• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Quảng Bình: Nỗ lực bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc thiểu số

Văn hoá 17/10/2024 19:07

(Tổ Quốc) - Mặc dù tại tỉnh Quảng Bình, các dân tộc thiểu số có dân số khá ít, lại phân thành nhiều tộc người và sống xen kẽ với nhau thường tập trung ở các xã vùng sâu, biên giới, nơi có điều kiện tự nhiên, kinh tế - xã hội hết sức khó khăn. Tuy nhiên trong quá trình phát triển và giao lưu tiếp biến, đồng bào các dân tộc thiểu số Quảng Bình đã cố gắng sáng tạo và gìn giữ rất nhiều giá trị văn hoá vật thể và phi vật thể, đồng thời cũng đóng góp nhiều công sức, xương máu trong công cuộc bảo vệ và xây dựng đất nước nói chung và tỉnh Quảng Bình nói riêng.

Sự đa dạng về văn hoá…

Theo báo cáo của Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh Quảng Bình, hiện nay toàn tỉnh có dân tộc Bru - Vân Kiều gồm 4 tộc người: Vân Kiều, Khùa, Ma Coong, Trì. Dân tộc Chứt gồm 5 tộc người: Sách, Mày, Rục, A Rem, Mã Liềng. Các dân tộc thiểu số còn lại với số dân không nhiều như: Thổ, Mường, Tày, Thái... Trong công tác quản lý, bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể được chú trọng; trong đó nhiều di sản văn hóa phi vật thể được xác lập.

Quảng Bình: Nỗ lực bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc thiểu số - Ảnh 1.

Tái hiện lễ hội với nét văn hóa tương đồng cho đồng bào Chứt ở xã Trọng Hóa huyện Minh Hóa (Quảng Bình)

Tỉnh Quảng Bình có hơn 100 đơn vị di sản văn hóa phi vật thể; có gần 10 di sản văn hóa được Nhà nước đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia như: Lễ hội Rằm tháng ba Minh Hóa, lễ hội Đập trống của đồng bào Ma Coong (xã Thượng Trạch, huyện Bố Trạch), Lễ hội Cầu Ngư của người dân vùng biển, lễ hội Núi Thần Đinh (huyện Quảng Ninh); Lễ hội Trỉa lúa của người Bru-Vân Kiều (xã Trường Sơn, huyện Quảng Ninh), tuần văn hóa - du lịch, gắn với lễ hội đường phố, ẩm thực (thành phố Đồng Hới); lễ hội tâm linh ở Chùa Hoằng Phúc (huyện Lệ Thủy), đền thờ Công chúa Liễu Hạnh (huyện Quảng Trạch), Hội Vật đầu xuân, Cướp cù, Lễ hội Không gian xưa "Chợ Tết quê" ở Ba Đồn…

Đã có nhiều chương trình nghiên cứu về các dân tộc thiểu số ở tỉnh Quảng Bình như: Đề tài nghiên cứu về vốn âm nhạc dân gian người Nguồn; sưu tầm vốn văn học, nghệ thuật các tộc người Mày, Sách thuộc dân tộc Chứt... góp phần phục dựng, lưu giữ các giá trị văn hóa truyền thống quê hương. Các sản phẩm thủ công mỹ nghệ, làng nghề, ẩm thực, đặc sản truyền thống phát triển phong phú, chất lượng được nâng lên, được giới thiệu, quảng bá ra thị trường trong nước và khu vực….

Nhiều hoạt động thiết thực…

Để bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa đồng bào dân tộc, Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh Quảng Bình đã tổ chức nhiều hoạt động như Ngày hội văn hóa, thể thao các dân tộc tỉnh Quảng Bình (lần thứ nhất năm 2021) với gần 250 nghệ nhân, diễn viên, vận động viên và lần thứ hai được tổ chức vào ngày 22/6/2023 đã thu hút sự tham gia của 369 nghệ nhân, diễn viên, vận động viên đến từ 8 huyện, thị xã, thành phố.

