• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Quảng cáo thực phẩm chức năng: Xử phạt nhiều vẫn tràn lan

Sức khỏe 18/07/2013 21:37

(Toquoc)-Cục An toàn thực phẩm, đã trao đổi với báo chí các vấn đề nổi cộm về an toàn thực phẩm trong thời gian qua.

(Toquoc)-Chiều 18/7, Cục An toàn thực phẩm (ATTP), Bộ Y tế đã trao đổi với báo chí các vấn đề nổi cộm về an toàn thực phẩm trong thời gian qua.

Vi phạm quảng cáo diễn ra nghiêm trọng

Phó Cục trưởng Cục ATTP Nguyễn Thanh Phong cho biết, dù đã chấn chỉnh rất nhiều song thời gian gần đây, tình trạng vi phạm trong quảng cáo thực phẩm chức năng vẫn diễn ra rất nghiêm trọng.

"Cục đã thẩm định, cấp phép, các nội dung quảng cáo đều đảm bảo chính xác. Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp vẫn in ấn, phát tán những nội dung quảng cáo chưa được thẩm định hoặc quá nội dung được cấp phép" - ông Phong cho biết.

Đặc biệt, quảng cáo về các sản phẩm sinh lý ngày một nhiều, thậm chí có quảng cáo còn vi phạm thuần phong mỹ tục của Việt Nam, mà không được cơ quan nào thẩm định, cho phép.

Đơn cử như ngay trong tuần trước, Cục ATTP đã xử lý đến 9 cơ sở có sản phẩm thực phẩm chức năng vi phạm về quảng cáo như quảng cáo không đúng, quảng cáo quá mức cho phép, quảng cáo có nội dung liên quan đến cai nghiện ma túy…

"Việc quảng cáo này còn tràn ngập trên các trang mạng, rất khó quản lý… Để giải quyết được vấn đề này cần có sự vào cuộc, phối hợp quyết liệt hơn nữa của nhiều ngành chức năng. Nếu chỉ riêng ngành y tế thì không thể làm được" - ông Phong nói.



Quảng cáo thực phẩm chức năng: Xử phạt nhiều vẫn tràn lan (ảnh minh họa)

Liên quan đến thông tin về một cơ sở ép dầu ăn ở Quảng Nam trộn lốp xe vào đậu phộng để ép dầu, ông Phong cho hay, kết quả kiểm tra thì tình trạng trên là đúng sự thật.

"Cục xác định đây là hành vi vi phạm pháp luật về ATTP rất nghiêm trọng bởi trang thiết bị sản xuất thực phẩm không đảm bảo vệ sinh; chất hỗ trợ chế biến (lốp xe) không nằm trong danh mục cho phép chế biến thực phẩm" - ông Phong cho biết.

Về những tác động của loại dầu này, ông Phong khẳng định, chắc chắn sẽ có ảnh hưởng xấu tới sức khỏe. Tuy nhiên mức độ ảnh hưởng tới đâu thì còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố và cần có kết quả nghiên cứu.

Ngộ độc tại bếp ăn tập thể đáng lo ngại

Từ đầu năm tới nay, cả nước có 87 vụ ngộ độc thực phẩm với 1.856 người mắc và 18 trường hợp tử vong.

Theo Cục ATTP, quý 2 là thời điểm thời tiết nắng, nóng kèm theo đó là các cơn mưa và bão khiến thực phẩm dễ bị ôi thiu, biến chất.

Các loại thực phẩm như đỗ, lạc, ngô, ngũ cốc nói chung dễ bị mốc, hỏng gây ngộ độc thực phẩm.

Ngoài ra, tình hình buôn lậu qua biên giới vẫn xảy ra, trong đó có thực phẩm, trái cây, hóa chất, phụ gia thực phẩm, gà thải loại, thực phẩm không rõ nguồn gốc…

Cũng trong 5 tháng đầu năm, riêng ngộ độc thực phẩm tại các bếp ăn tập thể đã xảy ra 6 vụ với 441 người mắc và 401 người đi viện. Gần đây nhất là vụ việc xảy ra tại bếp ăn tập thể của Công ty May Foremart , Hưng Yên khiến hơn 230 người ngộ độc…

Nguyên nhân chủ yếu là do các công ty, xí nghiệp ký hợp đồng mua suất ăn ở bên ngoài mang vào cung cấp cho công nhân. Điều này khiến việc kiểm soát quy trình chế biến thức ăn, vận chuyển trở nên khó khăn và thực phẩm dễ nhiễm đaộc.

Cũng theo ông Phong, qua khảo sát, nhiều công nhân ở các nhà máy chỉ được cung cấp suất ăn có trị giá từ 7.000-12.000 đồng, dẫn đến tình trạng thiếu chất, nguy hiểm cho sức khỏe.

"Dù phát hiện rõ ràng nhưng việc xử phạt với các doanh nghiệp này là rất khó bởi họ đã có thỏa thuận với công nhân từ trước về số tiền ăn được hỗ trợ. Chưa kể, bản thân công nhân cũng không muốn bữa ăn nhiều tiền hơn vì lo tốn tiền"- ông Phong cho hay.


 20% cơ sở không đảm bảo an toàn thực phẩm

Theo Cục ATTP, trong Tháng hành động ATTP, các lực lượng chức năng đã kiểm tra được gần 200.000 cơ sở, phát hiện hơn 41.700 cơ sở không đạt yêu cầu về VSATTP, chiếm tỷ lệ 20,09%; Phạt tiền 2.411 cơ sở với tổng số tiền phạt đồng hơn 3, 8 tỷ đồng

 

Gia Bảo

 

NỔI BẬT TRANG CHỦ