• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Quảng Bình: Hơn 40.000 ca mắc bệnh đau mắt đỏ, trường học tìm mọi biện pháp để phòng bệnh

Sức khỏe 26/09/2023 10:52

(Tổ Quốc) - Dịch đau mắt đỏ tại tỉnh Quảng Bình đang có xu hướng gia tặng mạnh trong những ngày qua, một số địa phương xuất hiện hàng ngàn ca bệnh mới mỗi ngày đặc biệt là tập trung vào độ tuổi học sinh ở các cấp học Mầm non và Tiểu học.

Tính đến ngày 26/9 đã có hơn 40.000 ca mắc bệnh đau mắt đỏ tập trung nhiều ở các huyện như Lệ Thuỷ, Tuyên Hoá, Bố Trạch, Tx. Ba Đồng và Tp. Đồng Hới, các huyện còn lại đều đã ghi nhận từ trên 1.000 đến 3.000 ca đau mắt đỏ.

Quảng Bình: Hơn 40.000 ca mắc bệnh đau mắt đỏ, trường học tìm mọi biện pháp để phòng bệnh - Ảnh 1.

Tranh thủ các giờ sinh hoạt, và giờ ra chơi, cán bộ y tế trường Tiểu học số 3 Nam Lý tuyên truyền cho học sinh các kiến thức cơ bản để nhận biết bệnh đau mắt đỏ

Số ca mắc dịch đau mắt đỏ xuất hiện nhiều trong trường học, vì khoảng thời gian này là thời gian học sinh đến trường, thời điểm giao mùa và có những diễn biến thất thường tạo điều kiện cho các loại nấm, vi khuẩn, vi rút… phát triển, trẻ lại tiếp xúc gần nhau trong lớp học nên nguy cơ bùng phát dịch bệnh là rất cao.

Theo ông Đỗ Quốc Tiệp, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Quảng Bình, bệnh đau mắt đỏ dễ lây lan và bùng phát thành ổ dịch lớn trong thời gian ngắn. Bất cứ ai cũng có thể mắc đau mắt đỏ và mỗi người cũng có thể bị viêm kết mạc nhiều lần. Nhưng trẻ em là đối tượng dễ mắc đau mắt đỏ nhất vì trẻ hay có thói quen dụi mắt, nên khi trẻ tiếp xúc hay chơi chung với trẻ bị đau mắt đỏ thì khả năng lây nhiễm rất cao và đặc biệt trường học là môi trường rất dễ khiến bệnh lây lan.

Quảng Bình: Hơn 40.000 ca mắc bệnh đau mắt đỏ, trường học tìm mọi biện pháp để phòng bệnh - Ảnh 2.

Hướng dẫn các em học sinh cách nhỏ thuốc chống dịch đau mắt đỏ

Vì phần lớn dịch đau mắt đỏ xuất hiện chủ yếu trong độ tuổi học sinh ở bậc học Mầm non và Tiểu học nên các trường học tại tỉnh Quảng Bình đã chủ động đưa ra những phương án phòng dịch theo khuyến cáo của ngành Y tế để đảm bảo khống chế dịch bệnh tránh lây lan nhanh trong trường học.

Cô giáo Trần Thị Thanh Phượng, Hiệu trưởng Trường Tiểu học số 1 Bảo Ninh (Tp. Đồng Hới - Quảng Bình) cho biết, để phòng, chống dịch bệnh, nhà trường thường xuyên tổng vệ sinh, lau chùi các lớp học, bố trí đầy đủ xà phòng rửa tay ở các khu vực vệ sinh. Các giáo viên tranh thủ những thời gian sinh hoạt đầu giờ, giờ ra chơi hướng dẫn học sinh cách phòng bệnh, không đưa tay lên dụi mắt và phải rửa tay bằng xà phòng với nước sạch sau khi đi vệ sinh; quan tâm theo dõi sức khỏe của học sinh và yêu cầu phụ huynh nếu con em bị đau mắt đỏ thì không đến trường tránh lây lan cho các bạn trong lớp.

