(Tổ Quốc) - UBND tỉnh Quảng Bình đã xây dựng Kế hoạch triển khai thực hiện phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa" trên địa bàn trong thời gian tới.
Ảnh minh họa. Nguồn: Báo Quảng Bình
Theo đó, một số nội dung và nhiệm vụ trọng tâm được triển khai gồm: Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về Phong trào gắn với các cuộc vận động, phong trào thi đua khác; chú trọng truyền thông và nêu gương các điển hình tiên tiến. Tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền về các nội dung thực hiện Phong trào theo Quyết định số 2478/QĐ-TTg ngày 30/12/2015 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án truyền thông về phát triển Phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa" đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030.
Đồng thời thực hiện chặt chẽ, khách quan, công bằng việc bình xét và công nhận các danh hiệu văn hóa theo đúng quy định tại Nghị định số 122/2018/NĐ-CP ngày 17/9/2018 của Chính phủ và Quyết định số 397/QĐ-UBND ngày 01/02/2019 của UBND tỉnh về việc ban hành Quy định tiêu chuẩn, cách chấm điểm để xét tặng danh hiệu "Gia đình văn hóa", "Thôn văn hóa"; "Bản văn hóa"; "Tổ dân phố văn hóa" trên địa bàn tỉnh Quảng Bình để tiếp tục nâng cao chất lượng các danh hiệu văn hóa. Phát huy tốt vai trò giám sát, phản biện của các tổ chức xã hội, cộng đồng dân cư; kiên quyết loại bỏ bệnh hình thức, chạy theo thành tích.
Đẩy mạnh việc triển khai Quyết định số 22/2018/QĐ-TTg ngày 08/5/2018 của Thủ tướng Chính phủ về xây dựng, thực hiện hương ước, quy ước; Kế hoạch số 1175/KH-UBND ngày 17/7/2018 của UBND tỉnh về triển khai thực hiện Quyết định số 22/2018/QĐ-TTg ngày 08/5/2018 của Thủ tướng Chính phủ về xây dựng, thực hiện hương ước, quy ước trên địa bàn tỉnh Quảng Bình.
Ngoài ra, khuyến khích các tổ chức, cá nhân tham gia đầu tư, hỗ trợ cho các hoạt động của Phong trào; tạo mọi điều kiện cần thiết để nhân dân chủ động, tổ chức các hoạt động văn hóa, thể thao, phát triển và nâng cao đời sống văn hóa ở cơ sở. Phổ biến, nhân rộng các điển hình tiên tiến và phát huy hiệu quả các danh hiệu văn hóa; có cách nghĩ, cách làm tích cực, sáng tạo; kịp thời bổ sung những giải pháp đặc thù trong quá trình thực hiện Phong trào phù hợp với thực tiễn. Đối với địa bàn vùng miền núi, dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa ...cần có sự quan tâm và đầu tư về cơ sở vật chất văn hóa, trang thiết bị hoạt động, gìn giữ và phát huy bản sắc thông qua phát triển phong trào văn hóa - văn nghệ, thể dục - thể thao của đồng bào các dân tộc.
Việc triển khai thực hiện Phong trào sẽ góp phần gắn kết và phát huy vai trò đối với phát triển văn hóa nông thôn; xây dựng nông thôn mới; xây dựng nếp sống văn minh đô thị; đẩy mạnh thực hiện xã hội hóa việc xây dựng các thiết chế văn hóa và hoạt động văn hóa, thể thao ở cơ sở; thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ chính trị, kinh tế, xã hội trong giai đoạn mới.