đại biểu từ việc tổng kết thực tiễn thực hiện hiện Quyết định số 22/2018/QĐ-TTg, rút ra các nội dung cần thiết để hoàn thiện dự thảo Nghị định về xây dựng và thực hiện hương ước, quy ước của cộng đồng dân cư để trình Chính phủ ban hành", ông Phạm Cao Thái bày tỏ.

Tại buổi Tọa đàm, ông Nguyễn Thanh Sơn, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ VHTTDL đã trình bày khái quát về quá trình tổng kết tình hình thực hiện Quyết định số 22/2018/QĐ-TTg ngày 8/5/2018 của Thủ tướng Chính phủ về xây dựng, thực hiện hương ước, quy ước và những nội dung cơ bản về dự thảo Nghị định về xây dựng và thực hiện hương ước, quy ước của cộng đồng dân cư.

Quán triệt và thực hành sâu sắc quan điểm hương ước là của dân, của cộng đồng

Đóng góp ý kiến tại tọa đàm, PGS. TS Vương Xuân Tình (nguyên Viện trưởng Viện Dân tộc học, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam) nêu rõ, hương ước không phải chỉ có ở Việt Nam mà tồn tại ở nhiều quốc gia trên thế giới. Quan điểm chung của thế giới về hương ước đó là: "Hương ước phản ánh đa dạng pháp luật, là một thực thể, phạm trù của luật tục, thực chất là luật dân gian, tồn tại song song với luật pháp của nhà nước".

Ở Việt Nam, các quan điểm về hương ước đều thống nhất hương ước là của dân, của cộng đồng, tuy nhiên có thể phân ra thành hai nhóm quan điểm. Nhóm thứ nhất cho rằng "hương ước truyền tải nội dung của luật pháp" và nhóm thứ hai (chủ yếu là quan điểm của các nhà khoa học) cho rằng "hương ước tồn tại song song với luật pháp, không mâu thuẫn với luật pháp và góp phần quản lý xã hội. Hương ước không nên là phương tiện để truyền tải luật pháp".

Quán triệt và thực hành sâu sắc quan điểm hương ước là của dân, do dân và vì dân - Ảnh 2.

PGS. TS Vương Xuân Tình, nguyên Viện trưởng Viện Dân tộc học, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam

Góp ý vào dự thảo, PGS. TS Vương Xuân Tình cho rằng, cần quán triệt và thực hành sâu sắc quan điểm hương ước là của dân, của cộng đồng. Nhà nước hay bất cứ tổ chức nào cũng phải là đại diện của dân, vì tiếng nói, lợi ích của dân để thực hiện. Hương ước sẽ góp phần quản lý xã hội, giảm áp lực về mặt quản lý cho cán bộ quản lý.

Cũng theo nguyên Viện trưởng Viện Dân tộc học, không nên có một mẫu chung cố định cho hương ước, quy ước mà tùy từng vùng, từng khu vực sẽ có cách thể hiện hương ước, quy ước khác nhau. Hương ước cũng không nên "ôm đồm", điều gì pháp luật đã quy định thì không nên đưa vào hương ước, hương ước chỉ quy định những vấn đề pháp luật khó với tới, những vấn đề tế nhị, nhạy cảm…

PGS. TS Vương Xuân Tình đề xuất mỗi địa phương lấy 1 ngày trong năm (ví dụ như Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc 18/11) để tổ chức họp dân, lấy ý kiến nhân dân để bổ sung, hoàn thiện hương ước, quy ước.

Quán triệt và thực hành sâu sắc quan điểm hương ước là của dân, do dân và vì dân - Ảnh 3.

PGS. TS Vũ Duy Mền, Viện sử học, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam

Đóng góp ý kiến vào Dự thảo Nghị định về xây dựng và thực hiện hương ước, quy ước của cộng đồng dân cư, PGS. TS Vũ Duy Mền (Viện sử học, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam) cho rằng, dự thảo nghị định cần giải thích chính xác khái niệm hương ước, hiểu đúng bản chất của hương ước, quy ước để có ứng xử phù hợp.

