• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Quảng Bình: Ấn tượng bản làng người Rục

Du lịch 03/11/2020 14:25

(Tổ Quốc) - Đây là tour du lịch thú vị và đặc biệt ấn tượng trước bản làng rất độc đáo của người Rục, do đường vào nằm sâu trong các dãy núi đá vôi nên vào mùa mưa lũ nước không thoát kịp và cả cánh rừng nhiệt đới tạm thời ngập sâu trong nước.

Ngày 3/11, tin từ Sở Du lịch tỉnh Quảng Bình cho biết, Sở đã đồng ý cho phép Công ty Oxalis Holyday tổ chức tour khám phá thiên nhiên và tìm hiểu văn hóa bản Rục ở Thượng Hóa (Minh Hóa – Quảng Bình).

Đây là tour du lịch rất thú vị và đặc biệt ấn tượng trước bản làng rất độc đáo của người Rục, do đường vào nằm sâu trong các dãy núi đá vôi nên vào mùa mưa lũ nước không thoát kịp và cả cánh rừng nhiệt đới tạm thời ngập sâu trong nước.

Quảng Bình: Ấn tượng bản làng người Rục - Ảnh 1.

Bản Rục nhìn ở trên cao...

Sự độc đáo tuyệt vời mà khó có nơi nào có được, khi nước sẽ ngập trong vòng khoảng 1-2 tháng và trong xanh như màu ngọc bích. Nếu dùng kính lặn để lặn quan sát thế giới bên dưới mặt nước thì nó như mở ra một thế giới khác, kỳ ảo siêu thực. Đằng sau những cánh rừng ngập nước màu xanh ngọc là các bản làng của đồng bào người Rục.

Cuối năm 1959, bộ đội Biên phòng Cà Xèng đóng tại Thượng Hóa trong một lần tuần tra đã phát hiện nhóm "người rừng" nhút nhát, không mảnh vải che thân, leo trèo trên vách đá, chuyền cành nhanh như thú hoang. Sau nhiều tháng tiếp cận, bộ đội đã vận động được họ rời hang đá về định cư ở 3 bản Ón, Yên Hợp và Mò O – Ồ Ồ thuộc xã Thượng Hóa. Từ đây tộc người Rục được biết đến là em út trong cộng đồng các dân tộc Việt Nam.

Quảng Bình: Ấn tượng bản làng người Rục - Ảnh 2.

Hồ nước mênh mông sau mùa mưa lũ, do không có đường thoát nên tồn tại từ 1-2 tháng sau mưa lũ...

Đến đầu năm 2013, tộc người Rục được đưa vào danh sách 10 bộ lạc còn nhiều điều bí ẩn nhất thế giới. Họ có tập quán lạc hậu, quen ở hang sâu, săn bắt, hái lượm nhưng cũng có đời sống tinh thần phong phú, còn lưu giữ những nét văn hóa đã từ lâu không tồn tại trong thế giới hiện đại.

Trước khi rời hang đá, người Rục vốn sống tách biệt, cuộc sống hoàn toàn dựa vào tự nhiên nên còn giữ nhiều cách sinh hoạt của người tiền sử. Người Rục không biết đến sự tồn tại của các tộc người khác, không tiếp xúc với thế giới bên ngoài. Họ để tóc dài quá lưng, không mặc quần áo, chỉ che thân bằng những tấm vỏ cây sơ sài.

Quảng Bình: Ấn tượng bản làng người Rục - Ảnh 3.

Du khách tham quan ở hồ nước.

Đặc sản của người Rục là món Ốc Lèn và Rượu Đoác. Ốc lèn là một loại ốc sống trên núi, chuyên ăn các loại lá cây vào ban đêm, người Rục bắt về hấp ăn với muối Cheo ngon tuyệt vời. Đồng bào Rục cho rằng ăn loại Ốc Lèn này có thể giúp tăng cường sinh lực và giảm bệnh gút. Người Rục còn lên rừng tìm cây đoác (hay còn gọi là cây tà vạt – loại cây họ dừa mọc nhiều trên dãy núi đá vôi Trường Sơn), ngâm với vỏ cây chuồn để lên men thành rượu.

Bản Rục sau mưa 

Ngày này, người Rục đã được các chiến sĩ biên phòng đồn Cà Xèng hướng dẫn trồng lúa nước, do hàng năm vẫn bị nước lũ chia cắt nên phần nào đời sống của người Rục còn nhiều khó khăn. Đặc biệt là đường vào 3 bản nằm sâu trong khu vực biên giới đang gặp rất nhiều khó khăn sau bão lũ.

Nhằm hỗ trợ người dân 3 bản bị nước lũ chia cắt với bên ngoài, Công ty Oxalis Holiday tổ chức các chuyến du lịch tham quan Hung Trâu và các bản đồng bào Rục trong khu vực. Đồng thời kết hợp với đồn biên phòng Cà Xèng hỗ trợ các hạng mục xây dựng 3 trạm lọc nước sạch cho 3: Bản Ón, Bản Mò O-Ồ Ồ, Bản Yên Hợp. Ủng hộ quỹ thắp sáng vùng biên do đồn biên phòng Cà Xèng thực hiện gắn hệ thống chiếu sáng cho các bản vùng biên giới với số tiền 50 triệu đồng.

Vĩnh Phúc - Phúc An

NỔI BẬT TRANG CHỦ