Quảng Bình: Hơn 40.000 ca mắc bệnh đau mắt đỏ, trường học tìm mọi biện pháp để phòng bệnh - Ảnh 3.

Tại trường Tiểu học số 1 Bảo Ninh khi phát hiện học sinh có dấu hiệu đau mắt đỏ, các em sẽ được đưa đến phòng y tế cán bộ y tế kiểm tra và hướng dẫn cách chăm sóc, bảo vệ mắt để các em có thể tự bảo vệ mình trước dịch đau mắt đỏ

Các cán bộ y tế tại các trường (đặc biệt là trường Mầm non) cũng đã chủ động đề xuất mua đầy đủ thuốc, vật tư theo hướng dẫn của cơ quan y tế để chủ động phòng bệnh. Giáo viên các nhóm lớp thường xuyên lau chùi sạch sẽ sàn nhà, cửa phòng học, tay vịn cầu thang và đồ dùng đồ chơi của trẻ bằng các dung dịch khử khuẩn.

Theo dõi và đề nghị phụ huynh không cho trẻ tới lớp khi phát hiện đau mắt đỏ. Đặc biệt, nhà trường lưu ý bếp ăn tuyệt đối không cho trẻ dùng chung đồ dùng trong khi ăn, bảo đảm tất cả vật dụng của trẻ (thìa, bát, đĩa) đều được tiệt trùng bằng nước sôi.

Cô giáo Nguyễn Thị Lê, Hiệu trưởng Trường Tiểu học số 3 Nam Lý - Tp. Đồng Hới cho hay, có những thời điểm học sinh nhà trường mắc bệnh đau mắt đỏ lên đến 100 em và một số giáo viên cũng mắc phải do đó, những trường hợp học sinh đau mắt đỏ, nhà trường đã chủ động cho học sinh nghỉ học và vận động, hướng dẫn phụ huynh cách chăm sóc đối với con trẻ khi ở nhà, việc học của các cháu sẽ được giáo viên bổ trợ kiến thức ngay sau khi khỏi bệnh và trở lại trường học, đảm bảo cho học sinh đầy đủ kiến thức như các bạn cùng lớp khác…

Quảng Bình: Hơn 40.000 ca mắc bệnh đau mắt đỏ, trường học tìm mọi biện pháp để phòng bệnh - Ảnh 4.

Cán bộ y tế hướng dẫn cách nhỏ thuốc cho học sinh các lớp ở trường Tiểu học số 1 Bảo Ninh.

Theo khuyến cáo của Bộ Y tế: Bệnh đau mắt đỏ lây truyền với 2 hình thức tiếp xúc trực tiếp hoặc gián tiếp: Lây truyền trực tiếp xảy ra khi tiếp xúc trực tiếp với dịch tiết của cơ thể như nước mắt, dịch từ mắt, nước bọt, giọt bắn qua phản xạ ho, hắt hơi của người bệnh. Lây gián tiếp khi tiếp xúc hoặc dùng chung các vật dụng cá nhân với người bị đau mắt đỏ (khăn mặt, khăn tắm, cốc uống nước hoặc kính áp tròng…). Đau mắt đỏ rất dễ lây lan và bùng phát thành dịch, nhất là khi nguyên nhân gây bệnh đến từ vi khuẩn hoặc vi rút.

Bộ Y tế đề nghị các bậc phụ huynh tuyệt đối không tự điều trị khi trẻ đau mắt đỏ. Đặc biệt, không được tự điều trị theo cách truyền miệng, hoặc theo trên mạng, như: Xông các loại lá trầu không, lá dâu tằm, đắp hành củ, nhỏ sữa mẹ vào mắt trẻ… Không tự mua thuốc điều trị khi không có chỉ định của bác sĩ. Việc điều trị không đúng bệnh, không đúng thuốc sẽ dẫn tới những hậu quả nặng nề, đáng tiếc, như: Mắt trẻ sẽ bị giảm thị lực, viêm loét giác mạc, thậm chí mù lòa...

Vĩnh Quý

NỔI BẬT TRANG CHỦ