Theo PGS. TS Vũ Duy Mền, hương ương là những quy ước liên quan đến nhiều mặt đời sống, được cộng đồng dân cư cùng nhau lập ra, được chính quyền thông qua và cùng nhau thi hành. "Có thể hiểu nôm na hương ước là lệ làng thành văn".

Từ định nghĩa trên, PGS. TS Vũ Duy Mền đề nghị bổ sung thêm vào khái niệm hương ước đang được nêu trong dự thảo nghị định, đồng thời, thay thế thuật ngữ "hương ước, quy ước vi phạm".

Bên cạnh đó, PGS. TS Vũ Duy Mền cũng có những đóng góp về hình thức, về quy định cấp có thẩm quyền công nhận hương ước, quy ước và vấn đề quy định thưởng, phạt trong hương ước, quy ước.

Tôn trọng tính tự chủ của người dân và tôn trọng tính đa dạng của văn hoá

Nêu ý kiến tại tọa đàm, PGS.TS Trần Hữu Sơn (Viện trưởng Viện nghiên cứu văn hóa dân gian ứng dụng) nhấn mạnh, vai trò của hương ước là cực kỳ quan trọng, bởi luật pháp đôi khi chỉ điều chỉnh những vấn đề chính yếu nhất chứ không bao trùm hết tất cả các vấn đề trong xã hội. Hương ước sẽ giúp lấp những khoảng trống mà pháp luật chưa "vươn" tới.

Quán triệt và thực hành sâu sắc quan điểm hương ước là của dân, do dân và vì dân - Ảnh 4.

PGS.TS Trần Hữu Sơn, Viện trưởng Viện nghiên cứu văn hóa dân gian ứng dụng

Về nguyên tắc, theo PGS.TS Trần Hữu Sơn, hương ước không trái với pháp luật nhưng hương ước không phải là luật, tất cả những gì là luật đã được luật điều chỉnh, hương ước chỉ là lệ nên không nhắc lại luật.

PGS.TS Trần Hữu Sơn cho rằng việc xây dựng hương ước phải tôn trọng tính tự chủ của người dân và phải tôn trọng tính đa dạng của văn hoá.

"Tính đa dạng của văn hóa là cực kỳ quý và phải đề cao tính đa dạng", PGS.TS Trần Hữu Sơn nhấn mạnh và cho rằng việc xây dựng hương ước không làm theo mẫu chung nhưng cũng cần có một khung cho hương ước, hình thức hương ước ngắn gọn để người dân tự xây dựng.

Nêu ý kiến, TS Hoàng Minh Thái (nguyên Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ VHTTDL) khẳng định nguyên tắc của hương ước phải là của dân, do dân và vì dân. Hương ước phải có sự đồng thuận của người dân.

Hương ước là cánh tay nối dài của pháp luật, cái gì pháp luật chưa quy định thì đưa vào hương ước. Mục đích của xây dựng hương ước là giải quyết những vấn đề pháp luật chưa nêu rõ.

Quán triệt và thực hành sâu sắc quan điểm hương ước là của dân, do dân và vì dân - Ảnh 5.

TS Hoàng Minh Thái, nguyên Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ VHTTDL

Đóng góp về dự thảo nghị định, TS Hoàng Minh Thái cho rằng, nguyên tắc để xây dựng hương ước cần đơn giản, dễ hiểu hơn. Ông Thái cũng đóng góp các ý kiến liên quan đến về đề kinh phí, vấn đề thủ tục, trình tự xây dựng, bãi bỏ hương ước và các vấn đề về thưởng phát quy định trong hương ước.

Những vấn đề đã được quy định trong pháp luật thì không đưa vào hương ước

Phát biểu tại tọa đàm, ông Trần Việt Phương, Phó Giám đốc Sở Văn hoá, Thể thao tỉnh Ninh Bình cho rằng, cần tính toán để có sự phân loại trong việc xây dựng hương ước, quy ước ở khu vực nông thôn và khu vực thành thị. Theo ông Phương, khu vực đô thị có sự giao lưu, hội nhập, hòa nhập mạnh mẽ hơn khu vực nông thôn, do vậy việc xây dựng hương ước sẽ có nhiều khó khăn hơn so với khu vực nông thôn.