Quảng Bình: Nỗ lực bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc thiểu số - Ảnh 2.

Tái hiện lễ cúng Giang Sơn của đồng bào Rục ở xã Thượng Hóa (Minh Hoá)

Thông qua Ngày hội Văn hóa, Thể thao các dân tộc tỉnh Quảng Bình nhằm tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho cán bộ, đảng viên và nhân dân về tầm quan trọng trong công tác bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống các dân tộc trên địa bàn tỉnh; tạo không khí vui tươi, phấn khởi, động viên các tầng lớp nhân dân, nhất là đồng bào các dân tộc hăng hái thi đua, lao động sản xuất, góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội trong giai đoạn hiện nay.

Ngoài các kết quả tích cực ở trên, những năm qua, tỉnh Quảng Bình đã tăng cường các hoạt động giao lưu, tiếp thu tinh hoa văn hóa với nước ngoài như Thái Lan, Philippines, Singapore, Lào; lễ hội hang động Quảng Bình - Di sản thiên nhiên thế giới Vườn Quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng, Tuần văn hóa - du lịch Đồng Hới, Tuần văn hóa và Lễ hội Rằm tháng 3 Minh Hóa, Giải đua thuyền truyền thống tỉnh Quảng Bình mở rộng các nước Lào, Thái Lan... điều này đã quảng bá nét văn hóa của tỉnh Quảng Bình đến bạn bè trong nước và quốc tế, tạo cơ hội giao lưu học hỏi, hợp tác phát triển văn hóa, du lịch trong giai đoạn hiện nay.

Cần sự chung tay của toàn xã hội

Mặc dù đạt được nhiều thành tựu nhưng nhìn chung công tác bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa các dân tộc thiểu số ở tỉnh Quảng Bình sẽ không tránh khỏi một số hạn chế nhất định như: sự chênh lệch về hưởng thụ văn hóa còn lớn; đầu tư bảo tồn văn hóa còn chưa đáp ứng được thực tiễn; việc phát huy vai trò của các chủ thể văn hóa vẫn còn chưa đồng bộ trong việc lập kế hoạch, xây dựng dự án cũng như triển khai, tổ chức quản lý, giám sát các dự án từ cơ sở đối với các dự án nói chung và các chương trình, dự án về văn hoá.

Quảng Bình: Nỗ lực bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc thiểu số - Ảnh 3.

Bà con dân tộc Chứt tham gia các lớp tập huấn bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa

Tuy nhiên, trong thời gian qua tỉnh Quảng Bình đã quan tâm và có nhiều chính sách nhằm ưu tiên phát triển văn hóa, thể thao và du lịch vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Cùng với đó, các vùng dân tộc thiểu số và miền núi tại tỉnh này có nhiều chuyển biến và đổi mới rõ nét về các mặt: cơ sở hạ tầng kinh tế kỹ thuật và văn hóa xã hội, trình độ học vấn và dân trí, đời sống vật chất và tinh thần, trật tự an ninh xã hội, bình đẳng và đại đoàn kết dân tộc…

Bên cạnh đó, nhiều tổ chức, đoàn thể, cơ quan, ban ngành đã tăng cường kết hợp, lồng ghép các dự án văn hóa với các chương trình, dự án hỗ trợ phát triển văn hóa, thể thao, du lịch các dân tộc thiểu số trong những năm qua đã góp phần bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống tiêu biểu của các dân tộc trong thời kỳ mới, tạo động lực phát triển văn hóa gắn với du lịch, xóa đói, giảm nghèo, xây dựng đời sống văn hóa, môi trường văn hóa lành mạnh, tiến bộ, đẩy lùi tập tục lạc hậu và tệ nạn xã hội vùng dân tộc thiểu số.

Vĩnh Quý

NỔI BẬT TRANG CHỦ