Quán triệt và thực hành sâu sắc quan điểm hương ước là của dân, do dân và vì dân - Ảnh 6.

Ông Trần Việt Phương, Phó Giám đốc Sở Văn hoá, Thể thao tỉnh Ninh Bình

Về phạm vi, những vấn đề đã được quy định trong pháp luật thì không cần thiết phải đưa vào hương ước, quy ước. Bên cạnh đó, về thể thức, hình thức hương ước, quy ước cũng cần tránh tình trạng rập khuôn, máy móc.

Phó Giám đốc Sở Văn hoá, Thể thao tỉnh Ninh Bình cũng đóng góp một số vấn đề liên quan đến nguồn lực, kinh phí, năng lực cán bộ cấp thôn, xóm khi xây dựng hương ước, quy ước.

Bà Trần Thị Bích Huyền, Phó Vụ trưởng Vụ Văn hóa dân tộc, Bộ VHTTDL cho rằng, về thể thức, hương ước, quy ước không nên xây dựng theo hướng có các điều, khoản mà nên ngắn gọn, súc tích, dễ hiểu. Bà Huyền cũng băn khoăn về vấn đề thưởng, phạt trong quy chế của hương ước, việc thưởng phạt cần quy định như thế nào để không vi phạm pháp luật.

Quán triệt và thực hành sâu sắc quan điểm hương ước là của dân, do dân và vì dân - Ảnh 7.

Bà Trần Thị Bích Huyền, Phó Vụ trưởng Vụ Văn hóa dân tộc, Bộ VHTTDL

Trong khi đó, TS Mai Hương, Phó Viện trưởng Viện văn hóa nghệ thuật quốc gia Việt Nam cho rằng, Nghị định về xây dựng và thực hiện hương ước, quy ước của cộng đồng dân cư cần có phụ lục hướng dẫn để tránh tình trạng máy móc, rập khuôn, không thực tiễn khi xây dựng hương ước, quy ước.

TS Mai Hương cũng đề nghị cần lấy thêm ý kiến của người dân bằng các cuộc họp, trao đổi tập trung với đủ các thành phần tham gia, tránh tình trạng các địa phương làm hình thức.

Quán triệt và thực hành sâu sắc quan điểm hương ước là của dân, do dân và vì dân - Ảnh 8.

TS Mai Hương, Phó Viện trưởng Viện văn hóa nghệ thuật quốc gia Việt Nam

Nêu ý kiến tại tọa đàm, bà Phạm Thị Hồng, Phó Ban Dân chủ - Pháp luật, Uỷ ban Trung ương MTTQ Việt Nam cho rằng, Dự thảo Nghị định về xây dựng và thực hiện hương ước, quy ước của cộng đồng dân cư đã tiếp tục phát huy các quy định còn giá trị trong thực tiễn, đồng thời khắc phục những hạn chế trong quá trình thực hiện.

Quán triệt và thực hành sâu sắc quan điểm hương ước là của dân, do dân và vì dân - Ảnh 9.

Bà Phạm Thị Hồng, Phó Ban Dân chủ - Pháp luật, Uỷ ban Trung ương MTTQ Việt Nam

Theo bà Phạm Thị Hồng, các nội dung trong dự thảo đã thể hiện vai trò của MTTQ và các tổ chức thành viên, tuy nhiên dự thảo cần làm rõ hơn nữa vai trò giám sát của MTTQ.

Quán triệt và thực hành sâu sắc quan điểm hương ước là của dân, do dân và vì dân - Ảnh 10.

Các đại biểu dự tọa đàm

Phát biểu kết luận buổi tọa đàm, ông Phạm Cao Thái, Vụ trưởng Vụ Pháp chế cảm ơn các ý kiến đóng góp rất quan trọng tại tọa đàm và khẳng định Ban tổ chức sẽ tổng hợp tất cả các nội dung, tiếp thu, chắt lọc để xây dựng dự thảo Nghị định về xây dựng và thực hiện hương ước, quy ước của cộng đồng dân cư đi gần với thực tiễn nhất.

Xuân Trường

NỔI BẬT TRANG CHỦ